Cha mẹ Việt muốn con cái theo nghề của mình: Hãy nghĩ kỹ!

Hiệu Minh |

Đừng chỉ nhìn vào một mình Bill Gates, hãy nhìn sang cả những bài học của "con ông cháu cha".

"Cha mẹ hãy mang con đến nơi làm việc"

Hồi còn bé (1960-1970) khi không đến lớp, tôi chăn trâu rồi đánh trâu ra đồng cho ông già cầy bừa ở gần núi Nhội. Nhà ở xa, ông bảo con đợi ở đầu bờ, xong việc, hai bố con cùng về.

Về làng cách đó mấy cây số, ông bố vác cày, con dắt trâu, do đói nên thỉnh thoàng chú trâu ghì thừng đòi gặm cỏ bên đường.

Bố đói, con đói, trâu đói, đó là cảnh làng quê suốt thời tôi lớn lên. Con trâu đi trước cái cầy đi sau dưới cái nắng hè, ngày đông giá lạnh, các mẹ, các chị mặt cắm xuống ruộng. Ai đó có cảm xúc thơ ca về đồng quê thơ mộng, thì người đó không phải là tôi.

Ông già bảo, con cố học nên người, đừng theo nghiệp cầm cầy, bởi đó là mồ hôi, nước mắt, đói nghèo và tủi hổ. Nửa thế kỷ sau khi bôn ba hai bên bán cầu, tôi vẫn coi lời cha như một định hướng nghề nghiệp từ thủa còn ê a.

Làm việc ở World Bank bên Washington DC từ năm 2004 đến 2015, vào dịp tháng 4 hàng năm, văn phòng tổ chức một ngày gọi là "Take Our Daughters and Sons to Work Day – Cha mẹ hãy mang con tới nơi làm việc".

Cha mẹ Việt muốn con cái theo nghề của mình: Hãy nghĩ kỹ! - Ảnh 1.

Ảnh: digitalinfuzion.com.

Tại Nhà Trắng, TT Barack Obama và phu nhân cũng đứng ra tổ chức cho con cháu của nhân viên dưới quyền tới thăm văn phòng.

Học và hành rất quan trọng trong định hướng tương lai của đứa trẻ. Được xem tận mắt nơi cha mẹ làm việc sẽ hiểu thế nào học trên lớp và thực tế ngoài đời.

Tại Mỹ, trong điều tra về xã hội học về nhóm học sinh trung học bỏ học, khoảng 4 trên 5 em nói rằng vừa làm việc, vừa tự học, vẫn có thể lấy được bằng tốt nghiệp như thường.

"Cha mẹ hãy mang con đến nơi làm việc" là sự kiện toàn nước Mỹ có tới 3-4 triệu cha mẹ tham dự, kể cả các em mà cha mẹ thất nghiệp với sự giúp đỡ của người khác hiện đang có việc làm.

Đủ mọi lứa tuổi từ cấp 1 đến cấp 2 chiếm phần đông, các em rất vui được thăm chỗ bố mẹ ngồi, được giải thích về hệ thống cung cấp điện cho tòa nhà, văn phòng của ông sếp, trung tâm máy tính, phòng ăn, phòng tập thể thao, toàn cảnh của môi trường làm việc của cha mẹ.

Từng chủ trì chương trình này 2 năm nên tôi biết khá rõ việc tổ chức khá mất thời gian và đòi hỏi chuẩn bị mấy tháng liền.

Liên hệ với cha mẹ muốn mang con đến, xin phép nhà trường cho nghỉ học, lập kế hoạch với nhóm tiếp nhận vào giờ đó, ngày đó, rồi sếp tiếp ra sao, tổ chức ăn uống cho các em thế nào, cháu kiêng thức ăn gì, có sự cố thì gọi bác sỹ ra sao, kể cả chụp ảnh lưu niệm cũng phải được cha mẹ đồng ý.

Ngày đặc biệt đó thu hút vài trăm học sinh là thường.

Có một chi tiết khá thú vị, hỏi có thích môi trường làm việc này không, các em đều tỏ ra tự hào về bố mẹ ở World Bank, bất kể là nhân viên thư ký, dân IT hay giám đốc.

Nhưng hỏi có thích nối nghiệp cha mẹ không, hầu hết trả lời "I don’t know – cháu không biết".

Hỏi thêm cha mẹ thì câu trả lời thường nghe là "hãy để các cháu tự quyết định". Nếu theo nghiệp bố mẹ cũng OK, không theo cũng chẳng là thảm họa, miễn có công ăn việc làm, tự nuôi sống mình như một người đàng hoàng.

Nếu "con hơn cha nhà có phúc" dù nghề nghiệp khác. Hóa ra thế giới ở đâu cũng vậy.

42% cha mẹ không muốn con theo nghề nghiệp của mình

Từ xa xưa, cha mẹ thường tự hào và coi đó là thành công trong nuôi dạy nếu con cái theo nghiệp của cha mẹ.

Nhưng thời nay đã khác. Theo thống kê của ancestry.co.uk, tại Anh chỉ có 7% con theo nghề nghiệp của cha mẹ.

Cũng theo trang này, trong thế kỷ 19, sự phân chia giai tầng xã hội đã đóng đinh vào nghề nghiệp của từng người.

