Trước năm 1975, "lãng khách" Chà Và Hương sống trong hai thế giới. Một là bóng tối, khi được biết đến như một giang hồ cộm cán khét tiếng bên cạnh trùm du đãng từng thống lĩnh xã hội đen Sài Gòn - Đại Ca Thay huyền thoại. Hai là ánh sáng của võ đài, nơi Chà Và Hương "độc cô cầu bại" với đòn chỏ trứ danh.
Dù là ở mảng tối hay mảng sáng của sự nghiệp, và phần trước của cuộc đời mình, Chà Và Hương (tên thật là Ngô Văn Hương) cũng đều được nhắc đến với sự nể sợ, kính phục, không chỉ bởi cặp chỏ huyền thoại của ông ít khi cho đối thủ đứng vững trên đài đến hiệp thứ hai, mà còn bởi những hành động nghĩa hiệp, đậm chất quân tử trong hành xử giang hồ, bênh kẻ yếu, chống lại cường quyền...
Sau năm 1975, cuộc đời của "lãng khách" này được lật sang trang khác. Rửa tay gác kiếm, ông lui về với nghiệp võ. Không còn là một võ sĩ bất khả chiến bại ngày nào trên võ đài, Chà Và Hương lặng lẽ truyền lại kiến thức võ học, kỹ năng võ thuật của mình cho những thế hệ nối tiếp, để rồi từng phải đứt từng khúc ruột khi đón tin từng học trò yêu của mình mất tích giữa ngàn khơi trên con đường vượt biên.
Bước qua nỗi đau ấy, Chà Và Hương vẫn cặm cụi với nghiệp võ, để rồi ngày ông ra đi, vây quanh tiễn biệt ông là rất nhiều những đồng đạo trong giới võ thuật không chỉ của TP.HCM, mà cả nước. Họ cảm phục, quý mến và thương tiếc ông - người đến cuối đời vẫn cặm cụi dạy võ cho các học trò.
Nhưng trong ông, cái chất giang hồ ngày cũ chưa bao giờ phai màu. Ông từ chối đi Mỹ cùng vợ, không thích sống với con trai, chỉ thích nay đây mai đó với những người cùng chí hướng võ thuật. Những năm tháng cuối đời, ông ở với người con nuôi cũng là dân nhà võ ở Bình Chánh.
Nhưng trong ông, cái chất khí khái, hướng thiện cũng luôn chực chờ để trỗi dậy. Rửa tay gác kiếm, ông từ chối lời mời cùng sự biệt đãi của Năm Cam, để lui về bốc thuốc, dạy võ, sống một cuộc đời chẳng mấy khá giả, nhưng rũ sạch bụi giang hồ ngày cũ để làm một công dân lương thiện, một võ sư đóng góp không nhỏ cho phong trào võ thuật nước nhà, vừa dạy dỗ môn sinh, vừa góp công làm dày thêm kiến thức võ học cho các thế hệ đi sau.
Chất giang hồ khí khái, cùng mong ước cháy bỏng hướng về sự trưởng thành của võ thuật Việt Nam được huyền thoại Chà Và Hương gửi gắm cho lớp trẻ nước nhà chỉ hai tháng trước ngày ông ra đi mãi mãi: "Mình mong đám trẻ sau này cố gắng siêng tập, và có những tinh thần tốt để giúp đời, giúp những người nghèo khổ, đừng áp bức những kẻ yếu cô - như mình".
Nhát dao đầu tiên trong đời, Chà Và Hương dành cho kẻ thù, và nhát dao cuối cùng ông tự dành cho mình. Nhát dao chí mạng cuối cùng ấy cũng đậm chất giang hồ - như ông vậy, là nhát dao giải thoát ông khỏi cơn đau triền miên, cũng giải thoát cho những người thân của mình khỏi phiền lụy, khổ sở khi phải chăm sóc ông.
Nhát dao cuối cùng vung lên, võ sư Ngô Văn Hương - lão du đãng Chà Và Hương, dành cho chính mình, để lại muôn vàn sự tiếc nuối. Nhát dao ấy đưa ông ra đi, nhưng cũng đưa ông trở về - về với quê hương Thanh Đa, Bình Quới, nơi ông được sinh ra và trải qua tuổi thơ, bỏ lại sau lưng một thời du đãng hào hùng, bỏ lại những sàn đài với muôn vàn tiếng hò reo, cùng những học trò kính trọng ông hết mực...
Gần 60 năm về trước, có một nụ cười đã từng cứu Chà Và Hương trên võ đài. Nụ cười của chính ông. Trận đấu ấy ở Bến Tre, Chà Và Hương đụng độ Nguyễn Thành Tỉ - võ sĩ có cặp gối khiếp đảm. Ông lãnh trọn một gối "nặng như bút bổ" vào trúng tim, ngã văng vào dây đài. Tim ông như ngừng đập giây lát, rồi mới thoi thóp đập lại. Hai mắt tối đen như mực. May vịn được dây đài. Ông không nhìn thấy đối thủ, giơ tay thủ thế mà trước mắt tối thui, nhưng miệng lại bất giác nở một nụ cười.
Đối thủ biết thừa ông trúng đòn nặng, nhưng khựng lại trước nụ cười ấy, không dám vào. Trận đấu ấy kết thúc hòa. Xuống đất, họ ôm nhau, từ đó kết tình huynh đệ...
Dưới suối vàng, chắc hẳn giờ này ông cũng đang nở một nụ cười như thế, như gần 60 năm về trước.
Một cuộc đời như thế, có thể gọi là thanh thản?