Chân dung ông trùm chứng khoán tuổi Nhâm Dần Nguyễn Duy Hưng

Thảo Nguyên |

Ông Nguyễn Duy Hưng thường được mọi người biết đến gắn liền với hình ảnh Công ty chứng khoán SSI đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Xuyên Thái Bình (PAN); Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH NDH Việt Nam.

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng là ai?

Xuất hiện thường xuyên trên truyền thông và mạng xã hội, ông Nguyễn Duy Hưng thường được mọi người biết đến gắn liền với hình ảnh Công ty chứng khoán SSI. Tuy nhiên vị doanh nhân sinh năm 1962 này còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Xuyên Thái Bình (PAN); Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM); Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH NDH Việt Nam.

Tính đến thời điểm ngày 25/1/2022, giá trị vốn hóa tài sản của ông Nguyễn Duy Hưng ở mức 5.249 tỷ đồng.

Ông Hưng sinh năm Nhâm Dần. Theo các sách tử vi, người sinh tuổi này thường nhạy cảm, cởi mở và ít nóng nảy hơn so với những tuổi Dần còn lại. Người sinh năm này cũng có khả năng kiểm soát cảm xúc và tập trung chú ý tốt hơn.

Mạnh mẽ không kém các tuổi Dần khác, nhưng Nhâm Dần không phải vật lộn để kiểm soát sức mạnh của mình. Họ ít tức giận hơn khi mọi việc không diễn ra như dự định, và có thể thích ứng tốt hơn với những thay đổi thói quen vào phút chót.

Đặc biệt người tuổi Nhâm Dần có trực giác tốt và thực tế hơn, cũng như rất giỏi trong giao tiếp và ít mắc sai lầm trong các nhận định của mình. Họ có tài thuyết phục, ăn nói cực kỳ lưu loát và có thể thành công trong thương thảo.

"Với tôi, lấy tiền ở đâu để tiêu là dễ nhất vì tôi nghĩ ít người có khả năng huy động vốn trên thị trường giỏi bằng tôi", ông Hưng từng tự tin chia sẻ trên Zing như vậy. Điều này đủ để thấy rõ tài năng thuyết phục, thương thảo, ăn nói lưu loát của vị doanh nhân này.

Chân dung ông trùm chứng khoán tuổi Nhâm Dần Nguyễn Duy Hưng - Ảnh 2.

Người theo chủ nghĩa dân tộc

Một điều thú vị là ông Hưng xuất thân không phải là dân kinh tế. Vị doanh nhân tuổi Nhâm Dần vốn sinh ra trong một gia đình nhà giáo nghèo, bố mẹ đều là giáo viên. Ông Hưng may mắn khi được lựa chọn đi du học Đông Âu, để trở thành một nhà khoa học. Nhưng khi trở về, Nguyễn Duy Hưng lại làm cho một cơ quan quản lý nhà nước. Sau 3 năm làm việc trong môi trường nhà nước, ông Hưng xin nghỉ để ra ngoài kinh doanh và tích lũy được một khoản vốn ban đầu.

Năm 1998, ông Nguyễn Duy Hưng mở công ty tư nhân với số tiền 250 triệu đồng chuyên cung cấp dịch vụ làm sạch cao ốc và công trình công cộng có tên PAN Pacific. Năm 2006, PAN chính thức lên sàn. Đến năm 2013, công ty này tăng vốn điều lệ lên 200,5 tỷ đồng, gấp 800 lần so với lúc mới thành lập và bắt đầu chiến lược kinh doanh vào lĩnh vực cốt lõi là nông nghiệp và thực phẩm.

"Tôi là người theo chủ nghĩa dân tộc. Tôi luôn kêu gọi mọi người vì các thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, tôi chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng, không được phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

Chẳng ai mua mà không vì mục đích của mình cả, cũng không ai bỏ tiền vì mục đích của người khác", chủ tịch tập đoàn PAN từng chia sẻ như vậy khi bình luận về việc người Thái mua cổ phần tại Sabaco với Zing.

Chân dung ông trùm chứng khoán tuổi Nhâm Dần Nguyễn Duy Hưng - Ảnh 4.