Trẻ em sinh ra ít khi lựa chọn giai tầng thấp hơn nơi chúng đã sinh ra, vì thế sự lựa chọn nghề của cha mẹ là tối ưu.

Cha mẹ Việt muốn con cái theo nghề của mình: Hãy nghĩ kỹ! - Ảnh 2.

Nguồn: Bộ ảnh "Before I Graduate – Trước khi tốt nghiệp" của ĐH Ngoại thương và Học viện Marketing Tomorrow Marketers.

Tuy nhiên thời nay đã khác, sự phân biệt giai cấp đã đỡ hơn nhiều do toàn cầu hóa. Một cô gái bình thường có thể làm dâu gia đình Hoàng gia. Con gái Tổng thống cưới một anh chẳng có tên tuổi.

Theo nghề của cha mẹ có thuận lợi là con sẽ được hưởng thụ từ mạng lưới nghề nghiệp đã dựng lên từ mấy chục năm, kho vàng cho đứa bé nếu biết tranh thủ, chưa kể kinh nghiệm cha mẹ sẵn sàng truyền lại nhất là những bí mật nghề nghiệp.

Nhưng cha mẹ thành công chẳng có gì đảm bảo đứa trẻ sẽ như thế. Môi trường khác, nghề nghiệp biến đổi, quan hệ cũng khác, đứa trẻ bị sức ép lớn trong cái bóng của cha mẹ, một thứ thánh giá đè nặng suốt cuộc đời.

Khi còn tuổi tới trường, cha mẹ của Bill Gates vốn thành công trong nghề luật vì bố là luật sư nổi tiếng, muốn đưa con theo nghề của cha.

Nhưng đứa con bỏ học, trở thành một trong những người giầu có nhất và thay đổi thế giới.

Xu thế hiện nay cha mẹ để con tự do hơn trước. Tại Anh, tới 42% không muốn con cái đi theo nghiệp của mình, chỉ có 11% là muốn truyền thống gia đình được gìn giữ. Phần còn lại đều nói tùy con lựa chọn.

Vun vén cho con hay đẩy con vào thòng lọng?

Trong chính trường quốc tế nhiều chính trị gia sau khi nếm trải thành công và cay đắng đã tìm cách giúp con cái tránh xa nơi không có tình người mà lại có thừa thủ đoạn chính trị.

Hoặc chính những đứa con nhìn thấy điều đó trên nét mặt cha mẹ sau mỗi ngày làm việc, rồi theo dõi dư luận truyền thông, chúng sẽ tự hỏi, tại sao lại làm khổ bản thân như thế. Tiền bạc, danh vọng không phải là tất cả.

Nhưng không phải ai cũng đủ dũng cảm để tránh cái bẫy của quyền lực. Có quyền, có tiền, lại muốn cha truyền con nối như thời phong kiến, nếu luật lệ không chặt. Chuyện đó xưa như trái đất.

François Duvalier, Tổng thống Haiti (1957-1971), nổi tiếng độc tài và tham nhũng. Khi ông ta chết, con trai Jean-Claude Duvalier (còn gọi là "Baby Doc") lên thay khi 19 tuổi và tiếp tục sự nghiệp trộm cắp và giết chóc của cha.

Khoảng 30 ngàn người đã chết, mất tích và hàng chục vạn người khác phải đi lánh nạn vì bị đàn áp. Cuối cùng dân chúng nổi dậy và Baby Doc phải tỵ nạn sang Pháp.

Tổng thống Suharto trong 32 năm cầm quyền là vị đứng đầu nhà nước "thành công" nhất trong lịch sử thế giới vì kịp bòn rút cho mình và thân tín hàng tỉ đô la.

Cha mẹ Việt muốn con cái theo nghề của mình: Hãy nghĩ kỹ! - Ảnh 3.

Con cái được ông nâng đỡ vào các vị trí then chốt cũng không cứu nổi những ngày cuối đời tủi nhục của ông. Nhiều người Indonesia phẫn nộ rủa xả gia đình này mỗi khi nhắc đến tên Suharto.

Triều đại Saddam Hussein và Gadhafi cũng cho con cháu giữ chức trọng yếu nhằm bảo vệ tài sản khổng lồ, nhưng cuối cùng con cái bị trừng phạt, bản thân bị treo cổ hoặc lôi từ ống cống ra và xử bắn không cần xét xử.

Những trường hợp như thế, con theo nghiệp chính trị của cha mẹ giúp cho dòng họ và của cải kết thúc trong điêu tàn.

Đối với người làm chính trị trong sạch, có tài kinh bang tế thế, muốn con cái đóng góp cho nhân loại đó là tâm hồn vĩ đại.

Nhưng tìm cách cho con cháu vào những vị trí quan trọng mà đôi khi chỉ là giữ của, và nếu không đủ thực tài, sẽ là cái bẫy mà cha đưa con vào thòng lọng đưa lên giá treo cổ.

Theo nghiệp cha mẹ hay không theo, đó là câu hỏi mà mỗi đứa trẻ sắp trưởng thành phải tự tìm câu trả lời.

Ở một xã hội mà có nhiều đứa trẻ sắp trưởng thành không thể tự tìm nổi cho mình con đường đi, xã hội ấy sẽ vẫn loay hoay với chuyện đói nghèo, lạc hậu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại