Bà Phan Thị Thanh Tùng (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) mở bình lọc nước mới thay hơn 1 tháng cho PV xem: Lõi lọc bên trong đã đen kịt cặn bám. Còn nếu chưa qua lõi lọc thì thử đổ nước chè vào chậu nước giếng khoan vừa bơm trực tiếp lên, nước lập tức đổi màu tím đen. “Nhà đã bỏ cả chục triệu để đào giếng khoan nhưng chất lượng nước thì rất tệ. Sử dụng thì lo, không sử dụng cũng không được”, bà Tùng than thở.
Còn tại xã Xuân Dương (huyện Thanh Oai) người dân tại đây đã có trạm cấp nước của xã. Thế nhưng, theo kết quả của Sở y tế Hà Nội, nước của trạm này nhiễm cả Amoni, Asen, Coliform và Ecoli. Nhiều người dân đã phải mua máy lọc nước để tự lọc nước ở nhà bởi nếu không có máy lọc thì dù có đun sôi lên cũng ko tài nào uống nổi.
Bà Phan Thị Thanh Tùng (xã Thanh Xuân, Sóc Sơn) mở bình lọc nước mới thay hơn 1 tháng, lõi lọc đã đen kịt.
Theo đại diện Sở xây dựng Hà Nội, hiện khu vực phía Nam ngoại thành Hà Nội gồm 4 huyện: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thanh Oai và Mỹ Đức, với 250 nghìn hộ dân, tương đương khoảng 1 triệu nhân khẩu vẫn chưa có hệ thống cấp nước đô thị.
Có nghĩa chỉ là nước hợp vệ sinh, chứ chưa đảm bảo cho việc ăn uống theo tiêu chuẩn Bộ y tế.
Cấp thiết bổ sung nguồn nước sạch
Theo đại diện UBND huyện Sóc Sơn, từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận cho liên danh Cty CP Aqua One và Cty CP nước mặt sông Đuống thực hiện dự án phân phối nước sạch cho 18 xã của huyện Sóc Sơn.
Theo kế hoạch, hết năm ngoái sẽ phải xây dựng hoàn thiện hệ thống phân phối nước sạch cho 7 xã của huyện Sóc Sơn, hết 2020 sẽ hoàn thiện nốt cho 11 xã còn lại. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có bất cứ hệ thống đường ống nào được lắp đặt tại 18 xã này.
Theo Quy hoạch cấp nước thủ đô phê duyệt từ 2013, thì những khu vực nông thôn liền kề đô thị được lắp đặt hệ thống cấp nước đô thị. Khu vực nông thôn còn lại thì sử dụng nguồn nước từ các trạm cấp nước tập trung.
Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy hoạch cấp nước vì lo ngại đường ống sông Đà không đảm bảo cấp nước cho các vùng ngoại thành phía Nam.
Hiện nay, giải pháp là đề xuất Chính phủ cho điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô, đến năm 2030 tầm nhìn 2050 để tất cả khu vực ngoại thành Hà Nội cũng sẽ được dùng chung một hệ thống cấp nước như đô thị.
Quy hoạch mới này bổ sung thêm nhà máy nước mặt Xuân Mai, cũng lấy nguồn từ sông Đà, sẽ cung cấp nước cho toàn bộ khu vực phía Nam ngoại thành Hà Nội. Đồng thời, việc xây dựng một nhà máy nước hoạt động song song cùng nhà máy nước mặt sông Đà sẽ đảm bảo an ninh nguồn nước nếu khi 1 trong 2 nhà máy gặp sự cố.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Văn Du, Phó Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Quy hoạch mới đang được Bộ Xây dựng thẩm định để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên Bộ Xây dựng chưa quyết định bổ sung nhà máy nước mặt Xuân Mai vào Quy hoạch. Đây là một trong những vấn đề Hà Nội và Bộ Xây dựng chưa thống nhất được.
Theo đại diện Sở Xây dựng, để bổ sung nước cho người dân khu vực ngoại thành có 2 phương án: Một là tăng công suất nhà máy nước sông Đà, hai là xây dựng nhà máy nước Xuân Mai (đều từ nguồn nước sông Đà – PV).
Nếu không bổ sung nhà máy nước Xuân Mai thì đường ống sông Đà cũng phải thay đổi về kích thước, quy mô. Đầu tiên là đầu tư vào nhà máy để nâng cấp công suất; Đường ống cũ chỉ tính cho đô thị bên trong vành đai 4, nếu kéo ra đấy 200.000m3 nữa thì phải tăng số lượng đường ống mới đáp ứng được.
Tuy nhiên, nâng cấp nhà máy nước sông Đà hiện có sẽ phát sinh những bất cập: Đại lộ Thăng Long đã có 2 đường ống rồi, nếu đi thêm nữa thì phải 2 đường ống nữa thì không có hành lang đặt, liên quan đến đường sắt đô thị tuyến số 5. Tiếp đó là an ninh nguồn nước cho Thủ đô, nếu 1 nhà máy dừng thì vẫn có nguồn bổ trợ, đẩy công suất lên vẫn đảm bảo 75% cấp nước an toàn…
Trong khi quy hoạch cấp nước mới vẫn chưa được phê duyệt, đồng nghĩa với viêc cả triệu dân ngoại thành phía Nam Hà Nội vẫn phải ăn ở, sinh hoạt với nước “bẩn”.