Tình trạng già hóa nhanh chóng tại quốc gia này đã khiến xã hội cởi mở hơn với chủ đề có phần nhạy cảm này.
Các dịch vụ tang lễ giả, nơi người tham gia có thể viết di chúc và dành thời gian suy nghĩ bên trong quan tài, đã không còn xa lạ trong thời gian qua.
Cùng với đó, số lượng sách quanh chủ đề chuẩn bị cho cái chết được tiêu thụ khá chạy.
Trong bối cảnh này, các kênh giải trí địa phương đã phá vỡ quy tắc bất thành văn, rằng nội dung của các chương trình nên mang màu sắc tươi sáng để khiến khán giả cười và thư giãn, thay vào đó, các nhà sản xuất tập trung vào chủ đề "chết sao cho viên mãn nhất".
My Last 48 Hours (48 giờ cuối cùng của tôi), chiếu trên kênh tvN là một ví dụ. Ở đó, các khách mời là người nổi tiếng nhận được đồng hồ đeo tay đếm ngược 48 giờ, như thể đó là những giờ cuối cùng trong cuộc đời họ.
"Cảm xúc đầu tiên của tôi là buồn bã. Tôi tự hỏi liệu mình đã trải qua một cuộc sống tốt chưa. Tôi ở trong tâm trạng buồn sâu sắc" - nữ diễn viên Lee Mi-sook, 56 tuổi, nói bằng một giọng run rẩy trong chương trình.
Sau đó, bà trở lại cuộc sống bình thường, cho chú cún của mình ăn và ghi lại chi tiết các đặc điểm của nó để gửi cho một người chăm sóc trong tương lai.
Ca sĩ Tak Jae-hoon, 48 tuổi, thì quay một video gửi cho con trai, trong khi nữ diễn viên Park So-dam đến thăm một người bạn và có một cuộc trò chuyện tình cảm.
Future Diary (Nhật kỳ tương lai) của đài MBC, mà kết thúc mùa đầu vào tháng trước, cũng đang gấp rút chuẩn bị cho mùa 2, với những hiển thị trực quan hơn về những gì liên quan tới tuổi già.
Trong chương trình này, người nổi tiếng sẽ trở thành các nhà du hành thời gian và sống một ngày trong tương lai của họ.
Thuê một nhóm hiệu ứng đặc biệt để biến khuôn mặt của khách mời trở nên già nua, người chơi sẽ cảm nhận ngay lập tức và mạnh mẽ rằng tuổi già đã thực sự tới.
Nữ diễn viên Kang Sung-yun trải nghiệm tình huống đi đến năm 2052 cùng chồng, nghệ sĩ piano Kim Ga-on, để kỷ niệm ngày cưới lần thứ 40 của họ.
Tưởng tượng mình là một đôi vợ chồng già, họ quay lại thăm ngôi nhà đầu tiên, nhà hàng và quán cà phê yêu thích rồi đi dạo trên con đường kỉ niệm.
Việc các chương trình giải trí nói về chủ đề tuổi già và cái chết chưa thể coi là điều bình thường, nhưng chúng đã chạm tới cảm xúc của khán giả một cách sâu sắc.
Xem các chương trình, khán giả phần nào chứng kiến cuộc sống về sau của mình và cả cái chết.
"Tôi là một người lạc quan, nhưng tôi thường tự hỏi tại sao chủ đề cái chết không được nhắc tới (trên truyền hình)" - nhà sản xuất Jun Sung-ho của My Last 48 Hours cho biết về ý tưởng làm chương trình - "Cái chết là chủ đề sẽ nhắc nhở mọi người tích cực suy nghĩ về cách họ nên sống và họ thực sự là ai".