Ai đó thích Công Lý còn tôi kết Chí Trung
Nhà báo Hà Sơn: Ông được coi là "cha đẻ" của Táo Quân, vậy nhìn lại những chương trình ông từng tham gia ông có suy nghĩ gì?
NSND Khải Hưng: Táo Quân không phải là chương trình chúng tôi nghĩ ra đầu tiên. Nó xuất phát từ chương trình "Táo ông và Táo bà" của Đài truyền hình TP.HCM.
Bỗng nhiên một năm chúng tôi làm Gặp nhau cuối tuần có chương trình Gặp nhau cuối năm và rất nhiều format đưa ra bàn luận và cuối cùng quyết định sẽ làm Táo Quân.
Lúc đầu chỉ chọn Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng, chính vai Ngọc Hoàng cũng chọn vài người, Nam Tào, Bắc Đẩu cũng chọn vài anh và sau đó mới đóng đinh bộ ba Quốc Khánh, Công Lý, Xuân Bắc và đây là công sức của tập thể VFC, trong đó công sức của anh Đỗ Thanh Hải.
Chương trình Táo Quân lên sóng được nhiều người yêu thích là nhờ khâu kịch bản, diễn viên tung hứng ăn ý hay áp lực kịch bản liệu có được giữ nguyên hay đã bị cắt. Theo ông, trong ba khâu kể trên cái nào gây khó khăn cho những người sản xuất nhất?
- Theo tôi là cả 3. Đầu tiên là kịch bản, Táo Quân hầu như không có kịch bản cụ thể, chỉ là ý tưởng đưa cho diễn viên và họ tự bịa ra lời.
Luôn luôn phải có 4,5 thư ký ngồi ghi âm, ghi chép lại và phải thay đổi đến 4, 5 lần mới trở thành kịch bản hoàn chỉnh.
Tôi có những kỷ niệm không quên, đó vào ngày 30 tết cách đây chục năm khi Táo Quân hình thành, chiều 30 tết duyệt lần cuối với Tổng giám đốc của VTV.
Ông đề nghị cắt 3,4 chỗ mà thời điểm đó anh em dựng về hết, Đỗ Thanh Hải trốn vì đoán sẽ phải cắt chỗ này chỗ kia. Cuối cùng tôi phải gọi một anh kỹ thuật lên và cùng ngồi cắt để đưa sang cho Tổng giám đốc xem lần cuối trước khi nó được phát sóng.
Có khó khăn với ông không khi phải lựa chọn một nghệ sĩ đóng Táo Quân duyên dáng nhất?
- Chả có gì khó khăn cả. Có thể bạn thích Quốc Khánh, Công Lý nhưng tôi lại thích Chí Trung. Tôi thích cách ông ấy diễn, nhả chữ, sáng tạo và làm việc rất đúng giờ. Có thể tôi cũng thích những người khác nữa nhưng không thích bằng Chí Trung.
Nhiều khán giả nghĩ Táo Quân là chương trình tổng kết và năm nào phê phán ít dễ bị chê là nhạt. Ông nghĩ như thế nào khi mọi người mặc định Táo Quân chỉ phê phán những điều chưa làm được chứ không phải những điều đã làm được trong một năm?
- Thực ra những lời phê trên mạng xã hội còn mạnh, nhanh hơn nhiều và chúng ta đều biết hơn nhiều chứ Táo Quân chỉ là chương trình cuối cùng nói lại bằng góc độ hài hước chứ không phải Táo Quân mở đầu cho cuộc công kích về thói hư, tật xấu một vấn đề của xã hội.
Những vấn đề nóng bỏng của năm được đưa lên có vui có buồn chứ nói Táo Quân chỉ công kích xã hội thì không phải tiêu chí ấy.
Bộ phim "Mẹ chồng tôi" đưa tên tuổi ông đến với nhiều khán giả hơn vậy đây có phải là bộ phim ông yêu thích nhất?
- Nếu không có "Mẹ chồng tôi" sẽ không có Văn nghệ chủ nhật. Bộ phim bẻ ngoặt khuynh hướng làm phim vì thời gian ấy Sài Gòn rộ lên làm phim video, phim mì ăn liền và Mẹ chồng tôi xuất hiện một cách nhìn mới về cuộc sống.
