Hà Nội tháng 10/1954, rất nhiều công chức, nhân viên làm việc cho chính quyền cũ ùn ùn di cư vào Nam. Nhưng "cộm cán" như cựu thị trưởng Thẩm Hoàng Tín thì lại bình chân như vại.
Trước tiếp quản, ông cùng vợ là Dược sĩ Phạm Thị Thành đã được kháng chiến mời ra vùng tự do để tránh bị khủng bố, đồng thời động viên ở lại đóng góp công sức trong quá trình tái xây dựng đất nước.
Không chỉ ông Tín, cả Bác sĩ Trần Văn Lai (cựu thị trưởng Hà Nội trước Cách mạng tháng 8) cùng nhiều trí thức ngành Y khác như Bác sĩ Phạm Khắc Quảng, Bác sĩ Nguyễn Ngọc San... đã ở lại với chờ ngày quân ta tiếp quản thủ đô.
Sau khi ngày tiếp quản thủ đô, ông Tín được bầu làm ủy viên mặt trận Tổ quốc Hà Nội và làm Trưởng phòng xét nghiệm tại bệnh viện Việt - Đức.
Dù là cựu thị trưởng chính quyền cũ, nhưng ông Tín luôn được cách mạng coi trọng, bởi ông là một trí thức luôn nặng lòng với đất nước, hướng tinh thần tới kháng chiến, cũng như là một tấm gương tiêu biểu về đức tính liêm khiết của người công chức.
Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, Dược sĩ Tín thường bí mật gửi thuốc men ra vùng tự do.
Trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu chính quyền Hà Nội thời tạm chiếm, ông đã có nhiều việc làm có lợi cho dân như ban hành quy chế đặt tên các phố Hà Nội, thiết lập chợ tại những nơi gần đường cái lớn, giao thông thuận tiện cho việc buôn bán như: Ngã Tư Sở, Ô Yên Phụ, đường Lò Lợn (khu chợ Mơ), sửa chữa nhà cửa của nhân dân bị phá hủy trong những năm chiến tranh, lập quỹ "tín dụng bình dân" giúp ích được cho nhiều tầng lớp trong xã hội, cho người dân nhập cư vay mua và sửa chữa nhà cửa…
Một công trình nổi bật mang dấu ấn của Thị trưởng Tín là xây lại cầu Thê Húc với kiến trúc như hiện nay.
Cầu Thê Húc. Ảnh: Tân Dân.
Dịp Tết Nhâm Thìn 1952, do người dân đi lễ đền Ngọc Sơn quá đông làm cầu Thê Húc bị sập.
Thị trưởng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới với đồ án đạt giải trong 30 đồ án tham dự cuộc thi thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm.
Trong quá trình xây lại cầu, chính quyền dựng một chiếc cầu tạm bên cạnh để người dân vẫn có thể vào lễ đền Ngọc Sơn. Chiếc cầu dáng "cong như con tôm", thành sơn màu đỏ đã trở thành một hình ảnh ấn tượng về Hà Nội từ đó mãi cho đến ngày nay.
Ông Tín cũng là người đã quyết định chuyển toàn bộ số đồng thu được từ việc phá bỏ các tượng đồng thời thực dân (bị tháo dỡ sau ngày Nhật đảo chính Pháp năm 1945) như tượng "Bà đầm xòe" (Nữ thần Tự Do, trước đặt ở vị trí vườn hoa Lý Thái Tổ hiện nay), tượng "Canh nông" ("tứ dân" Sĩ, Nông, Công, Thương" đặt tại vườn hoa Lê Nin hiện nay) để đúc tượng Phật A Di Đà ở chùa Ngũ Xã.
Dược sĩ Thẩm Hoàng Tín sinh năm 1910 quê gốc ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, tổ tiên 6 đời của ông đã di cư đến lập nghiệp tại Hưng Yên rồi chuyển về Hà Nội.
Tên khai sinh của ông là Thẩm Tấn Trịnh, đến năm 14 tuổi mới đổi thành Thẩm Tín. Do là con nuôi của cựu Tuần phủ Hoàng Văn Trung, ông lấy thêm họ Hoàng của bố nuôi vào tên.
Sau khi đỗ tú tài tại Hà Nôi, ông sang Pháp du học, đỗ bằng dược sĩ, trở về Hà Nội hành nghề.
Ông có một cửa hàng bán thuốc tây tại số 5-7 phố Cửa Nam, một phòng thí nghiệm, bào chế lớn và một cửa hàng thuốc tây nữa ở đường Đồng Khánh (Hàng Bài ngày nay), do đó gia thế rất giàu có, được coi là một tỷ phú của Hà Nội thời đó.
Tác giả Lê Tiên Long
Sau tiếp quản, nhà nước trưng dụng hiệu thuốc Cửa Nam của ông, đổi tên là hiệu thuốc 8/3.
Bà vợ cả của ông Tín mất vì bom Mỹ khi đi lễ ở Nam Định năm 1944. Hai ông bà có với nhau 6 người con, trong đó 2 người ở Việt Nam (1 người công tác tại Bộ Giáo dục), 4 người còn lại đều sinh sống ở Pháp.
Người con trai Thẩm Võ Hoàng, năm 1950 được cho sang Pháp du học, sau trở về nước công tác tại Xưởng Phim truyện Việt Nam.
Ông Hoàng là người quay phim cùng đạo diễn Đặng Nhật Minh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và quay bộ phim tài liệu "Tháng Năm – những gương mặt". Về hưu, ông Hoàng sang Paris sống.
Con gái ông Tín là dược sĩ Thẩm Thị Hồng Anh, có chồng là nhà sử học Lê Thành Khôi, tác giả cuốn sách nổi tiếng "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20".
Ông Khôi và bà Hồng Anh có người con nổi tiếng là nhạc sĩ nhạc Jazz và phối khí Lê Thành Nguyên (nghệ danh Nguyên Lê), người làm mới bài hát "Chiếc khăn piêu" của nhạc sĩ Doãn Nho, giúp ca sĩ Tùng Dương giành giải "Bài hát của năm" năm 2012.
Sau khi vợ mất, ông Tín lấy bà dược sĩ Phạm Thị Thành, vợ góa ông kĩ sư canh nông, hai ông bà có thêm một người con là Thẩm Hoàng Long, từng đi bộ đội, sau làm nghề quay phim, hiện cũng sống ở Paris.
Sau ngày tiếp quản Thủ đô, bà Thành công tác tại bệnh viện C Hà Nội cho đến khi mất vì ung thư năm 1969.
Năm 1979, ông Tín bị đau tim, và được nhà nước đã cho phép sang Pháp cùng các con để chữa bệnh. Sau 10 năm sống tại Pháp, ông mất tại Paris, thọ 81 tuổi. Sau hỏa thiêu, hài cốt của ông được để ở Trúc Lâm Thiền Viện ở Paris.