Kristalina Georgieva sinh năm 1953 ở Sofia, Bulgaria, là con gái của một kĩ sư dân dụng. Bà đã hoàn thành tấm bằng thạc sĩ về Kinh tế chính trị và Xã hội học và bằng tiến sĩ về Khoa học kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc gia và Thế giới (Sofia) nơi bà giảng dạy từ năm 1977 đến 1993.
Ngoài ra, bà cũng từng thuyết giảng tại những ngôi trường hàng đầu về kinh tế như Đại học Harvard, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) , Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE),….
Sau khi ngừng công việc giảng dạy, bà Kristalina gắn bó với Ngân hàng Thế giới và Liên minh Châu Âu, trải qua nhiều vai trò khác nhau trong cả hai tổ chức này.
Bà Kristalina Georgieva, nguồn IMF.org
Năm 1993, bà gia nhập Ngân hàng Thế giới với tư cách là một Nhà kinh tế môi trường. Sau nhiều năm hoạt động tích cực, bà đã lần lượt tham gia vào các vị trí quan trọng. Bà là Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Liên bang Nga giai đoạn 2004-2007, làm việc tại Moscow.
Sau đó, bà trở thành Giám đốc Phát triển bền vững (2007-2008), phụ trách các hoạt động xây dựng chính sách và cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường và phát triển xã hội đối với các nước kém phát triển và trong vùng xung đột. Trong vai trò này, bà giám sát khoảng 60% hoạt động cho vay của Ngân hàng Thế giới.
Từ 2008-2010, bà là Phó chủ tịch và kiêmThư ký khối, giữ vai trò là người đối thoại giữa ban quản lý cấp cao của World Bank và các quốc gia thành viên.
Năm 2010, bà Georgieva trở thành Ủy viên Khối Hợp tác quốc tế, Viện trợ nhân đạo và Ứng phó khủng hoảng tại Liên minh châu Âu , quản lý một trong những ngân sách viện trợ nhân đạo lớn nhất thế giới.
Kể từ năm 2014, trong vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân sự và Ngân sách của Liên minh Châu Âu, Georgieva giám sát khối ngân sách trị giá 161 tỷ euro (175 tỷ đô la Mỹ) của Liên minh Châu Âu và 33.000 nhân viên trên khắp các tổ chức trên khắp thế giới.
Bà đã tham gia sâu vào các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng nợ khu vực Châu Âu và cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015.
Trong thời gian từ 1/2017 đến 9/2019, Kristalina Georgieva trở lại Ngân hàng Thế giới với tư cách là Giám đốc điều hành.
Bà Georgieva chịu trách nhiệm về các nỗ lực thúc đẩy sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới bằng cách cung cấp sự hỗ trợ trên khắp cộng đồng quốc tế, huy động nguồn lực cho các nước nghèo và thu nhập trung bình, tạo cơ hội tốt hơn cho những cộng đồng dễ bị tổn thương.
Kể từ ngày 1/10, bà sẽ chính thức bắt đầu công việc mới tại Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF với vai trò là Giám đốc điều hành, với nhiệm kì kéo dài 5 năm.
Những dấu ấn trong sự nghiệp
Với hiểu biết sâu sắc về xã hội và tài chính quốc tế, Georgieva được công nhận rộng rãi về khả năng kêu gọi sự đồng thuận và đưa các chiến lược vào thực tiễn. Bà đã xuất bản hơn 100 ấn phẩm về các chủ đề chính sách kinh tế và môi trường, bao gồm cả giáo trình về kinh tế vi mô.
Không chỉ là một nhà kinh tế học tài ba, Georgieva còn được biết đến như một người ủng hộ tích cực của phong trào bình đẳng giới, phong trào nhân đạo và nhà lãnh đạo trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu.
Với tư cách là đồng chủ tịch của Ủy ban thích ứng toàn cầu, bà đang làm việc cùng với Ban Ki-Moon và Bill Gates để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, nhất là trong tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tại Ngân hàng Thế giới và Liên minh EU, bà đã thúc đẩy tiến bộ về bình đẳng giới, hướng tới mục tiêu có 40% cán bộ nữ tham gia quản lý vào năm 2019.
Và với tư cách đồng chủ tịch Hội đồng cấp cao của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Tài chính nhân đạo, bà đã xây dựng một hệ thống hiệu quả để đáp ứng nhu cầu viện trợ cho những người cần giúp đỡ.
Nguồn: World Economic Forum
Phát biểu sau khi được ban điều hành của IMF lựa chọn, bà bày tỏ sự vinh dự khi được tín nhiệm để nắm giữ vị trí quan trọng này. Bà cũng thừa nhận những thách thức trong tình trạng "tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục gây thất vọng, căng thẳng thương mại vẫn tồn tại và nợ ở mức cao trong lịch sử."
Để giải quyết bài toán đó, bà khẳng định mục tiêu dài hạn của IMF là hỗ trợ các chính sách tiền tệ, tài chính và cơ cấu hợp lý để xây dựng nền kinh tế mạnh hơn và cải thiện cuộc sống của người dân.
"Điều này cũng có nghĩa là xử lý các vấn đề như bất bình đẳng, rủi ro khí hậu và thay đổi công nghệ nhanh chóng", bà nói.