Chủ nghĩa dân tộc được ông Nguyễn Duy Hưng thể hiện rõ nhất trong chiến lược kinh doanh nông nghiệp và thực phẩm của PAN. Tập đoàn này liên tục rót vốn và nâng tỷ lệ sở hữu tại nhiều công ty thực phẩm có lịch sử lâu đời nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh. Năm 2013, PAN sở hữu 54,6% vốn điều lệ của CTCP XNK Thủy sản Bến Tre, đưa CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco) trở thành công ty liên kết.

Năm 2015, PAN tăng vốn điều lệ lên 1.009 tỷ đồng, sở hữu 42,3% vốn điều lệ của CTCP Bánh kẹo Biên Hòa- Bibica để công ty này không lọt vào tay đại gia ngoại là Lotte. Đến năm 2017, PAN nâng tỷ lệ sở hữu lên 50,07%. Bibica trở thành công ty con của PAN Food (công ty chuyên đầu tư vào thực phẩm của PAN).

Năm 2018, PAN rút hoàn toàn khỏi lĩnh vực vệ sinh công nghiệp để tập trung vào 2 lĩnh vực cốt lõi là nông nghiệp và thực phẩm.

Sau đó tập đoàn này mở rộng kinh doanh đưa CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) vốn là một trong những công ty xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam thành công ty con, công ty khử trùng Việt Nam thành công ty liên kết. PAN còn mua 22,4% cổ phần CTCP Thủy sản 584 Nha Trang, sau đó nâng lên 73,45%, quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu nước mắm truyền thống để đẩy mạnh đầu tư phát triển năng lực sản xuất.

Không chỉ dừng lại ở mua cổ phần các công ty nội địa, PAN còn thành lập nhà máy chế biến, công ty chuyên về trang trại, đầu tư vào trồng rau, hoa chất lượng cao. Năm 2019, tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Duy Hưng chính thức tham gia ngành cà phê năm 2019 khi mua 80% cổ phần công ty Golden Beans, sở hữu thương hiệu SHIN Cà phê.

Ngoài ra PAN cũng thành lập một công ty chuyên về hệ thống phân phối có tên PANCG.

Ông trùm ngành chứng khoán

"Tôi luôn ấp ủ việc tổ chức một kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Thị trường chứng khoán ra đời chính là một cơ hội để hiện thực hóa ý tưởng này", chủ tịch Nguyễn Duy Hưng từng chia sẻ như vậy.

Công tychứng khoán SSI ra đời cuối năm 1999, cùng năm với sự ra đời của thị trường chứng khoán tại Việt Nam và là công ty tư nhân đầu tiên được cấp phép thành lập. Vốn điều lệ của SSI chỉ 6 tỷ đồng.

Năm 2007 khi chứng khoán Việt Nam bùng nổ, SSI tăng vốn điều lên mức 800 tỷ đồng và thành lập công ty quản lý quỹ SSI. Cũng trong năm này, ngân hàng ANZ trở thành cổ đông chiến lược của SSI, sau đó thoái vốn vào năm 2014. Sang năm 2008, Daiwa cũng trở thành cổ đông chiến lược của công ty chứng khoán này.

Năm 2020, SSI được nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Đây là công ty chứng khoán tư nhân đầu tiên được trao danh hiệu này. Ông Nguyễn Duy Hưng cũng từng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba nhờ những đóng góp cho sự phát triển thị trường chứng khoán.

Đến năm 2022, Vốn điều lệ của SSI đạt mức 9.847,5 tỷ đồng. Tính đến nay, SSI là ông vua trong ngành chứng khoán Việt Nam.

Chân dung ông trùm chứng khoán tuổi Nhâm Dần Nguyễn Duy Hưng - Ảnh 6.

"Tôi và mọi người muốn nâng tầm nông nghiệp và thực phẩm Việt Nam. Khi nâng tầm một cái gì đấy, chúng ta phải cố gắng để chạy nhanh hơn người ta chứ đừng kiếm cái gì đó để níu kéo người khác.

Tôi chưa bao giờ đòi hỏi chính sách mà phải cạnh tranh công bằng. Phải tự chạy. Nếu khôn thì mình thắng, dại thì mình thua là bình thường.

Khi có giấc mơ, thì giấc mơ phải thật. 17 năm nay, kể từ khi tôi làm chứng khoán, tôi luôn nói điều tôi nghĩ và làm đúng những điều tôi nói, chưa ai trên thị trường thấy tôi làm điều gì không đúng như lời tôi nói", ông Nguyễn Duy Hưng đúc rút lại từ sự nghiệp kinh doanh của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại