Chân dung “cá mập” thâu tóm khách sạn bán tháo thời Covid-19

Nhật Minh |

Chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch Covid-19 có lẽ là những ông chủ khách sạn vừa và nhỏ, mỗi khách sạn có giá khoảng vài chục tỷ đến vài trăm tỷ, thậm chí có những khách sạn phải bán tháo do không trụ nổi.

Những thông tin rao bán các tài sản là khách sạn mini hay khách sạn quy mô vừa và nhỏ (3-4 sao) được đăng tải tràn lan trên các trang mạng bất động sản, hay các group mua bán nhà đất trên mạng xã hội.

Thông điệp mà các chủ sở hữu đưa ra khi bán các tài sản này thường là "cần tiền bán gấp", "bán cắt lỗ" hay bán giá rẻ…Chẳng hạn một group rao bán BĐS có tin: "Do bên mình không sắp xếp được nhân lực để chuẩn bị cho đợt vào mùa vụ hè nên mình muốn sang nhượng lại khách sạn tại Cát Bà.

Tọa lạc tại đường Núi Ngọc, thuận tiện đi lại, 5 phút đi bộ ra biển, 2 phút ra chợ hải sản. Khách sạn mới sửa chữa nên nội thất vẫn còn nguyên.

Khách sạn 5 tầng và có tổng 20 phòng". Một trường hợp khác như: Sang nhượng khách sạn 3 sao, 9 tầng, doanh thu 2,5 đến 3 tỷ mỗi tháng (trước dịch). Dịch vụ bên trong nhà hàng 3*, phòng gym, massage, xông hơi, quầy bar mini, phòng hội nghị…

Chân dung “cá mập” thâu tóm khách sạn bán tháo thời Covid-19 - Ảnh 1.

Khách sạn Delta Sa Pa được rao bán với giá 110 tỷ đồng

Những trường hợp rao bán khách sạn như vậy không còn là chuyện hiếm trên các trang mạng bất động sản trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ai chịu áp lực phải bán tài sản?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Xuân Cần – Chủ tịch Công ty Sohovietnam – đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản, cho biết với tình hình dịch bệnh như hiện nay sẽ có nhiều người buộc phải bán tài sản, trong đó các khách sạn nhỏ đang chịu áp lực lớn nhất, và có thể thấy rõ 3 đối tượng như sau:

Một là, những nhà đầu tư thuê khách sạn để kinh doanh trong các TP lớn hoặc khu vực ven biển. Những nhà đầu tư này thường lập công ty, tận dụng cơ hội du lịch bùng nổ để kinh doanh.

Có những nhà đầu tư thuê 1-2 cái khách sạn nhưng cũng có nhà đầu tư thuê cả chuỗi từ 10-15 cái để khai thác kinh doanh. Mô hình kinh doanh của họ thường là thuê những khách sạn đã hoàn thiện hoặc sắp hoàn thành rồi đầu tư thêm trang thiết bị nội thất sau đó vận hành khai thác kinh doanh.

Với thực trạng du lịch "ngủ đông" do ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay thì đây là nhóm đối tượng phải chịu ảnh hưởng lớn nhất, và nhiều khả năng phải nhượng lại quyền kinh doanh khách sạn với giá rẻ.

Bởi (1) họ không có dòng tiền từ hoạt động cho thuê phòng; (2) phải trả tiền thuê hàng tháng nên sẽ khó cầm cự được lâu; (3) khách sạn ngưng hoạt động trong khi phải chi trả nhiều chi phí…

Hai là, trường hợp những nhà đầu tư trước đây du lịch phát triển, họ kiếm được nhiều tiền, cộng thêm việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao để đầu tư vào các khách sạn. Họ vay tiền ngân hàng để xây dựng các khách sạn rồi vận hành kinh doanh.

Đến nay dịch Covid-19 khiến các khách sạn này phải đóng cửa vì không có du khách thuê, phải cắt giảm nhân sự bởi doanh thu không có. Theo ông Cần đây là nhóm nằm trong diện nguy hiểm và phải bán tài sản bằng mọi giá nếu tình trạng này kéo dài khoảng 3-5 tháng. Bởi họ không thể chịu được áp lực về đòn bẩy tài chính.

Ba là, nhóm các ông chủ sở hữu khách sạn nhưng không sử dụng đòn bẩy tài chính, họ mua bằng tiền thật thì nhóm này đang nghe ngóng và chờ đợi dịch bệnh qua đi để hoạt động tiếp. Nhóm này thường giữ tài sản, ít bán giá rẻ, họ sẽ đóng cửa khách sạn và cắt giảm chi phí tối đa để chờ đợi, hiện tại chưa phải bán.

Chân dung “cá mập” thâu tóm khách sạn bán tháo thời Covid-19 - Ảnh 2.

Ông Phan Xuân Cần - Chủ tịch Sohovietnam

Chân dung "cá mập" đi thâu tóm

Chia sẻ trên báo Dân trí mới đây, một nhà đầu tư tên Lan cho biết chị mới mua lại quyền vận hành của khách sạn Coffee House tại Đà Lạt. Lý do chị không mua "đứt" khách sạn trên vì nếu như vậy thì số tiền quá lớn và phải đi vay nhiều. Rủi ro sẽ nhiều hơn.

Đây chính là một thương vụ điển hình thuộc nhóm đối tượng phải nhượng lại quyền khai thác kinh doanh khách sạn bởi tình trạng "đóng băng" du lịch, khách sạn không có nguồn thu.

Cũng theo ông Phan Xuân Cần, với tình hình như hiện giờ thời gian tới sẽ có nhiều khách sạn nhỏ 3-4 sao sẽ buộc phải bán. Hiện giờ Sohovietnam cũng đã nhận được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư đặt mua khách sạn trong tình trạng như trên.

Theo đó, chỉ riêng lĩnh vực khách sạn và khu nghỉ dưỡng tổng số tiền sẵn sàng đầu tư nằm trong khoảng từ 8.000 tỷ đến 10.000 tỷ với tiêu chí đầu tư tập trung vào các tài sản đã xây xong, đang vận hành, hoặc xây dựng dở dang, đất dự án.

Quy mô từ 100 – 500 phòng khách sạn tại các địa điểm như Tp HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng Tàu…

Các nhà đầu tư này thường là các quỹ đầu tư trong và ngoài nước hoặc những nhà đầu tư cá nhân có tiền tiết kiệm, tiền nhàn rỗi trước đây chưa kiếm được tài sản.

"Những nhà đầu tư này đánh giá đây là cơ hội. Khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Họ có dòng tiền lớn đang gửi ở ngân hàng và giờ là cơ hội để mua lại các tài sản có giá trị cao", ông Cần chia sẻ.

Chân dung “cá mập” thâu tóm khách sạn bán tháo thời Covid-19 - Ảnh 3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại