Trong cuộc họp truyền thống diễn ra hôm 31/1 tại trụ sở công ty, CEO Uber đối mặt với nhiều câu hỏi từ các nhân viên đang bối rối. Thời gian gần đây, dịch vụ đi chung xe bị cáo buộc lợi dụng cuộc biểu tình tại sân bay chống lại sắc lệnh cấm nhập cảnh của tân Tổng thống Mỹ để kiếm lợi.
Tuy nhiên, một vấn đề khác cũng khiến nhân viên bức xúc, đó chính là bản thân ông Kalanick. Ông đã tham gia vào Ban cố vấn kinh tế của ông Trump vào tháng 12/2016. Sau lệnh cấm người tị nạn và 7 quốc gia Hồi giáo, nhiều nhân viên Uber băn khoăn vì sao ông Kalanick vẫn sẵn sàng đưa ra lời khuyên cho Tổng thống. Ít nhất, hai người đã hỏi CEO của mình về vấn đề này trong cuộc họp.
Vài người nói với ông Kalanick rằng làm việc tại Uber là một điều sỉ nhục. Ngày hôm sau, họ gửi cho ông chủ một tài liệu Google dài 25 trang để bày tỏ vì sao và như thế nào mà sợi dây giữa ông và chính quyền mới ảnh hưởng đến họ.
Hôm 2/2, ông Kalanick đã có câu trả lời trong email gửi tới nhân viên. Ông sẽ rời khỏi hội đồng cố vấn của ông Trump. Theo New York Times, quyết định của CEO Uber phần nào khắc họa rủi ro mà các lãnh đạo Silicon Valley đang gặp phải khi cố gắng hợp tác với chính quyền mới. Mặt khác, nhiều người lại công khai liên kết với Tổng thống để kinh doanh thuận lợi hơn.
Dù vậy, cho đến nay, sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump bị nhiều người làm trong ngành công nghệ đả kích. Nhiều người trong số họ là người nhập cư và ủng hộ toàn cầu hóa. Họ đang gây áp lực lên các ông chủ.
Chẳng hạn, nhân viên Facebook cũng lên tiếng phẫn nộ khi Peter Thiel, một nhà đầu tư tỷ phú và cố vấn cho Tổng thống Trump, vẫn có ghế trong ban quản trị mạng xã hội. Tại Google, nhân viên tiến hành các cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm nhập cảnh. Tại thủ phủ Twitter, vài người nói họ không thoải mái khi ông Trump vẫn phụ thuộc mạnh mẽ vào dịch vụ này để gửi đi các thông điệp gây chia rẽ.
Căng thẳng được đẩy lên cao độ tại Uber vì trước ngày 2/2, CEO Kalanick chính là một trong những người trong giới công nghệ ủng hộ tân Tổng thống mạnh nhất. Không chỉ chịu áp lực từ nội bộ, Uber còn gặp khó khăn khi đã có hơn 200.000 khách hàng xóa tài khoản.
Thêm vào đó, các đối thủ Uber cũng tận dụng cơ hội để tấn công công ty và củng cố kinh doanh. Hiệp hội tài xế taxi New York đã gửi email cho báo chí kêu gọi chú ý đến mối liên kết của Uber với ông Trump, tổ chức cuộc biểu tình tại văn phòng New York. Lyft, dịch vụ cạnh tranh với Uber, cam kết đóng góp 1 triệu USD cho American Civil Liberties Union và chứng kiến ứng dụng nhảy vọt trên bảng xếp hạng lượt tải.
Lái xe của Uber, nhiều người là dân nhập cư, cũng tỏ ra bối rối. Jim Conigliaro Jr., nhà sáng lập tổ chức bảo vệ cho gần 50.000 tài xế Uber tại New York, cho rằng nếu không có người nhập cư, không có Uber. Dịch vụ đã mở quỹ phòng vệ pháp lý 3 triệu USD để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống.
Với bản thân ông Kalanick, thời khắc này đặc biệt khó xử. Các lãnh đạo doanh nghiệp khác như Elon Musk của Tesla, Mary Barra của GM, đều vẫn nằm trong Ban cố vấn của ông Trump. Trên Twitter, ông Musk cho biết nhóm cố vấn sẽ thảo luận về vấn đề nhập cư và gây ảnh hưởng lên ông Trump thông qua kết nối trực tiếp thay vì cắt đứt hoàn toàn.
Trong email gửi nhân viên, ông Kalanick viết: “Nhập cư và cởi mở với người tị nạn là điều quan trọng với thành công của đất nước chúng ta và với Uber… Xin hãy biết rằng, các câu hỏi và câu chuyện hôm thứ Ba của các bạn, cùng những gì tôi lắng nghe từ tài xế, đã làm cho tôi trở nên kiên cường và nhắc nhở tôi về một trong các giá trị văn hóa cơ bản nhất của chúng ta: Là chính mình”.