Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay một chai nước rửa tay giá 7,95 USD của hãng Bath&Body Works (BBW) tại Mỹ cần tốn đến 3 tháng mới có thể hoàn thiện.
Sản phẩm tưởng chừng như chẳng có tý kỹ thuật này cần phải tổng hợp các thành phần với quãng đường hơn 20.000km từ Trung Quốc, Canada để đưa về trụ sở Ohio-Mỹ mới có thể hoàn thiện và phân phối.
Rõ ràng, sản phẩm “Made in USA” của BBW trên thực tế phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc và giờ đây tập đoàn đang cố gắng xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất của mình tại Mỹ nhằm rút ngắn thời gian.
Thế nhưng, câu chuyện ở đây không phải là thời gian sản xuất và cũng không phải tự nhiên mà các tập đoàn di chuyển hàng chục nghìn km để đưa nhà máy sang Trung Quốc.
Đánh cược
Theo WSJ, dây chuyền sản xuất của BBW mới được xây dựng ở Columbus-Mỹ là một hệ thống khép kín, từ nước rửa tay cho đến nắp vỏ, dán nhãn đều được hoàn thiện trong khu công nghiệp của riêng tập đoàn.
Nhờ cố gắng này mà thời gian sản xuất sản phẩm của BBW đã rút xuống còn 21 ngày với quãng đường di chuyển của các thành phần chỉ vài km.
Thế nhưng để đạt được kết quả này, BBW đã phải cố gắng từ những năm 2008 trong việc thuyết phục chuỗi cung ứng của mình dịch chuyển trở về Mỹ thay vì Trung Quốc. Hiện khu công nghiệp của hãng có đến 10 nhà máy cung ứng bao quanh, 5.000 nhân công làm việc và doanh số của BBW đạt 7,56 tỷ USD năm 2022, cao hơn 2 tỷ USD so với trước dịch năm 2019.
Trên thực tế, BBW chẳng hề thuyết phục được các nhà cung ứng của mình dịch chuyển về Mỹ mà chính đại dịch, xung đột thương mại cùng căng thẳng Mỹ-Trung mới là nguyên nhân chính khiến các nhà máy thay đổi quan điểm. Đồng thời với đó, chương trình hỗ trợ ngân sách hàng trăm tỷ USD của Mỹ cũng khiến nhiều hãng cung ứng quyết định trở về quê hương.
Nguồn tiền hỗ trợ cực lớn này cùng nhu cầu thị trường nội địa Mỹ tăng lên đã thúc đẩy làn sóng xây dựng nhà máy ồ ạt ở Mỹ với tổng chi tiêu đầu tư lên mức cao nhất trong ít nhất 20 năm qua.
Tờ WSJ cho biết theo các dự đoán của chính phủ, tổng đầu tư công và tư nhân cho ngành sản xuất trong 10 năm tới sẽ lên đến 3,5 nghìn tỷ USD.
Một nhà máy sản xuất vỏ chai cung ứng cho BBW
Được hưởng lợi lớn là thế nhưng những hãng như BBW vẫn khá bi quan về tương lai khi dự đoán doanh số của họ sẽ giảm trong năm nay.
Nguyên nhân chính là BBW cũng như nhiều tập đoàn khác của Mỹ phụ thuộc cả vào một chuỗi cung ứng khổng lồ, khi các nhà cung ứng lại phụ thuộc vào những hãng cung ứng khác và cứ thế kéo dài thành một mạng lưới chằng chịt. Đó là chưa kể đến nguồn cung nguyên liệu thô để sản xuất sản phẩm, các chuyên gia kỹ thuật công nghệ...
Việc dịch chuyển tất cả những thứ trên từ Trung Quốc về Mỹ không phải điều dễ dàng có thể làm trong 1-2 năm khi mạng lưới cung ứng này đã được xây dựng, cải tiến và hoàn thiện hàng chục năm qua ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bởi vậy, ngoài chi phí tốn kém khi dịch chuyển nhà máy, nhân công, thiết bị...thì các hãng cung ứng còn phải tính cả chi phí cơ hội, thời gian xây dựng lại từ đầu mạng lưới cung ứng của mình cũng như độ trễ trong quá trình di chuyển.
Tờ WSJ cho biết nhiều hãng đã dịch chuyển về Mỹ nhưng lại bị kẹt ở vô số khâu khi nền kinh tế này chưa xây dựng được một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh được như Trung Quốc.
Ví dụ đơn giản nhất là giá bất động sản cao, lao động thiếu thốn và đắt đỏ cũng như các quy định khắt khe về môi trường ở Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp vẫn ưa thích Trung Quốc hoặc các nền kinh tế đang phát triển để đặt nhà máy hơn.
Tệ hơn, mô hình của BBW không phải là tiêu chuẩn mà bất cứ hãng smartphone, máy móc hay thậm chí là may mặc nào của Mỹ cũng có thể áp dụng khi chuỗi cung ứng của họ đã phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc.
Thậm chí một số ngành như bán dẫn hay luyện kim cần được đầu tư cực kỳ lớn cũng như phụ thuộc vào quy mô của nền kinh tế mới có thể phát triển đồng bộ chuỗi cung ứng của mình. Khoản đầu tư ban đầu quá lớn, thời gian xây dựng nhà máy lâu cùng khả năng lỗ vốn nếu mất cân bằng cung cầu trên thị trường khiến nhiều doanh nghiệp phải suy tính rất kỹ nếu muốn dịch chuyển cả mạng lưới cung ứng của mình.
