Thị trường ngách đầy tiềm năng
Theo số liệu của ResearchAndMarkets, thị trường găng tay cao su toàn cầu chiếm 2,214 tỷ USD trong năm 2017 và dự kiến sẽ đạt 4,985 tỷ USD vào năm 2026 tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,4% trong giai đoạn dự báo.
Tăng chi tiêu y tế, dân số già ngày càng tăng, tỷ lệ mắc bệnh dịch và tăng trưởng nhanh về công nghệ là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển thị trường găng tay cao su.
Thực tế, găng tay y tế chiếm khá nhiều trong viện phí, bởi đây là loại dụng cụ bắt buộc phải sử dụng trong thăm, khám và điều trị bệnh. Theo Bank Islam Malaysia Bhd, ước tính mỗi năm có trên 50 tỷ đôi găng tay được tiêu thụ trên khắp thế giới.
Xét địa lý, khu vực Châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ đăng ký tốc độ tăng trưởng thị trường cao nhất trong giai đoạn 2017-2026 do cơ sở hạ tầng y tế đang phát triển ở các nước mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ cùng với ngành du lịch y tế đang bùng nổ.
Cách đây vài năm, ông Lê Bạch Long, giám đốc công ty TNHH Nam Long từng dự đoán: "Nếu Hiệp định TPP được ký kết, bên cạnh một số quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ và một số nước trong khu vực ASEAN, chúng tôi có thêm cơ hội xuất khẩu sang các thị trường mới như Nhật và Mỹ". Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới.
Từng chia sẻ trên tạp chí Doanh nhân, ông Long cũng nhận định Việt Nam có lợi thế lớn trong lĩnh vực này bởi 90% nguyên liệu làm ra găng tay là cao su thiên nhiên.
Trong mủ cao su thiên nhiên có khoảng 30% là cao su, sau quá trình ly tâm, tỷ lệ cao su được nâng lên đến 60%. Doanh nghiệp sản xuất sẽ mua mủ cao su ở giai đoạn này, sau đó về phối trộn dùng làm nguyên liệu sản xuất.
"Càng ở gần nguồn nguyên liệu càng thuận lợi, vì chi phí vận chuyển nguyên liệu cũng rất tốn kém. Vùng nguyên liệu cao su ở Đông Nam Bộ, công ty chúng tôi nằm ở trong đó, nên lợi thế rất lớn", doanh nhân này khẳng định.
Ngoài những hỗ trợ tích cực từ bên ngoài, găng tay sao su được những người kinh doanh đánh giá là thị trường ngách.
Lợi thế của việc tham gia thị trường này là không phải đầu tư vốn lớn, quảng bá rầm rộ cũng như chiến lược marketing bài bản, song nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, cửa hàng kinh doanh… vẫn sống khỏe.
Một thị trường ngách có nhiều khả năng thành công không chỉ là thị trường có ít đối thủ cạnh tranh mà phải có tiềm năng tăng trưởng, có sức mua và quy mô đủ để sinh lời và găng tay cao su đủ những điểm này.
Đơn vị cung cấp 50% găng tay cho các doanh nghiệp thủy sản
Nam Long vốn là công ty gia đình thành lập năm 1998. Bác ruột ông Lê Bạch Long vốn là công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất lốp xe. Sau khi tích cóp được kinh nghiệm làm việc, ông ra ngoài mở xưởng sản xuất dây thun, dần dần phát triển thêm các sản phẩm mới, trong đó có găng tay.
Theo số liệu trên tạp chí Doanh nhân năm 2017, giám đốc Công ty TNHH Nam Long, đơn vị chuyên sản xuất găng tay cao su cung cấp cho biết mỗi người Việt Nam dùng chưa tới 1 đôi găng tay/năm.
Trong khi số lượng găng tay cao su do Nam Long cung cấp mỗi năm là gần 25 triệu đôi. Điều này có nghĩa cứ 4 người dùng găng tay thì có một người dùng sản phẩm do đơn vị này sản xuất.
Đặc biệt, sản phẩm găng tay công nghiệp do Nam Long cung cấp đang chiếm khoảng 50-60% nhu cầu của các doanh nghiệp thủy sản miền Tây như Nam Việt, Thái Bình Dương, Hùng Vương, Minh Phú, Hùng Cá…
Ông Lê Bạch Long (trái) Giám đốc Công ty TNHH Nam Long giới thiệu về sản phẩm găng tay cao su do doanh nghiệp sản xuất.
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp khoa Hóa, chuyên ngành Polymer của Đại học Bách khoa TP.HCM, Lê Bạch Long về làm cho công ty của gia đình và trở thành Giám đốc Công ty Nam Long từ năm 2006.
Học đúng ngành sản xuất của gia đình, sau khi về làm việc cho công ty, Long đã cho cải tiến và đưa thêm nhiều máy móc, công nghệ mới vào hoạt động sản xuất.
Thời điểm đó, sản lượng cung cấp ra thị trường của Nam Long mới đạt gần 4 triệu đôi găng tay/năm. Đến 2016, con số này đã tăng lên tới 25 triệu đôi, tức gấp hơn 6 lần trong vòng 10 năm. Sản lượng sản phẩm mà công ty cung ứng ra thị trường tăng khoảng 7%/năm.
Ngoài các công ty thủy sản, Nam Long còn sản xuất găng tay sử dụng trong gia đình để bán cho thị trường trong và ngoài nước.
Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu chính của doanh nghiệp này với khoảng 30% sản lượng do có khí hậu lạnh, nhu cầu dùng găng tay khi làm việc nhà khá nhiều. Việc xuất khẩu, theo ông Long, chủ yếu là để nâng cao tay nghề của công nhân.
Kênh phân phối chủ yếu của Nam Long chủ yếu là kênh truyền thống tại các chợ lẻ và các cửa hàng bảo hộ lao động.
Trong vài năm nay, ông Long đã cho xây dựng hệ thống phân phối riêng, đưa hàng đến tận các tiệm tạp hóa và bắt đầu quan tâm đến việc làm thương hiệu. Với sự phát triển của thương mại điện tử, công ty này hiện còn phân phối trực tiếp thông qua Shopee.