Chiều 6/6, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về việc bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 đối với bà Nguyễn Thị Thanh bằng hình thức biểu quyết điện tử, với kết quả 465/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.
Quốc hội khóa XV hiện có 4 Phó chủ tịch gồm: ông Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Trần Quang Phương và bà Nguyễn Thị Thanh.
Bà Nguyễn Thị Thanh, 57 tuổi, quê ở Ninh Bình. Bà là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI (dự khuyết), XII, XIII; Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, XV; có trình độ Cử nhân Luật, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Bà Thanh là cán bộ trưởng thành từ công tác đoàn, từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại tỉnh Ninh Bình như: Phó Chánh Văn phòng rồi Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn Ninh Bình; Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Ninh Bình.
Từ giữa năm 2005, bà giữ chức Phó trưởng Ban rồi Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Ninh Bình. Giai đoạn 2006-2011, bà Thanh kiêm giữ chức danh Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Ninh Bình.
Đến đầu năm 2012, bà Thanh giữ chức Bí thư Huyện ủy Yên Khánh trước khi được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình vào tháng 8/2013.
Sau 7 năm làm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, đến năm 2020, bà Thanh về nhận công tác tại Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với cương vị Phó trưởng ban Thường trực. Lúc này, bà kiêm thêm chức danh Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Từ 2021 đến nay, bà là Trưởng Ban Công tác đại biểu kiêm Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Trước đó, trên cương vị là Trưởng ban Ban Công tác đại biểu, bà Thanh từng có chia sẻ xúc động về những nỗ lực, làm việc không kể ngày đêm của Ban Công tác đại biểu, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát để hoàn thành nhiệm vụ.
Bà nói: "Năm 2021 đã khép lại với rất nhiều khó khăn nhưng có thể nói càng khó khăn mới càng thấy nghị lực và tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam, trong đó có cán bộ công nhân viên chức và của ĐBQH đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn, làm việc không kể ngày đêm để hoàn thành các nhiệm vụ theo yêu cầu đổi mới đất nước cũng như là phục vụ cho chương trình phòng, chống dịch linh hoạt, thích ứng và phục hồi kinh tế..."
Bên cạnh đó, đánh giá về kết quả hoạt động của Ban công tác đại biểu, bà Thanh nhấn mạnh: "Với 248 đại biểu có trình độ Thạc sỹ, 144 đại biểu có trình độ là Tiến sỹ, 12 đại biểu là Giáo sư, 20 đại biểu là Phó Giáo sư,… Con số đó đã biết nói ấy đã được khẳng định và chứng minh qua kỳ họp của quốc hội khóa XV, thể hiện một Quốc hội dân chủ, đoàn kết, trí tuệ..."