“Truyền thông hay nhắc đến tôi với danh xưng người Việt trẻ nhất từng nhận bằng tiến sĩ của Đại học Stanford nhưng tôi nghĩ điều đó hiện nay không còn phù hợp nữa bởi tôi cũng không còn trẻ nữa.
Nếu được lựa chọn một trong những điều tâm đắc nhất để chia sẻ, tôi sẽ nói về VietSeeds - quỹ học bổng dành cho sinh viên nghèo học giỏi do tôi và Vũ Văn đồng sáng lập từ năm 2011”, Thức Vũ - một trong những CEO Việt nổi tiếng nhất Thung lũng Silicon - mở đầu cuộc nói chuyện với Người Đồng Hành.
- Điều gì đã đưa anh - một cựu học sinh chuyên Tin trường THPT Năng Khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM) đến Mỹ và giữ chân anh ở lại quốc gia này gần 20 năm qua?
- Khi đang là học sinh cấp 3, tôi có ước mong là sẽ theo đuổi ngành công nghệ thông tin (CNTT). Lúc đó tôi bắt đầu sử dụng máy tính của Compaq với hệ điều hành của Microsoft. Tôi đã tìm hiểu và đọc nhiều về Bill Gates và câu chuyện phát triển công ty Microsoft của ông. Thật sự ngành CNTT đã mở ra một chân trời mới đối với tôi.
Mỹ trở thành một trong những lựa chọn đầu tiên cho việc đi du học vì đó là nơi có nền khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng phát triển nhất. Còn tại sao tôi vẫn ở lại đây. Đó là vì tôi hy vọng mình có thể làm cầu nối để đưa những gì tôi đã học hỏi, xây dựng được ở đây về Việt Nam góp phần xây dựng phát triển đất nước.
- Đâu là giai đoạn khó khăn nhất khi anh sống và khởi nghiệp tại Mỹ và có khi nào anh muốn bỏ cuộc để trở về Việt Nam?
- Tôi nghĩ mỗi giai đoạn của đời người đều có khó khăn riêng của nó và đều là điều khó khăn nhất con người phải đối mặt ngay tại thời điểm nó xảy ra. Về Việt Nam hay ở lại Mỹ không làm khó khăn biến mất. Với suy nghĩ như thế, tôi luôn tự nhủ cứ ráng qua được khó khăn này rồi nhìn lại thì sẽ lại thấy mọi chuyện dễ dàng thôi.
- Hiện giờ anh cùng lúc đảm nhiệm vị trí CEO tại 2 startup là OhmniLabs và Kambria. Anh có thể giới thiệu một chút về 2 startup này?
- OhmniLabs là công ty sản xuất nền tảng robot (robotics platform), với trụ sở sản xuất nằm trong Thung lũng Silicon. Chúng tôi phát triển các sản phẩm robot phục vụ cho nhiều lĩnh vực dịch vụ khác nhau dựa trên công nghệ in 3D tiên tiến nhất.
Hiện nay chúng tôi đã sản xuất hàng nghìn robot, có mặt trên 40 quốc gia, tập trung vào những lĩnh vực như là y tế, giáo dục và công sở.
Trong khi đó, Kambria là một nền tảng sáng tạo mở (open innovation platform) với mục đích thúc đẩy việc chia sẻ các nghiên cứu, sáng chế về trí tuệ nhân tạo và tự động hoá để giúp đưa nhiều sản phẩm công nghệ mới vào ứng dụng trong cuộc sống.
- Được biết dù đặt công ty tại Mỹ, Kambria lại có đội ngũ lập trình viên tại Việt Nam. Lý do anh quyết định làm điều này?
- Vì tôi tin rằng đội ngũ trẻ ở Việt Nam có khả năng sáng tạo và phát triển sản phẩm công nghệ không thua gì các bạn trẻ giỏi công nghệ ở bất kỳ nước nào khác. Ngoài ra tôi vẫn luôn có một hoài bão và quyết tâm là có thể đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng công nghệ cao tại Việt Nam.
- Đại dịch Covid-19 vừa qua đem đến những thuận lợi và thách thức gì cho các startup của anh?
- Chúng tôi sản xuất robot với niềm tin robot sẽ giúp đỡ con người biến những điều không thể thành có thể và mang đến nhiều giá trị trong cuộc sống cho người sử dụng. Robot trực tuyến Ohmni của chúng tôi đã từng giúp một người con ở xa kịp thời cứu mẹ mình dù anh không hề ở ngay cạnh bà ấy.
Trong đại dịch Covid-19, niềm tin của chúng tôi được củng cố qua việc Ohmni đã được đưa vào sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau để giúp mọi người khắc phục những khó khăn, hậu quả từ Covid-19.
Ví dụ như robot của chúng tôi đã có mặt tại nhiều bệnh viện để kết nối các bệnh nhân bị nhiễm bệnh với người thân cũng như là y tá, bác sĩ để giảm nguy cơ lây nhiễm. Trong đó có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Việt Nam. Ngoài ra robot của chúng tôi còn giúp các nhân viên công sở đi họp từ xa hoặc giám sát nhà máy sản xuất, giúp tư vấn sửa chữa từ xa.
Thách thức lớn nhất của chúng tôi hiện giờ là làm sao sản xuất robot cho kịp những đơn đặt hàng đang tăng nhanh mỗi ngày trong hoàn cảnh các đối tác sản xuất nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn và việc vận chuyển cũng có nhiều trở ngại.
- Trước OhmniLabs và Kambria, anh từng đồng sáng lập 2 startup khác là Katango và Tappy. Tại sao anh và các cộng sự quyết định bán đi 2 startup này?
- Vì chúng tôi nghĩ đây là quyết định tối ưu nhất tại thời điểm đó.
- Anh đã từng nghĩ đến việc bán OhmniLabs và Kambria như đã từng làm với Katango và Tappy? Theo anh khi nào người founder nên bán lại startup do mình sáng lập?
- Tôi chưa nghĩ đến việc đó. Tôi nghĩ sẽ không có công thức chung cho việc này. Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến quyết định có nên bán startup của mình hay không. Do đó, mỗi nhà sáng lập sẽ là người biết rõ nhất khi nào thì nên để việc đó xảy ra. Và mọi việc còn phụ thuộc vào thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
- Nếu có một lời khuyên cho các startup Việt để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này, anh sẽ nói gì?
- Thế giới luôn thay đổi cho dù đó là do Covid-19 hay một điều gì đó khác. Nên nếu phải nói gì đó cho các bạn trẻ đang khởi nghiệp, tôi mong các bạn có thể học cách thích ứng với thay đổi nhanh nhất có thể. Đừng nản chí khi thất bại mà hãy luôn tìm cơ hội bằng cách nhìn vấn đề từ một góc khác.
- Năm 2017, anh được tờ Silicon Valley Business Journal vinh danh trong top 40 cá nhân dưới 40 hoạt động nổi bật nhất tại Thung lũng Silicon. Khi được ban tổ chức giải thưởng đề nghị chia sẻ về người truyền cảm hứng và một từ đại diện cho niềm cảm hứng của bản thân, anh đã chọn cha và từ “lòng nhân ái”. Anh có thể tiết lộ lý do cho sự lựa chọn này?
- Cha tôi là người đã có rất nhiều ảnh hưởng đến việc phát triển và hình thành tính cách của tôi. Ông cũng là người đã truyền cảm hứng cho công việc và sự nghiệp của tôi. Một trong những điều cha mẹ tôi luôn khuyên bảo con cái là phải có lòng nhân ái đối với mọi người xung quanh.
Qua những trải nghiệm của bản thân, tôi cũng cảm nhận được lòng nhân ái sẽ mang đến những định hướng đúng đắn, đưa đến những điều tốt đẹp cho bản thân và những người xung quanh, tạo nên những giá trị bền vững. Vì thế, tôi luôn cố gắng đặt lòng nhân ái làm nền tảng trong mọi việc mình làm.
- “Lòng nhân ái” có phải xuất phát điểm để anh đồng sáng lập quỹ học bổng VietSeeds? Anh muốn gửi gắm thông điệp gì thông qua tên gọi của tổ chức này?
- Lòng nhân ái cũng là một phần. Một lý do khác là vì trong suốt hành trình cuộc sống của tôi đến ngày hôm nay, tôi may mắn được rất nhiều người giúp đỡ. Bạn đồng sáng lập quỹ học bổng VietSeeds cùng với tôi là Vũ Văn (CEO Elsa – PV) cũng có trải nghiệm tương tự. Chính vì thế chúng tôi muốn lập quỹ học bổng này với mong ước được phần nào đền đáp những ân huệ đó.
Lý do chúng tôi chọn tên VietSeeds - hạt giống Việt - vì chúng tôi tin rằng tương lai của một dân tộc nằm ở những thế hệ hạt giống mới. Vì thế, chúng tôi hy vọng rằng việc giúp đỡ các hạt mầm này nảy nở trong môi trường giáo dục mà lòng nhân ái và sự biết ơn là trọng tâm sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái bền vững.
Trong hệ sinh thái đó, các hạt giống đã nảy mầm thành cây cao sẽ chia sẻ và giúp đỡ cho các hạt giống thế hệ tiếp theo.
- Quỹ học bổng này đã hỗ trợ các sinh viên những gì và sinh viên nhận học bổng này có phải cam kết gì?
- VietSeeds chú trọng đến phát triển toàn diện cho các bạn sinh viên. Ngoài việc giúp các bạn trang trải học phí, chúng tôi còn tổ chức các lớp kỹ năng mềm để giúp các bạn hoàn thiện hơn và chuẩn bị tốt cho việc tốt nghiệp và tìm việc làm.
Chúng tôi còn thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa để các bạn trong quỹ học bổng VietSeeds gắn kết với nhau hơn và rèn luyện lòng nhân ái, tinh thần giúp đỡ cộng đồng xung quanh các em.
Thêm vào đó, mỗi bạn sẽ có cố vấn riêng là những người đi trước để các em có thêm kiến thức vững vàng hơn khi phải đối mặt với những quyết định quan trọng hay những khó khăn trong cuộc đời. Và ngay trước khi tốt nghiệp, các em sẽ được chúng tôi hỗ trợ tìm việc làm phù hợp với khả năng.
Vì vậy có thể nói chúng tôi rất tự hào vì 100% sinh viên VietSeeds ra trường đều có việc làm, thậm chí nhiều bạn có kinh nghiệm đi làm nhiều năm từ khi còn ngồi trên giảng đường.
Hiện nay VietSeeds đã hỗ trợ tổng cộng hơn 500 bạn sinh viên với hơn 1.500 suất học bổng trên khắp cả nước. Và cam kết duy nhất đó là các bạn hãy tiếp tục tri ân cuộc đời bằng cách giúp đỡ những thế hệ tiếp nối và những hoàn cảnh khó khăn hơn mình bất cứ khi nào có thể theo đúng tinh thần "Pay it forward" của VietSeeds.
- Đến nay sau gần 10 năm ra đời, điều gì làm được ở VietSeeds khiến anh tâm đắc nhất?
- Bước vào năm hoạt động thứ 10 của VietSeeds (năm học 2020-2021), chúng tôi rất biết ơn sự đồng hành của những người bạn, những mạnh thường quân và những đồng nghiệp đã luôn bên cạnh VietSeeds từ những ngày đầu tiên.
Chúng tôi kiến tạo nên quỹ học bổng đầu tiên ở Việt Nam với sự hỗ trợ toàn diện cho một con người thông qua mô hình kiềng ba chân: Tài chính - Đào Tạo - Mentor.
Nếu 10 năm trước chúng tôi vẫn còn mày mò rất nhiều trên hành trình xây dựng một mô hình quỹ học bổng với những giá trị khác biệt đặc thù trên, thì 10 năm sau chúng tôi thật sự vui mừng khi ngày càng có nhiều quỹ học bổng với mô hình tương tự đã xuất hiện để hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế với sự tận tâm và lòng nhân ái.
Như vậy hành trình chúng tôi đã và đang làm không chỉ tác động đến hơn 500 sinh viên nhận học bổng VietSeeds mà đến cả 500 gia đình, 500 cộng đồng nơi các em thuộc về và xa hơn nữa là sự lan toả những điều tốt đẹp đến với xã hội cho những thế hệ tiếp nối sau này.
- Ngoài hoạt động của VietSeeds, anh còn đồng thành lập tổ chức VietAI giúp Việt Nam phát triển trí tuệ nhân tạo. Mục tiêu cụ thể của tổ chức này là gì?
- Mục tiêu của VietAI là tạo ra một cộng đồng các chuyên gia tầm cỡ quốc tế về trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, phát triển những sản phẩm công nghệ cao để giải quyết không chỉ những vấn đề của Việt Nam mà còn cho thế giới.
Chúng tôi tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một trong những trung tâm công nghệ và sáng tạo của thế giới nếu các tiềm năng trẻ được tiếp cận với những kiến thức cấp tiến nhất và được đào tạo bài bản ngay từ những ngày đầu tiên.
- Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vừa kỷ niệm 20 năm phát sóng. Nhiều năm qua dư luận vẫn luôn tranh cãi về việc phần lớn các quán quân của cuộc thi này sau khi du học không trở về nước.
Là một người Việt có nhiều năm sống và làm việc tại nước ngoài nhưng vẫn có rất nhiều đóng góp cho quê hương, anh có thấy “chạnh lòng” khi đọc được những bình luận tiêu cực về vấn đề này?
- Ai cũng có quyền đưa ra ý kiến riêng của mình. Mỗi người đều có trải nghiệm riêng, thế nên cách mỗi người thực hiện lý tưởng riêng của mình cũng sẽ rất khác nhau, khó mà so sánh. Hơn nữa khi không trở về bước, có nhiều người vẫn có thể đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Tôi chỉ tập trung cố gắng làm tốt phần việc của mình và không suy nghĩ quá nhiều về các bình luận đến từ bên ngoài.
- Anh từng chia sẻ “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành tỷ phú”. Nhưng có rất nhiều nhà sáng lập tại Thung lũng Silicon trở thành tỷ phú qua một đêm. Giả sử sáng mai khi thức dậy, anh thấy mình sở hữu tài sản tỷ USD, anh sẽ làm gì đầu tiên?
- Tôi sẽ gọi đến ngân hàng để xác minh là không có sai số nào ở đây (cười).
- Cảm ơn anh!
Bài: Diệu Tuyết
Thiết kế: Bảo Linh