Chân dung người phụ nữ 34 tuổi đang là nhân vật đáng sợ nhất ở thung lũng Silicon

Thu Hương |

Theo Chủ tịch FTC Lina Khan, cần phải cải tổ luật chống độc quyền để trừng trị các Big Tech.

Chân dung người phụ nữ 34 tuổi đang là nhân vật đáng sợ nhất ở thung lũng Silicon - Ảnh 1.

Tuần tới, Chủ tịch Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) Lina Khan sẽ có cuộc họp với các đại diện từ Amazon. Đây được cho là cuộc gặp mặt cuối cùng giữa các bên trước khi FTC đâm đơn kiện gã khổng lồ thương mại điện tử ra tòa với cáo buộc Amazon vi phạm luật chống độc quyền.

Khan, người trở thành Chủ tịch FTC từ năm 2021 ở tuổi 32, đã biến những vụ kiện chống lại nhóm các ông lớn công nghệ (Big Tech) thành dấu ấn nổi bật nhất trong nhiệm kỳ của mình. Cô đã đối đầu với những cái tên lớn nhất trong ngành, từ Meta (công ty mẹ của Facebook) cho tới Microsoft.

Tuy nhiên Khan giành chiến thắng trong tất cả các vụ kiện. Thậm chí một số người còn hoài nghi rằng chiến lược của cô là thua kiện để Quốc hội Mỹ phải sửa luật chống độc quyền.

Năm nay 34 tuổi, Khan thu hút được nhiều sự chú ý sau 1 bài báo được đăng trên tờ Yale Law Journal có tựa đề “Amazon’s Antitrust Paradox” (tạm dịch: Nghịch lý chống độc quyền của Amazon).

Bài viết lập luận rằng các luật chống độc quyền hiện đại không được trang bị đầy đủ để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong ngành công nghệ. Nguyên nhân là do chúng tập trung quá nhiều vào giá cả, coi đó là phương diện duy nhất để đánh giá những thiệt hại mà người tiêu dùng phải chịu.

Ví dụ, Amazon vẫn được ủng hộ vì nhờ nền tảng thương mại điện tử của hãng mà mọi người được mua hàng với giá rẻ hơn, thuận tiện hơn, giao hàng nhanh hơn. Tuy nhiên, không thể chỉ dựa vào giá cả để đánh giá khi mà sự lớn mạnh của Amazon cũng khiến hàng trăm ngàn cửa hàng nhỏ lẻ phá sản vì không cạnh tranh nổi với Amazon. Hơn nữa người bán mang hàng lên Amazon cũng phải chịu đủ điều ràng buộc từ ông lớn công nghệ.  Và quan trọng hơn, những tập đoàn lớn như Amazon sẽ có quá nhiều quyền lực trong tay.

Do đó, theo Khan, cần phải cải tổ luật chống độc quyền để trừng trị các Big Tech. Tính đến tháng 9-2018, bài viết có 146.255 lượt đọc, là con số rất lớn đối với 1 bài báo mang nặng tính học thuật như vậy. Nhận xét về bài báo cũng phân thành 2 thái cực: 1 bên đồng tình cho rằng đó là bước độ phá trong chống độc quyền, 1 bên phản bác và chê trách, cho rằng làm như Khan sẽ khiến người tiêu dùng cũng như nền kinh tế bị thiệt hại.

“Dù yêu thích hay ghét bỏ cô ấy, không thể không thừa nhận Khan có tầm nhìn rất rõ ràng về vai trò của FTC cũng như Chủ tịch FTC”, cựu Chủ tịch Ủy ban truyền thông liên bang Harold Furchtgott-Roth nói với Yahoo Finance. “Hơn thế nữa, đó là 1 tầm nhìn rất mạnh mẽ và đầy tham vọng. Cô ấy đang làm mọi bước có thể để biến tầm nhìn đó thành hiện thực”.

Khan cũng không phải là quan chức chính phủ duy nhất đang “chĩa mũi dùi” vào những tập đoàn công nghệ lớn nhất nước Mỹ. Bộ Tư pháp cùng với tổng chưởng lý của một số bang đang kiện Alphabet trong 2 vụ kiện riêng biệt đã được khởi xướng từ thời cựu Tổng thống Trump. Theo đó công ty mẹ của Google bị buộc tội lạm dụng quyền lực trên thị trường tìm kiếm và quảng cáo để cạnh tranh không lành mạnh.

Ngoài Amazon, FTC còn kiện một số ông lớn công nghệ khác, trong đó có Meta. FTC từng cố gắng chặn đứng thương vụ Meta thâu tóm công ty fitness thực tế ảo Within. Từ trước khi Khan trở thành Chủ tịch, FTC đã thúc đẩy Meta chia tách Facebook, Instagram và WhatsApp thành các công ty riêng biệt.

Đối với Microsoft, Khan kêu gọi ngăn chặn nhà sản xuất hệ điều hành Windows hoàn tất thương vụ thâu tóm Activision Blizzard.

Tuy nhiên, chiến dịch chống lại Amazon sẽ là thử thách lớn nhất đối với Khan. Theo tờ Politico, vụ kiện này chủ yếu tập trung vào mảng thương mại điện tử của Amazon, nêu ra câu hỏi liệu Amazon có gây ra những áp lực không công bằng lên lực lượng người bán đông đảo đang sử dụng nền tảng này hay không.

Chính quyền các bang California và Washington DC cũng có lập luận tương tự. Họ cho rằng Amazon đã gây sức ép buộc các nhà bán hàng phải tăng giá bán khi họ bán hàng ở bên ngoài nền tảng của Amazon.

Về phần mình, Amazon bác bỏ những lập luận này, nói rằng người bán tự thiết lập giá cả và Amazon không hề ngăn họ đưa ra giá thấp hơn ở nơi khác. Năm ngoái 1 thẩm phán ở Washington DC đã bác bỏ vụ kiện, còn vụ kiện ở California vẫn đang tiếp diễn.

Nếu FTC quyết định kiện Amazon, đây sẽ là vụ kiện thứ 2 của Khan nhằm vào công ty này. Hồi tháng 7, FTC có 1 đơn kiện khác buộc tội Amazon lừa dối người tiêu dùng để họ tham gia vào chương trình khách hàng thân thiết Prime, đồng thời cố tình khiến cho khách hàng gặp khó khăn khi hủy bỏ chương trình này.

Tham khảo Yahoo Finance

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại