Sinh ra từ nước Mỹ
Bốn thi thể bị băm vằm rất man rợ được phát hiện trong vạt rừng nằm sau một sân bóng, tại một khu ngoại ô có nhiều người trung lưu sinh sống ở khu vực quận Suffolk, Long Island, New York, Mỹ. Khi đó là giữa tháng 4.2017, trong đợt nghỉ mùa Xuân của các học sinh trung học phổ thông. Tất cả các nạn nhân, gồm 3 học sinh ở Long Island và người họ hàng của một trong số đó tới từ bang khác, đều bị kẻ xấu đâm chém tới chết bằng mã tấu - thứ vũ khí mang tính biểu tượng của băng tội phạm MS-13 khét tiếng tàn bạo.
Điều đáng nói là đây không phải là những nạn nhân duy nhất của MS-13 trong khu vực. Năm 2016, nhà chức trách đã phát hiện tới 11 vụ giết người có liên quan tới băng này ở Suffolk. Trong đó vụ sát hại hai cô gái Kayla Cuevas, 16 tuổi và bạn Nisa Mickens, 15 tuổi, gây chấn động, bởi các nạn nhân bị đánh tới chết bằng gậy bóng chày. Những vết thương mà kẻ tấn công gây ra trên cơ thể họ khủng khiếp tới mức ban đầu nhà chức trách không thể nhận dạng được nạn nhân.
Các vụ phạm tội tàn bạo liên tiếp trong một thời gian ngắn đã khiến công chúng Mỹ buộc phải đặt ra câu hỏi: MS-13 là ai? Theo New York Times, MS-13 đã sinh ra trên đất Mỹ, bắt đầu từ các khu dân cư nhỏ có đông người El Salvador sinh sống ở Los Angeles, trong những năm 1980. Sáng lập viên thế hệ đầu của băng chính là những người di cư, đã tìm cách chạy trốn cuộc nội chiến lâu dài và tàn khốc của El Salvador. Quy mô của MS-13 dần tăng lên trong giai đoạn từ 1980 và 1990, khi số lượng người di cư Salvador ở Mỹ tăng vọt, từ 94.000 người lên 465.000 người.
Trong cái tên của băng, MS là từ viết tắt của Mara Salvatrucha. Mara có nghĩa "băng đảng", Salva là viết tắt của "Salvador" và trucha có nghĩa "những kẻ khôn ngoan ngoài đường phố". Con số 13 đại diện nói về vị trí của chữ M trong bảng chữ cái alphabet.
Mục đích hoạt động ban đầu của băng là bảo vệ người di cư Salvador trước các băng đảng khác đã có chỗ đứng ở Los Angeles, với thành phần của yếu là người Mexico và người Mỹ gốc Phi. Nhưng dần dần băng đã trở thành một tổ chức tội phạm không ngại ngần sử dụng bạo lực, thâu nạp thêm cả người tới từ Honduras, Guatemala và Mexico.
Về mặt tổ chức, MS-13 không phải là một băng lớn với một viên sếp ngồi ở trên đỉnh. Thay vì thế, đây giống như một tập hợp nhiều băng đảng nhỏ, hoạt động với một hình thức giống nhau và có chung một cơ chế nhận diện. Băng đảng nhỏ đầu tiên của MS-13 được cho là La Fulton, ra đời vào năm 1991, với đại bản doanh là thung lũng San Fernando.
Có một điều ít ai ngờ là chính sách trục xuất của Mỹ đã khiến MS-13 trở thành một băng đảng quốc tế. Năm 1996, trong nỗ lực thể hiện sự cứng rắn hơn với người nhập cư, Quốc hội Mỹ đã thông qua đạo luật cho phép trục xuất bất kỳ người nhập cư nào phạm tội và bị phạt tù giam từ 1 năm trở lên. Điều này đã dẫn tới việc hàng chục ngàn người bị trục xuất về quê hương gốc, với không ít là thành viên MS-13.
Những kẻ này, đa phần tới Mỹ từ khi rất nhỏ và đều không biết chút tiếng Tây Ban Nha nào khi trở về cố quốc nên đã co cụm vào nhau. Bởi không một kẻ bị trục xuất nào có hồ sơ phạm tội khi trở lại quê hương gốc nên chúng không bị nhà chức trách làm phiền. Chẳng mất quá nhiều thời gian để chúng lập ra những băng đảng mới thuộc hệ thống MS-13.
Theo một ước tính của Cục điều tra liên bang Mỹ vào năm 2008, MS-13 đã có mặt và hoạt động trên 42 bang của Mỹ, với số lượng khoảng 20.000 thành viên. Ở ngoài Mỹ, chúng hoạt động mạnh tại El Salvador, Guatemala, Honduras và gần đây là Mexico, với số lượng khoảng 55.000 thành viên.
Tôn thờ bạo lực
So với các băng đảng tội phạm đường phố ở Mỹ, MS-13 khác biệt hẳn vì mức độ bạo lực quá lớn. “MS-13 tôn vinh bạo lực hơn tất thảy”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Julia Martinez từng nhận xét như thế. Giám đốc cảnh sát quận Suffolk ở Long Island, Timothy D. Sini, cũng đồng tình. Ông nói rằng với MS-13, bạo lực vừa là phương châm hoạt động, vừa là công cụ để kết thúc vấn đề.
“Khi băng đảng cảm thấy bị coi thường, chúng sẽ dùng bạo lực để xử lý”, ông Sini nói. "Khi cảm thấy ai đó không tuân theo quy định của băng, chúng sẽ dùng bạo lực để xử lý. Thẳng thắn mà nói, nếu không thích ai đó, chúng sẽ dùng cái cớ nào đó để có thể xử lý họ bằng bạo lực”.
Trong phim tài liệu nổi tiếng về MS-18 có tên Gangland, một cựu thành viên MS-13 tiết lộ rằng nhiều chiến hữu của anh ta đã tham gia nội chiến El Salvador. Họ trải qua quá trình huấn luyện chiến thuật quân sự bài bản, lại được tôi luyện trong lửa chiến tranh nên rất dày dạn kinh nghiệm và hoàn toàn quen thuộc với một mức độ bạo lực mà nhiều băng đảng đường phố khác ở Mỹ chưa từng trải qua. Cựu thành viên MS-13 kể trên cho biết chiến hữu của anh luôn tổ chức các cuộc đột kích bất ngờ vào thẳng hang ổ băng đảng đối địch rồi bắn chết kẻ thù mà không hề chớp mắt.
MS-13 nhận thấy sức mạnh của bạo lực nên luôn tận dụng mọi cơ hội để thể hiện sự tàn bạo. Tháng 11.2017, nhà chức trách Maryland đã khởi tố Miguel Lopez-Abrego, một thành viên MS-13, do lừa nạn nhân Adoni Martinez Aguilar vào công viên rồi giết chết anh một cách man rợ. Theo cáo trạng của cơ quan công tố, Miguel và đồng bọn đã đâm tới 100 nhát dao vào cơ thể Adoni, trước khi chặt đầu và phân xác anh ra thành nhiều mảnh. Chúng cũng moi tim của nạn nhân và ném nó xuống một cái huyệt nhỏ đã đào sẵn trước khi giết nạn nhân. Nguyên nhân khiến Adoni mất mạng là vì anh nợ Miguel 600 USD.
MS-13 nổi tiếng với khẩu hiệu “mata, viola, controla” - "giết chóc, cưỡng hiếp, kiểm soát". Khi phải giết ai đó, thành viên MS-13 đặc biệt thích dùng vũ khí "lạnh" như dao, mã tấu, gậy gộc. Ngoài việc gây ra những vết thương hở khủng khiếp trên cơ thể nạn nhân, và những vũ khí này cũng có chi phí sử dụng rẻ hơn so với súng đạn.
Cũng cần biết rằng các băng đảng tội phạm đường phố luôn có những quy định hết sức nghiêm ngặt liên quan tới việc đối xử với mẹ, vợ và con gái của kẻ thù. Đây thường là những đối tượng "không đụng tới" trong luật bất thành văn của thế giới ngầm. Mọi sự đe dọa nhằm vào phụ nữ đều khó có thể được tha thứ.
Tuy nhiên với MS-13, bạo lực chống lại các thành viên trong gia đình kẻ thù, bao gồm cả phụ nữ, là điều được phép. Năm 2014, Milagros Canjura, 31 tuổi, bị giết chết khi đang ở ngoài ngôi nhà của cô tại Long Island. Thời điểm bị giết, cô đang mang bầu 7 tháng. Chồng Canjura đang ngồi tù khi ấy, vì có liên quan tới một vụ án dẫn tới cái chết của một thành viên khác trong MS-13. Canjura đã phải dùng chính mạng sống của cô để trả giá cho sai lầm của chồng.
Không chỉ làm mưa làm gió ở Mỹ, MS-13 còn gieo rắc nỗi kinh hoàng tại bất kỳ nơi nào chúng hiện diện. Cùng băng tội phạm đường phố đối thủ Barrio 18, MS-13 khiến El Salvador trở thành kinh đô giết người của thế giới. Trong vài tháng đầu năm 2016, số vụ giết người cao tới nỗi cứ trung bình 1 giờ lại có 1 người bị giết. Năm 2015 có tổng cộng 6.656 vụ giết người xảy ra ở El Salvador. Đây là tỉ lệ giết người cao nhất tại một quốc gia không có chiến tranh.
Được biết Penal de Ciudad Barrios hiện là nhà tù duy nhất ở San Salvador do MS-13 điều hành. Nhà tù này không hề có quản giáo ở bên trong. Thay vì thế, quân đội sẽ canh chừng nó từ bên ngoài. Nhà tù đã rơi vào tay băng MS-13 vì hai lý do: Thành viên băng này không thể ở chung với các băng khác, bởi chúng sẽ giết sạch các băng còn lại. Thứ hai là vì bên trong nhà tù đã trở thành một nơi quá nguy hiểm với các quản giáo!
Tính chất ưa bạo lực của MS-13 thể hiện ở ngay cả trong cách thức băng này tuyển mộ nhân lực. Để gia nhập MS-13 không phải là điều dễ dàng. Một "chequo" hay thành viên tiềm năng của một nhóm MS-13 phải giết chết thành viên một băng đối địch mới được xem xét. Sau đó, các thành viên cao cấp trong nhóm sẽ bỏ phiếu xem thành viên mới có đáng thâu nạp hay không.
Nếu được phê chuẩn, chequo sẽ bị đánh hội đồng tàn bạo và phải chịu được trận đòn này. Nhưng nếu giết người rồi mà vẫn không được nhận thì mạng người kia coi như đã bỏ phí. Sau khi gia nhập MS-13, ngay cả những vi phạm nhỏ cũng khiến thành viên mới bị đánh đập dã man, như say xỉn ở nơi công cộng hay rút súng ra khi chưa được phép. Các vi phạm nghiêm trọng hơn, như phản bội hay tìm cách rời khỏi băng, sẽ bị trừng phạt bởi cái chết.
Khó có thể tiêu diệt
Để duy trì trật tự trong băng, MS-13 đã hình thành những quy định khá cụ thể sau nhiều năm hoạt động. Trước tiên, thành viên trong băng bị cấm thực hiện hành vi ăn cắp. Nói một cách cụ thể hơn thì tại bất kỳ địa bàn nào do MS-13 quản lý, băng đều cấm tuyệt đối hoạt động ăn cắp. Băng sẽ trừng phạt, đuổi hoặc giết chết bất kỳ kẻ cắp nào chúng tìm thấy được. Việc này đôi khi giúp MS-13 có được cảm tình của cộng đồng cư dân địa phương.
