Tính đến ngày 30/6/2022, hai ông lớn doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi hơn 100.000 tỷ đồng.
Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm 2022 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tổng lượng tiền mặt và tiền gửi của tập đoàn là hơn 108.000 tỷ đồng, giảm hơn 24.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Cụ thể, tiền mặt và tiền gửi của EVN tại ngày cuối quý 2 là 32.889 tỷ đồng, khoản tiền gửi ngắn hạn là 75.436 tỷ đồng. Tổng tiền mặt và tiền gửi hơn 108.000 tỷ đồng. Trong gần 33.000 tỷ đồng tiền mặt thì có hơn 23.000 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn.
Tổng tài sản của Tập đoàn hơn 673.000 tỷ đồng. Như vậy, tiền mặt và tiền gửi chiếm 16% tổng tài sản của EVN.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo lỗ sau thuế hợp nhất là 16.586 tỷ đồng. EVN cho biết nguyên nhân lỗ lớn là do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện (như than, dầu, khí) tăng đột biến từ đầu năm đến nay làm chi phí sản xuất điện của EVN tăng rất cao dẫn tới nhiều khó khăn về tài chính.
PVN ghi nhận lượng tiền mặt và tương đương tiền tại ngày 30/6/2022 là gần 86.000 tỷ đồng, tăng khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm đầu năm và khoản tiền gửi ngắn hạn là hơn 200.000 tỷ đồng. Tổng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn của PVN tính đến cuối tháng 6 là gần 286.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản của PVN là hơn 960.000 tỷ đồng, tỷ lệ tiền mặt và tiền gửi trong cơ cấu tổng tài sản của PVN là gần 30%.
Tuy nhiên, trong đó 86.000 tỷ đồng tiền mặt, có gần 1.900 tỷ đồng là quỹ thu dọn mỏ giữ hộ các nhà thầu dầu khí của PVN. Tương tự, khoản tiền gửi ngắn hạn của PVN cũng có gần 63.700 tỷ đồng là quỹ thu dọn mỏ giữ hộ các nhà thầu dầu khí. Nếu không tính quỹ thu dọn mỏ giữ hộ thì tiền mặt và tiền gửi của PVN còn hơn 220.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất PVN đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt gần 43.000 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ.