Đại gia đi lên từ nghèo khó
Doanh nhân người Malaysia gốc Hoa Vincent Tan sinh năm 1952 ở Malaysia. Theo nhiều nguồn tin từ báo chí Malaysia, cụ cố của Tan vốn là một nhân vật cộm cán của Hội thiên địa (phản Thanh phục Minh) lưu vong sang Malaysia vào năm 1882.
Sinh ra và lớn lên ở Malaysia nhưng Tan không quên nguồn gốc xuất thân của mình là một người Trung Quốc. Tại Kampung Sungai Suloh, ông Tan đầu tư xây dựng một trường học hiện đại chỉ dành cho các học sinh có nguồn gốc xuất thân từ Trung Quốc.
Gia đình không có điều kiện nuôi ông ăn học đại học nên năm 17 tuổi, ông Tan đã phải tự mưu sinh bằng hai bằng tay trắng. Ban đầu, ông Tan xin được chân thư ký trong một ngân hàng, sau đó là nhân viên môi giới bảo hiểm quốc tế.
Năm 29 tuổi, tích lũy được một số vốn, trong lúc ít người biết đến đồ ăn nhanh thì ông đã mua quyền kinh doanh cửa hàng thức ăn nhanh McDonald’s đưa loại hình này vào Malaysia.
Vincent Tan kinh doanh từ hai bàn tay trắng
Năm 1984, ông đã mua lại cổ phần công ty Berjaya Industrial Berhard (được biết đến với tên Berjaya Kawat Berhad) từ 2 nhà sáng lập là Công ty Broken Hill Proprietary (Úc) và National Iron & Steel Mills (Singapore) và thành lập nên Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad.
Tiếp sau đó, ông thực hiện hàng loạt thương vụ M&A như mua lại 70% cổ phần công ty xổ số Sport Toto vào năm 1985. Đến năm 1990, sau khi tái cấu trúc lại công ty, ông Tan đã nắm giữ 100% cổ phần của Sport Toto. Thương vụ này thành công được là nhờ mối quan hệ mật thiết giữa Tan với chính phủ, cụ thể là với nguyên thủ tướng Malaysia Mahathir Maohamad.
Sport Toto sau này trở thành Berjaya Land Berhad, một trong những công ty con lớn nhất của tập đoàn Berjaya. Berjaya Land Berhad hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, sòng bạc, giải trí. Đây cũng là công ty nắm giữ hầu hết các dự án đã và đang triển khai tại Việt Nam.
Cũng trong khoảng thời gian này, Berjaya liên tục mua thêm bất động sản và mở rộng các dịch vụ giải trí. Tập đoàn đã mua lại hoặc đầu tư xây dựng những khách sạn ở Singapore, London và Sri Lanka, kinh doanh xổ số ở Philippines, tổ chức bán hàng trực tiếp thông qua hệ thống bán lẻ Cosway tại Thái Lan, Hồng Kông, Indonesia, Đài Loan và Ấn Độ.
Trong khủng hoảng kinh tế 1997, lãi suất ngân hàng tăng lên 25% khiến nhiều doanh nghiệp thất bại, trong đó có Berjaya. Ví doanh nghiệp như một con tàu chở đầy hàng hóa, nếu gặp bão, người chủ phải biết vứt bớt hàng hóa để không bị chìm tàu, ông Vincent Tan đã bán một công ty truyền thông và 70% cổ phần trong Công ty bảo hiểm Prudential để trang trải nợ nần.
Ở đỉnh cao của sự nghiệp, ông tiếp tục quá trình đa dạng hóa bằng cách khai thác các thị trường mới. Trên toàn thế giới, Berjaya có khoảng 100 công ty con và chi nhánh, với hơn 30.000 nhân viên. Hiện nay tập đoàn có 9 công ty con được niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Malaysia (Bursa Securities).
Đặc biệt ở lĩnh vực xổ số, Tan được mệnh danh là "Vua xổ số". Theo con số đánh giá từ Forbes, doanh nhân gốc Hoa người Malaysia hiện đang sở hữu khối tài sản 900 triệu USD.
Ngoài ra, Vincent Tan còn đầu tư sang bóng đá khi trở thành chủ sở hữu của Cardiff City trong năm 2010. Nguồn tiền của ông đã tạo hiệu ứng tích cực cho Cardiff, khi CLB này thăng hạng Premier League vào năm 2013. Vào tháng 12/2013, Vincent Tan tiếp tục bổ sung thêm một CLB vào đế chế bóng đá của mình. Ông chi ra hơn 1,5 triệu euro để làm chủ đội bóng của Bosnia, FK Sarajevo.
Vincent Tan là chủ sở hữu của câu lạc bộ bóng đá Cardiff City ở Anh
Nhưng khi Vincent Tan trở thành ông chủ đội bóng, vị tỷ phú người Hoa này đã đổi trang phục chuyền thống của Cardiff từ màu xanh sang màu đỏ. Thậm chí Logo màu xanh của đội bóng cũng bị chuyển thành màu đỏ, bất chấp sự phản đối của người hâm mộ Cardiff.
Nguyên nhân rất đơn giản, người Trung Quốc chuộng màu đỏ và Tan cũng vậy. Theo quan điểm của Tan, màu đỏ mang lại sự may mắn, thịnh vượng và có thể giúp Cardiff phát triển thương hiệu ở Trung Quốc và châu Á.