Tiền không cho nhưng vẫn đòi di chuyển
Quay trở lại câu chuyện của BBW, thương hiệu này được thành lập bởi Les Wexner và là một phần trong đế chế bán lẻ của tập đoàn L Brands. Chỉ với 27 chi nhánh năm 1990, BBW hiện đã có 1.810 cửa hàng ở Mỹ.
Khu công nghiệp của BBW tại New Albany trên thực tế được sự hỗ trợ khá nhiều từ chính quyền bang khi nhận được 3 triệu USD đầu tư cơ sở hạ tầng, riêng công ty phải bỏ ra 6 triệu USD. Tuy nhiên điều khó khăn là BBW phải thuyết phục được các hãng cung ứng chi hàng triệu USD di chuyển về đây, mua thiết bị mới, tuyển lao động và xây dựng một mạng lưới cung ứng mới.
Một ví dụ lúc đó là Rieke Packaging chuyên cung ứng vỏ chai cho BBW. Hãng này có nhà máy rất lớn ở Trung Quốc cùng một chi nhánh nhỏ khác ở Indiana-Mỹ. Ban đầu Rieke khá ngập ngừng về khoản vốn đầu tư xây nhà máy mới của BBW cho đến khi có những yếu tố vĩ mô tác động.
“Đứng trên quan điểm của nhà cung ứng thì có rất nhiều thách thức. Họ muốn chúng tôi phải mua thêm thiết bị, chi phí thuê đất thì cao gấp đôi so với nhà máy ở Indiana. Thôi nào, điều này chẳng nghe thú vị gì cả”, công nhân Craig Miller của Rieke than vãn.
Thiết bị sản xuất vỏ chai cung ứng cho BBW
Cho đến hiện tại, nhà máy của Rieke tại khu công nghiệp BBW vẫn chưa tự chủ được hoàn toàn dây chuyền sản xuất. Họ mới chỉ đúc phần nhựa 2 mặt của chai xà phòng BBW, sau đó gắn vào phần lõi có chứa bộ phận bơm sản phẩm được sản xuất từ nhà máy ở Trung Quốc.
Kỹ sư Will Nguyen từng làm việc cho Rieke nói với WSJ rằng phía BBW không muốn trả nhiều hơn 20-25 cent cho mỗi vỏ chai, nhưng lại đòi Rieke phải sản xuất hoàn toàn tại Mỹ mà không còn phụ thuộc vào Trung Quốc.
Những yêu cầu vô lý này khiến cuộc đàm phán giữa BBW và Rieke kéo dài suốt vài tháng. Cuối cùng Rieke chấp nhận di chuyển toàn bộ dây chuyền về khu công nghiệp BBW, đổi lại hãng sẽ được trợ giúp gia tăng đơn hàng với những khách hàng toàn cầu của BBW.
Hiện Rieke đang phải tìm cách kiếm lời từ việc dịch chuyển dây chuyền hoàn toàn đến khu công nghiệp của BBW khi giá thuê đất, chi phí nhân công cùng nhiều thứ khác tăng cao. Công ty đã buộc phải chuyển sang sản xuất tự động nhưng ngay cả điều này cũng rất khó khăn.
Nhà máy của Rieke ở Trung Quốc có thể sản xuất bằng nhân công với 13 bộ phận trong linh kiện bơm của vỏ chai, thế nhưng điều này lại rất khó để tự động hóa.
“Chúng tôi không thể thay thế chuỗi cung ứng bằng nhân công tại Trung Quốc để di chuyển đến Mỹ dễ dàng được. Ngay cả việc tự động hóa cũng khó khăn bởi có rất nhiều bộ phận linh kiện nhỏ di chuyển nhanh trên băng chuyển và chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến cả hệ thống bị tắc nghẽn”, giám đốc Mark Box của TriMas Packaging, công ty mẹ của Rieke than thở.
Công nhân sản xuất vỏ chai cung ứng trong khu công nghiệp của BBW
Xin được nhắc là bộ phận bơm xà phòng của vỏ chai cần được sản xuất đúng tiêu chuẩn để đẩy được chất lỏng ra khỏi vỏ, nhưng cũng không được quá chặt gây kẹt rít. Hãng cung ứng cũng phải giải quyết vấn đề khác biệt về vỏ chai, nguyên liệu giữa các chuyến hàng, qua đó đòi hỏi một chuỗi cung ứng hậu thuẫn cực kỳ hiệu quả.
Theo kỹ sư Nguyen, Rieke đã phải đầu tư 12 triệu USD và chỉ tuyển dụng 10 lao động cho nhà máy mới tại Mỹ, trong khi con số này chỉ là 2 triệu USD cho 50 nhân công với nhà máy có công suất tương tự ở Trung Quốc.
Tất nhiên, việc dịch chuyển này cũng đem lại một số lợi ích nhất định. Tập trung chuỗi cung ứng vào một khu khiến thời gian vận chuyển, hoàn thành sản phẩm của BBW giảm từ hơn 5 tháng xuống gần 1 tháng. Trong khi đó Rieke cũng gia tăng số lượng vỏ chai bán cho BBW lên 300 triệu đơn vị mỗi năm.
*Nguồn: WSJ