MS-13 cấm việc hiếp dâm thành viên nữ trong băng hoặc phụ nữ trong gia đình một thành viên của băng. Tuy nhiên không phải nhóm MS-13 nào cũng thực hiện quy định này. Thực tế, như đã nói ở trên, MS-13 ít có sự tôn trọng phụ nữ. Đã có thời kỳ phụ nữ muốn gia nhập MS-13 phải chấp nhận trải qua thử thách bị hiếp dâm tập thể hoặc bị đánh. Nhưng mấy năm trở lại đây, MS-13 gần như không còn chấp nhận tuyển mộ phụ nữ nữa. Nguyên nhân một phần do băng cho rằng phụ nữ dễ khuất phục trước nỗ lực trấn áp của nhà chức trách. Nhưng chủ yếu do đã từng xảy ra nhiều cuộc chiến chết chóc trong MS-13 do tranh giành bạn tình và điều này làm suy yếu sức mạnh của băng.
Việc sử dụng ma túy như cocaine và rượu mạnh bị cấm ngặt trong MS-13. Các thủ lĩnh của MS-13 sợ rằng thành viên bập vào những món này dễ trở thành người cấp tin cho chính quyền và gây hại cho tổ chức. Vài năm trở lại đây, lệnh cấm đã được nới lỏng, theo đó thành viên MS-13 chỉ bị cấm dùng ma túy hạng nặng như cocaine, nhưng được phép dùng cần sa và rượu với các thành viên khác của băng, trong một môi trường có kiểm soát.
Tìm cách báo tin cho chính quyền là một lỗi nghiêm trọng với MS-13. Do nhiều thủ lĩnh MS-13 đang ở trong tù và băng này luôn có những đấu đá nội bộ nên không khí nghi kị thường rất cao. Các hành động đơn giản của thành viên như không trả lời điện thoại hay tin nhắn cũng có thể gây nghi ngờ. Việc biến mất trong một thời gian dài cũng có thể bị quy vào tội phản bội. Vì lẽ đó, thành viên MS-13 luôn phải tìm cách thể hiện sự trung thành. Các thành viên có "quan hệ rộng" ngoài xã hội thường là những đối tượng bị săm soi kỹ nhất và bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ đang lung lay tâm lý đều có thể dẫn tới hậu quả chết chóc.
Trên nguyên tắc, thành viên MS-13 phải gắn bó với băng và không được phép bỏ đi vì bất kỳ lý do gì. Nếu tìm cách chạy trốn khỏi băng, họ sẽ bị coi như kẻ phản bội và bị giết không thương tiếc. Nói một cách khác, một khi gia nhập MS-13, họ đã mua lấy chiếc vé một chiều và không thể đảo ngược quyết định của mình.
Tất cả những quy định này khiến MS-13 tuy không có cấu trúc lãnh đạo tập trung nhưng vẫn rất mạnh. Với số lượng hàng chục ngàn thành viên hoạt động trên đất Mỹ, băng kiếm tiền chủ yếu bằng hoạt động buôn người và kinh doanh mại dâm. Ngoài ra chúng còn kiếm tiền bằng việc giết thuê, bắt cóc, mở điểm buôn bán ma túy nhỏ trên phố.
MS-13 hiện là băng tội phạm đường phố duy nhất bị Mỹ gắn mác "xuyên quốc gia". Kể từ đầu những năm 2000, chính quyền đã tiến hành nhiều cuộc trấn áp nhằm vào MS-13, dẫn tới hàng loạt vụ bắt giữ. Gần đây nhất, 53 thành viên MS-13 bị bắt trong một chiến dịch lớn tổ chức ở Charlotte, Bắc Carolina
Tại một chuyến đi mới đây tới Long Island, Tổng thống Donald Trump đã có một bài phát biểu dài hơi về luật pháp và trật tự, trong đó nêu bật tội ác của MS-13. Trump hứa rằng sẽ khôi phục trật tự và "phá hủy băng tội phạm MS-13 hung ác”. Tuy nhiên không nhiều chuyên gia lạc quan với lời hứa ấy, bởi cấu trúc tổ chức linh hoạt của MS-13 khiến nhà chức trách rất khó để tiêu diệt hết đầu não của băng này. Ngoài ra, xét tới thực tế là dòng người di cư trái phép từ các nước như El Salvador vẫn không ngừng đổ vào Mỹ, MS-13 sẽ không thiếu nguồn lực để tiếp tục mở rộng quy mô và tăng cường các hoạt động tội ác của chúng.