Đường Lê Văn Lương dài gần 2 km, mỗi chiều rộng 11,25 m, dải phân cách giữa rộng 3-7m. Hai bên đường "cõng" gần 20 khu nhà ở, văn phòng, thương mại cao tầng.
Phố Nguyễn Tuân ùn tắc cả vào buổi trưa
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, ngoài những cao ốc sẵn có, trên trục Lê Văn Lương còn có những ô đất trống đã được quy hoạch xây dựng cao ốc đang hoàn thành hoặc giai đọan chuẩn bị đầu tư. Đơn cử như dự án Manhattan Tower, địa chỉ 21 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân của đơn vị phát triển là Công ty Cổ phần Landmark Holding. Dự án được triển khai từ năm 2009, đến nay làm đã xong phần thô nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng.
Đi tiếp một đoạn là dự án Diamond Residence Hà Nội - 25 Lê Văn Lương với 662 căn hộ sắp hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Cùng trên tuyến phố Lê Văn Lương đi qua địa bàn quận Thanh Xuân là ô đất 3.10 NO cũng đang thi công móng phục vụ dự án văn phòng kết hợp nhà ở...
Trong khi đó, các tuyến đường “xương cá” quanh trục Lê Văn Lương như: Hoàng Đạo Thúy, Nguyễn Tuân, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thị Định... đều trong tình trạng quá tải. Có những tuyến phố như Hoàng Đạo Thúy (trùng với đường Vành đai 2,5 nối Lê Văn Lương với Nguyễn Trãi) nhiều năm chưa được triển khai, phố Nguyễn Tuân mở rộng vẫn còn bị nghẽn do gần 30 hộ chưa nhận đền bù...để bàn giao mặt bằng.
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho biết, định hướng tuyến đường Lê Văn Lương thường xuyên thay đổi theo các thời kỳ nhưng từ năm 2002, trục đường này luôn được định hướng xây nhà cao tầng.
Về ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch làm tăng dân số dẫn đến ùn tắc giao thông, ông Tuyến khẳng định: Theo quy hoạch giao thông trục Lê Văn Lương, hiện nay mới chỉ xây dựng được 42%. Đây không phải lý do chính khiến xảy ra ùn tắc ở tuyến đường này.
Nguyên một lãnh đạo cấp phòng thuộc Sở Quy hoạch- Kiến trúc (QHKT) Hà Nội cho biết thêm, các dự án trên tuyến đường Lê Văn Lương được định hướng có chức năng như khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại cao nhất 45 tầng, chức năng hỗn hợp là 32 tầng. Định hướng này cũng được cập nhật trong đồ án Quy hoạch chung xây dựng thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 2011.
Về quy hoạch chung Sở QHKT Hà Nội luôn thực hiện để hài hòa với tổng thể các quy hoạch khác liên quan. Tuy nhiên, phải nói rằng, ở đây có sự không đồng bộ trong thực hiện quy hoạch.