Tham vọng tại Việt Nam
Bắt đầu từ năm 2006, đến tháng 2/2007 Berjaya của Vincent Tan đã chính thức trở thành tập đoàn Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam. Các dự án đầu tư của tập đoàn này luôn kèm theo một số vốn "khủng" dàn trải từ Bắc vào Nam. Đến nay, tập đoàn này đã đầu tư 9 dự án lớn tại Việt Nam với số vốn đăng ký lên tới 9,98 tỷ USD.
Tập đoàn này đang nắm quyền kiểm soát 3 khách sạn lớn là khách sạn Intercontinental tại Hà Nội (tỷ lệ sở hữu 75%); khách sạn Sheraton tại Hà Nội (tỷ lệ sở hữu 70%); Long Beach Resort tại Phú Quốc, Kiên Giang (tỷ lệ sở hữu 70%).
Tập đoàn Berjaya của ông Tan còn có các dự án đầu tư lớn khác tại Việt Nam như như Dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn - Hà Nội (Ha Noi Garden City) (320 triệu USD); Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC) tại TP.HCM (930 triệu USD); Dự án Khu đô thị - Đại học Quốc tế (VIUT) tại TP.HCM (3,5 tỷ USD); Dự án khách sạn 5 sao cùng khu phức hợp căn hộ và Trung tâm thương mại Biên Hòa City Square (100 triệu USD), Dự án Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch (2 tỷ USD). Gần đây nhất, tập đoàn này còn đánh tiếng sẽ tìm hiểu đầu tư các dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh (phải) và Chủ tịch Tập đoàn Berjaya Vincent Tan trong cuộc gặp gỡ ngày 3/10/2016
Ngoài ra, còn có Công ty Chứng khoán Saigon Bank Berjaya (SBBS) liên doanh giữa Saigon Bank và Công ty TNHH Kỳ Hòa có vốn điều lệ 300 tỷ đồng Việt Nam. Berjaya cũng nắm 49% cổ phần (tương ứng với 24 tỷ đồng Việt Nam) của Công ty Quản lý quỹ Thép Việt.
Berjaya cũng tham gia liên doanh với một số công ty tại Việt Nam như Công ty TNHH Berjaya - D2D là công ty liên doanh giữa Berjaya Leisure (Cayman) Limited (tỷ lệ sở hữu 75%) - Công ty con của Berjaya Land Berhad; và Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Công Nghiệp 2 (D2D) (tỷ lệ sở hữu 25%). Công ty TNHH Berjaya - Handico12 (BH12) hoạt động tại Hà Nội, là công ty liên doanh giữa: Berjaya Leisure (Cayman) Limited (tỷ lệ sở hữu 80%) - Công ty con của Berjaya Land Berhad; và Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển nhà số 12 Hà Nội (20%).
Dù tự tin vào thị trường Việt Nam, nhưng Berjaya cũng đang gặp không ít khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng, nhiều dự án tỷ đô như Trung tâm tài chính và Khu đô thị - Đại học quốc tế tại TP.HCM (VIUT) bị đình trệ hoặc chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Dù sở hữu những dự án khủng nhưng tình hình kinh doanh của Tập đoàn Berjaya tại Việt Nam lại không mấy khả quan.
Trong khi khu căn hộ và biệt thự thuộc dự án Hanoi Garden City tại Hà Nội không bán được do nằm ở vị trí bất lợi thì dự án Khu đô thị Đại học Quốc tế tại TP.HCM với mức đầu tư là 3,5 tỷ USD cũng bị "dọa" thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu không đủ điều kiện tiếp tục triển khai.
Khu đô thị VUIT trên "biển" quảng cáo
Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam hiện tại vẫn đang nằm trên giấy và chưa được khởi công và công năng chính là bãi giữ xe cho các nhà hàng xung quanh. Trong khi đó, dự án khu đô thị Nhơn Trạch bị UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi giấy phép sau thời điểm công bố 1 năm vì nhà đầu tư không triển khai và cũng không làm thủ tục gia hạn.
Đa phần diện tích đất của dự án VFC đang được cho thuê lại làm bãi giữ xe
Đầu năm 2016, Tập đoàn Berjaya đã vượt qua 5 tập đoàn quốc tế khác và được cấp phép đầu tư cho dự án hợp tác với Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott).
Dự án được thực hiện bởi Công ty Đầu tư Công nghệ Berjaya Gia Thịnh, do Công ty Xổ số Berjaya Việt Nam nắm 51% (Berjaya Việt Nam do Tập đoàn Berjaya nắm 80% và 20% thuộc về Berajaya Sport Toto - công ty con của tập đoàn này).
Vietlott và Berjaya không che giấu tham vọng khẳng định vị thế "ông lớn" trên thị trường xổ số
Theo đó, tập đoàn được độc quyền đầu tư và kinh doanh lĩnh vực xổ số điện toán trên toàn quốc trong thời hạn 18 năm. Giao dịch ước tính trị giá 210,6 triệu USD.
Thị trường xổ số Việt Nam hiện có quy mô trên 3 tỷ USD. Dù mới ra đời song các nhà điều hành xổ số tự chọn Vietlott cũng nhắm mục tiêu "đánh chiếm" khoảng 30% thị phần trong vòng vài năm, tương ứng với mức doanh sổ cả tỷ USD.