4 năm loay hoay, kết quả là không… có kết quả!
Sáng 8/3, tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Chính phủ, Bộ GTVT, các bộ, ngành trung ương kiểm tra công trình dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã nhấn mạnh: "Chỉ có tinh thần quyết tâm làm thì mới hoàn thành tuyến cao tốc này tới Cần Thơ đồng bộ với tuyến TP.HCM - Trung Lương, từ đó thông toàn tuyến TP.Hồ Chí Minh- Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ trong năm 2021".
4 năm trước, ngày 21/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ tại văn bản số 463/TTg-KTN.
Đến ngày 28/8/2017, Bộ GTVT mới phê duyệt dự án, ngày 03/4/2018, phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, giao Ban QLDA Thăng Long thực hiện công tác sơ tuyển.Ngày 29/6/2018, Ban QLDA Thăng Long báo cáo Bộ GTVT kết quả sơ tuyển. Ngày 17/7/2019, Bộ GTVT hủy kết quả sơ tuyển nhà đầu tư.
Ngày 8/10/2019, Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Dự án. Ngày 24/3/2020, Bộ GTVT có quyết định giao Tổng công ty Đầu tư phát triển & Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long làm chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án thay thế cho Ban QLDA Thăng Long.
Như vậy, tính từ ngày Dự án được Chính phủ phê duyệt đến nay đã tròn 4 năm, Bộ GTVT hiện vẫn loay hoay giai đoạn "chuẩn bị đầu tư", và sau hơn 2 năm Dự án đã được Bộ GTVT phê duyệt nhưng vẫn chưa triển khai giải phóng mặt bằng, mặc dù Chính phủ ưu tiên bố trí vốn từ nguồn NSNN là 932 tỷ đồng cho Dự án.
Hiện nay vẫn chưa lựa chọn được Nhà đầu tư khi yêu cầu tiến độ, việc tiếp tục điều chỉnh Dự án sẽ phát sinh rất nhiều thủ tục, kéo dài thời gian, khó thực hiện sẽ không đảm bảo tiến độ thông tuyến vào năm 2021 như chỉ đạo của Thủ tướng.
"Lối mở" liệu có mở?
Ông Lưu Xuân Thuỷ, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả vừa qua đã đăng đàn khẳng định, ngoài việc phải hoàn thành Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đáp ứng tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020, hoàn thành năm 2021 thì Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án mở rộng phạm vi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và bổ sung 23 km đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ vào dự án này. Theo đó, điều chỉnh, mở rộng phạm vi Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang - Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, giao UBND các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp thực hiện GPMB theo quy định trong phạm vi địa giới hành chính của các tỉnh.
"Từ kinh nghiệm thực tế đã triển khai tại Dự án Trung Lương- Mỹ Thuận chúng tôi khẳng định nếu không bám sát để điều chỉnh Dự án, nhanh chóng GPMB thì không thể nói đến việc thông tuyến trong 2021 mà việc này chỉ thực hiện được khi chuyển CQNNCTQ cho địa phương tổ chức thực hiện. (ông Lưu Xuân Thuỷ cho biết).
Dựa trên những tính toán và đề xuất cụ thể ông Lưu Xuân Thuỷ khẳng định sẽ thông tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ trong năm 2021, hoàn thành trong năm 2022, rút ngắn thời gian thu phí để hoàn vốn cho dự án trước đây từ 14 năm 8 tháng xuống còn 12 năm 6 tháng (ngắn đi 2 năm 2 tháng).
Phương án này cũng nhận được sự đồng thuận của các địa phương có dự án đi qua là Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ, nhưng vấn đề có thực hiện được hay không phụ thuộc vào cơ quan chủ quản là Bộ GTVT có nhìn ra để đề xuất hay không ?
Nếu chậm trễ, lãng phí,… trách nhiệm thuộc về ai?
Ngày 8/3, khi Thủ tướng Chính phủ đến thăm gói thầu XL13, cầu Phú Nhuận thuộc Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và nhận thấy tính khả thi của việc đưa dự án này về đích vào cuối năm 2021, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã mở rộng vấn đề:
"Thật ra, khi đặt vấn đề xử lý đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận, người ta đặt ngay vấn đề tiếp theo của Mỹ Thuận đó là cái gì? Bởi vì nguyên lý hiệu quả của giao thông là tính đồng bộ. Mục tiêu của tuyến này là giải quyết vấn đề phát triển cho miền Tây, tức là còn phía dưới Cần Thơ, chứ không phải đến Mỹ Thuận là ngưng lại".
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng: "Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ, thì tính cấp bách của vấn đề sẽ trở thành một tắc nghẽn rất lớn cho phát triển".
2 yếu tố trong ý kiến của PGS.TS Trần Đình Thiên đã nêu là "sự cấp bách" và "tính đồng bộ".
Trước tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, vấn nạn hạn mặn ở vùng Tây Nam Bộ đang diễn tiến ngày càng nghiêm trọng, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân trong vùng…
Tính đồng bộ và cấp bách ở đây là cần sớm có giải pháp cụ thể, tối ưu để thông tuyến đường cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ nhằm vực dậy, khai thông nhanh để phát triển tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, trên tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ, ngoài đoạn TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương đã đưa vào khai thác, các đoạn khác gồm Trung Lương - Mỹ Thuận đang triển khai, cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đều chỉ mới trong quá trình chuẩn bị.
Trong đó, cầu Mỹ Thuận 2 triển khai bằng vốn vay ODA và Dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ thì trở lại vạch xuất phát.
Những lợi ích mà tuyến cao tốc từ TP. Hồ Chí Minh đến Cần Thơ nếu được hoàn thành sớm sẽ có những đóng góp quan trọng cho đời sống kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ nói riêng và kinh tế đất nước nói chung là không nhỏ.
Nhưng, thiết nghĩ với lối tổ chức thực hiện Dự án theo kiểu lòng vòng như hiện nay không biết bao giờ đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ mới hoàn thành để kết nối thông suốt với toàn tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ vào năm 2021, và hoàn thiện khai thác vào năm 2022 như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Và giả sử nếu vào thời điểm đó đoạn cao tốc chỉ dài 23 km này vẫn cứ "trúc trắc", không xong thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước những chậm trễ và lãng phí này?.