Có thể nhiều người đánh giá phim thích nhất bằng giải thưởng nọ, giải thưởng kia nhưng tôi phim nào của mình cũng thích vì thích mới làm.
Khi còn nhỏ tôi có xem bộ phim "Lời nguyền của dòng sông" và đã rơi nước mắt vì xúc động. Trong hành hành làm phim hẳn ông thường xuyên nhận được những tình cảm của khán giả giống như tôi chia sẻ với ông ngày hôm nay?
- "Lời nguyền của dòng sông" là bộ phim nếu không có nó sẽ không có phim truyền hình. Đó không phải là phim lần đầu tiên tôi làm, hình như phim thứ 4,5 gì đó, nhưng những phim trước rơi tõm vào không trung.
Từ một truyện ngắn tôi chưa bao giờ đọc,chỉ nghe một anh kể lại, tôi bị ám ảnh bởi câu chuyện đó và đêm về kỳ cạch máy chữ bắt đầu tự hồi tưởng viết ra. Sau này tôi biết đó là truyện của anh Nguyễn Quang Thiều.
Sau khi làm xong, phim bị cấm chiếu, tôi chán nản 5, 6 tháng trời nhưng rất tình cờ băng phim vứt lăn lóc ở Hội điện ảnh, một ông ở hội điện ảnh gửi cho LHP quốc tế để xem thử và họ chọn phim đi tham dự phim quốc tế.
Tôi được mời dự liên hoan phim cũng nghĩ chẳng có cơ hội trúng giải vì khi làm phim kinh phí quá hẻo nhưng đêm trao giải họ bắt đầu đọc từ giải bét trở lên bằng tiếng Pháp tôi nghe lõm bõm hiểu.
Đến giải cuối cùng đọc đến phim của tôi, lúc ấy mới ngớ người ra.
Sau đó Đài truyền hình họp báo và công bố giải thưởng dành cho bộ phim của tôi. Nhờ giải thưởng ấy, phim mới bắt đầu được phát sóng.
Đợt phát sóng đầu tiên, tôi đổi phim "Mùa hoa cải bên sông" thành "Lời nguyền của dòng sông" nhưng Tổng giám đốc bắt tôi giữ nguyên tên "Mùa hoa cải bên sông".
Buổi chiếu đầu tiên bộ phim cũng được đón nhận nồng nhiệt của khán giả, sau đó phim được chiếu lại và trả lại đúng tên "Lời nguyền của dòng sông".
Bộ phim ấy có ý nghĩa bởi nếu không có giải, không có cuộc họp báo người ta chẳng bao giờ biết đến phim truyền hình là gì và từ đó tôi mới sản xuất đều đều các phim Mẹ chồng tôi, Gió qua miền tối sáng..
Ông vừa nhắc đến "Gió qua miền tối sáng" và bộ phim này ông mời diễn viên Lê Tuấn Anh tham gia cùng với những diễn viên miền Bắc. Với những ngôi sao nổi tiếng một thời từng hợp tác ông có thường xuyên liên lạc với họ? Ông nhận xét ra sao về diễn viên Lê Tuấn Anh?
- Tôi và Lê Tuấn Anh rất thân nhau. Gió qua miền tối sáng cũng là vai cuối cùng của Lê Tuấn Anh. Bởi khi anh ấy gặp tôi đã nghĩ tới giải nghệ vì muốn trở thành đạo diễn.
Tuấn Anh thi vào trường Sân khấu điện ảnh Hà Nội vào đúng lớp tôi chủ nhiệm. Đây là khóa đầu tiên tôi dạy và Lê Tuấn Anh là học trò.
Lê Tuấn Anh rất có khả năng làm phim nhưng kén phim. Anh ấy có làm vài ba bộ phim một tập chiếu trên truyền hình khá thành công.
Thế nhưng anh ấy không tiếp tục vì thấy điều kiện làm phim không thích hợp với anh ấy nữa chứ tôi đánh giá Lê Tuấn Anh rất có khả năng làm phim.