Khi yêu tuổi nào cũng dại
"Chạm vào hạnh phúc" bộ phim tình cảm, hài, tâm lý của đạo diễn Nguyễn Mai Long với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ: NSND Như Quỳnh, NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), NSƯT Hồ Phong, NSƯT Đới Anh Quân, NSƯT Tú Oanh, nghệ sĩ Quách Thu Phương, Thanh Hương, Chiến Thắng… là câu chuyện xoay quanh gia đình ông Sắn và bà Thắm với những chật vật mưu sinh, bi kịch, biến cố nơi miền quê nghèo.
Họ có 3 cậu con trai đều ngoan ngoãn, đỗ đại học nhưng vì nhà nghèo, Bí - anh cả nghỉ học sớm, phụ bố mẹ nuôi các em. Còn Bầu - con trai thứ hai lấy tiền đóng học phí đầu tư tiền ảo, ước mong đổi đời nhưng bị lừa mà trở nên điên loạn. Cậu con út là niềm hy vọng cuối cùng của cả nhà.
Cuộc sống khó khăn, ông Sắn động viên vợ đi xuất khẩu lao động. Ở nước ngoài, bà Thắm biết mình mắc bệnh nan y nên nói dối chồng con là đã có gia đình mới. Nơi đất khách quê người, bà Thắm được ông Phong - một người đàn ông giàu có cưu mang.
Sau một thời gian vợ biệt tích, ông Sắn đi bước nữa với người phụ nữ cùng quê tên Nhàn, cũng là người đã thầm yêu ông bao nhiêu năm qua.
Bà Lụa và bà Nhàn trong phim.
Đúng ngày chồng sắp cưới thì bà Thắm về, thấy chồng sắp cưới vợ, bà lại ra đi và gặp tai nạn khi cố gắng cứu con trai cả. Lúc này, gia đình mới biết bà Thắm mắc bệnh nan y và sự hy sinh của bà cho chồng con. Bi kịch nối tiếp bi kịch, khi bà Thắm được ra nước ngoài cứu chữa và khỏi bệnh thì ông Sắn qua đời...
Đằng sau câu chuyện phim là những thông điệp bình dị, nhân văn về tình yêu, cuộc sống. Trong phim, bà Nhàn đợi ông Sắn cả một đời cho dù ông đã có vợ. Với bà, chỉ cần ở gần nhà nhau, thỉnh thoảng nhìn thấy nhau là hạnh phúc rồi.
Tình yêu bà Nhàn dành cho ông Sắn là một tình yêu vĩnh cửu, không bao giờ thay đổi, đến mức bà Lụa (mẹ bà Nhàn) ngán ngẩm thốt lên "khi yêu tuổi nào cũng dại".
Ông Sắn vì nhà nghèo nên động viên vợ đi xuất khẩu lao động để đổi đời.
Sai lầm đến từ những quyết định vội vàng
Quyết định vội vàng có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn là điều mà có lẽ nhiều khán giả sẽ rút ra sau khi xem phim.
Trong phim, ông Sắn quyết định cho bà Thắm đi nước ngoài để cứu gia đình khỏi tình trạng nghèo đói. Tuy nhiên, quyết định này đã tạo ra sự chia cắt trong gia đình. Khi bà Thắm mắc bệnh nan y, lại tiếp tục đưa ra một quyết định sai lầm khác và đẩy cả nhà vào bi kịch không thể tháo gỡ.
Bầu tuy thương bố mẹ nhưng vì muốn làm giàu nhanh, để cải thiện cuộc sống của gia đình mà bị lừa mất hết tiền. Quyết định này đã đẩy anh vào một cuộc sống khó khăn và bế tắc, tinh thần bất ổn, sa sút trầm trọng dẫn tới phát điên, gia đình anh đã khó nay còn phải chịu khó khăn nhiều hơn.
Bầu bị điên, bị bỏ đói vẫn không hại các sinh linh bé nhỏ. Thay vì ăn chúng, ăn hôn.
Cho đi là hạnh phúc và tính thiện trong lương tri của người thần kinh
Bà Nhàn và bà Thắm trong "Chạm vào hạnh phúc" là những ví dụ về sự cho đi, họ hy sinh hết thảy, đổi cả sinh mạng để mong người khác bình an. Gia đình ông Phong - một gia đình giàu có luôn cưu mang bà Thắm là sự nhân ái hoàn hảo, ông cho đi cả vật chất lẫn tinh thần ẩn giấu trong một còn người xù xì hình thức nhưng đẹp đẽ về nhân cách.
Từng hành hành động của nhân vật Bầu, một người thần kinh lại khiến chúng ta nhận ra tính thiện luôn tồn tại trong mỗi con người. Dù bị bỏ đói, đối mặt với cái chết nhưng giữa bản năng sinh tồn và sự thức tỉnh lương tri, Bầu đã lựa chọn nhân ái, không làm hại đến sinh linh nhỏ bé.
Bản tính lương thiện của con người không phụ thuộc vào nghề nghiệp, vị trí xã hội hay tình trạng tâm trí, mà nó nằm trong sâu thẳm trái tim.