Chấn động vụ sinh viên đại học danh tiếng Mỹ ‘copy’ công nghệ Trung Quốc, phẫn nộ 1 giật mình 10: Trung Quốc đang phát triển thần tốc

Anh Dũng |

Vụ việc không chỉ làm dấy lên sự bất bình về hành vi đạo nhái trong nghiên cứu khoa học, mà còn khiến thế giới giật mình về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) tại Trung Quốc.

Chấn động vụ sinh viên đại học danh tiếng Mỹ ‘copy’ công nghệ Trung Quốc, phẫn nộ 1 giật mình 10: Trung Quốc đang phát triển thần tốc- Ảnh 1.

Tâm điểm của vụ việc gây xôn xao giới công nghệ là mô hình AI mang tên Llama 3-V, được phát triển bởi sinh viên ngành khoa học máy tính tại Stanford - Aksh Garg và Siddharth Sharma, cùng với Mustafa Aljadery (không rõ đơn vị công tác).

Ngay từ khi ra mắt vào tuần trước, Llama 3-V đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế nhờ hiệu suất ấn tượng. Nhóm nghiên cứu cho biết, Llama 3-V có khả năng cạnh tranh với các mô hình AI hàng đầu như GPT4-V, Gemini Ultra và Claude Opus, nhưng chỉ với chi phí đào tạo chưa đến 500 USD.

Llama 3-V đã lọt vào top 5 xu hướng trên Hugging Face, một nền tảng AI phổ biến. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, dự án này đã vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng AI khi bị tố cáo "đạo nhái" mô hình MiniCPM-Llama3-V 2.5. Mô hình này là sản phẩm hợp tác giữa Phòng thí nghiệm Xử lý Ngôn ngữ Tự nhiên thuộc Đại học Thanh Hoa và ModelBest - một công ty khởi nghiệp về AI có trụ sở tại Bắc Kinh.

Theo những thông tin được đăng tải trên nền tảng mã nguồn mở GitHub, cấu trúc mô hình và mã của Llama 3-V và MiniCPM-Llama3-V 2.5 gần như giống hệt nhau. Người đồng sáng lập ModelBest Liu Zhiyuan cho biết trên WeChat rằng ông "tương đối chắc chắn" nhóm Stanford đã "lấy cắp" dự án của họ.

Liu Zhiyuan chỉ ra một chi tiết quan trọng chứng minh lập luận của mình. MiniCPM-Llama3-V2.5 được tích hợp một tính năng đặc biệt, đó là khả năng nhận chữ Hán cổ. Bộ dữ liệu này không được công khai và điều đáng nói là mô hình Llama3-V cũng thể hiện khả năng nhận dạng tương tự, bao gồm cả những lỗi sai.

Trong một tuyên bố được đưa ra vào thứ Hai, Garg và Sharma thừa nhận "mô hình của chúng tôi rất giống" với MiniCPM-Llama3-V 2.5. "Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi chân thành tới các tác giả gốc", hai sinh viên Stanford viết trên X. Hai sinh viên này cho biết thêm, Aljadery – người còn lại - đã viết toàn bộ mã cho dự án. Họ nhận trách nhiệm vì đã không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc.

Vụ việc đã gây xôn xao trên mạng xã hội, đặc biệt là ở Trung Quốc. Giáo sư Christopher Manning, Giám đốc Phòng thí nghiệm Trí tuệ Nhân tạo Stanford, khẳng định không hề biết về vụ việc. Ông phê bình sản phẩm đạo nhái là điều đáng xấu hổ đối với Thung lũng Silicon.

Câu chuyện này cũng khơi mào cho một cuộc thảo luận rộng hơn về sự tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực AI. Lucas Beyer, nhà nghiên cứu tại Google DeepMind, nhận định rằng MiniCPM-Llama3-V 2.5 là một mô hình "rất tốt". Tuy nhiên, mô hình này lại không nhận được nhiều sự chú ý, vì đến từ một phòng thí nghiệm Trung Quốc chứ không phải một trường đại học danh tiếng ở phương Tây.

Liu Zhiyuan thừa nhận khoảng cách "đáng kể" giữa các mô hình AI của Trung Quốc và các dự án hàng đầu phương Tây như Sora và GPT-4. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh AI của Trung Quốc đã có những bước tiến thần tốc "từ chỗ không là gì cách đây hơn một thập kỉ, trở thành động lực chính cho sự đổi mới công nghệ AI".

Sự việc của nhóm nghiên cứu Stanford là một lời cảnh tỉnh về vấn đề đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực AI, đủ sức cạnh tranh với những cái tên hàng đầu thế giới.

Theo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại