Trải qua 6 năm, từ khi TopCV chỉ là nền tảng hỗ trợ các bạn trẻ viết CV đến top 2 thị trường tuyển dụng Việt Nam (theo Alexa), bài học kinh doanh nào anh thấy nhớ nhất?
Với tôi, bài học kinh doanh đáng nhớ nhất là không bao giờ được từ bỏ và luôn cố gắng hết sức để theo đuổi những gì mình tin tưởng, những thứ sẽ tốt cho thị trường, tốt cho hoạt động kinh doanh của công ty.
Từ kinh nghiệm bản thân, anh nghĩ khi có ý tưởng kinh doanh rồi, các bạn trẻ nên tiếp tục triển khai thế nào?
Ý tưởng kinh doanh mọi người hay nói vui chỉ đáng giá một cốc bia và ai cũng có thể nghĩ ra rất nhiều ý tưởng. Tuy nhiên để biến ý tưởng thành hiện thực cần nhiều hơn thế. Đầu tiên bạn cần hiểu rõ ý tưởng có khả năng triển khai thành mô hình kinh doanh trong tương lai hay không bằng cách nghiên cứu sơ bộ thị trường, nghiên cứu nhu cầu khách hàng. Sau đó nếu thấy có nhu cầu và muốn phát triển tiếp thì mình cần làm nhiều thứ hơn, như phải chuẩn bị nguồn lực, tài chính, con người, thời điểm…. để bắt đầu ý tưởng kinh doanh đó. Quan trọng là chuẩn bị tinh thần, sự đam mê nhiệt huyết để sẵn sàng theo đuổi đến cùng.
Với những người mới bắt đầu, có nên vay vốn bạn bè, gia đình để khởi nghiệp không hay nên tự tích lũy trước?
Mọi người hay nói có tiền mới khởi nghiệp được, điều này không sai. Chúng ta có mô hình 3F: Family - gia đình, Friends - bạn bè, Fund - nhà đầu tư. Đầu tiên bản thân founder phải tự bỏ vốn trước đã, mình phải tin tưởng vào mình, tự bỏ tiền bạc thì người khác mới tin tưởng vào mình. Rồi sau mình sẽ trao đổi với người thân, bạn bè. Chuyện gia đình, bạn bè góp vốn nhiều hay ít không quá quan trọng, mà quan trọng là khi bạn đã thuyết phục được người thân của mình, lúc ấy mới nghĩ đến câu chuyện thuyết phục người ngoài.
Được biết ngay trong mùa dịch, anh đã gọi thành công 10 tỷ đồng từ quỹ đầu tư của Shark Bình. Và trước đó anh cũng từng gọi vốn thành công từ quỹ Nexttrans. Vậy theo anh các startup nên làm gì trước khi gọi vốn?
TopCV có nhiều may mắn khi đến thời điểm hiện tại, tổng số vốn công ty đã gọi là gần 1 triệu USD và số vốn ấy được sử dụng tương đối hiệu quả, tiết kiệm. Tôi nghĩ với startup trong quá trình kêu gọi đầu tư, cần hiểu bài toán kinh doanh của mình là gì; nếu được đầu tư thì tiền đó dùng vào việc gì và phải chứng minh được nguồn lực mới sẽ giúp công ty phát triển hơn trong tương lai ra sao.
Khi nào là thời điểm gọi vốn thích hợp, theo anh?
Không phải lúc nào thích là gọi vốn được. Quan trọng với startup là người founder cần hiểu rõ mình cần tiền làm gì, mục tiêu đó phải rõ ràng. Thời điểm thích hợp là công ty đang trên đà mở rộng, cần phát triển, cần nguồn lực tài chính để đầu tư công nghệ, con người, đẩy mạnh hiệu quả kinh doanh,... Việc gọi vốn cũng phải đúng thời điểm nữa, ví dụ thời điểm thị trường đang có nhiều nguồn vốn sẵn sàng đầu tư hoặc thời điểm sản phẩm, doanh thu của công ty đang rất tốt, đó là những lúc thích hợp để gọi vốn.
Như vậy đợi gần hết kinh phí mới gọi vốn thì đã muộn?
Thường khi kinh doanh, chúng ta phải có kế hoạch từ trước, không thể đợi đến lúc không biết làm thế nào nữa mới gọi vốn, như vậy là hơi muộn. Với startup đi theo con đường raise fund (gọi vốn, PV), cần làm điều đó liên tục và có lộ trình rõ ràng.
Nếu bị nhà đầu tư từ chối, startup nên làm thế nào để sốc lại tinh thần?
Startup bị nhà đầu tư từ chối là chuyện bình thường. Quan hệ giữa nhà đầu tư và công ty khởi nghiệp cũng giống quan hệ giữa vợ chồng hay các cặp đôi, phải có sự hòa hợp thì hai bên mới đi lâu dài với nhau và ra được kết quả tốt đẹp. Chúng ta cũng cần hiểu với nhà đầu tư thì mỗi người sẽ có khẩu vị khác nhau, phong cách rót vốn khác nhau. Việc một nhà đầu tư từ chối bạn không có nghĩa startup của bạn chưa đủ tốt, chỉ đơn giản là bạn chưa phù hợp với khẩu vị và chiến lược của quỹ đó. Việc startup cần làm là liên tục tiếp cận càng nhiều quỹ đầu tư với khẩu vị khác nhau càng tốt.
Khởi nghiệp là câu chuyện không dành cho số đông. Vậy số ít còn lại phải có những tiêu chí gì thì mới nên nghĩ đến chuyện khởi nghiệp?
Khởi nghiệp nói riêng và làm kinh doanh nói chung không dành cho số đông. Vì kinh doanh không phải câu chuyện dễ dàng. Người khởi nghiệp là người cần kiên trì, quyết tâm và có niềm đam mê đủ lớn, bởi không phải cái gì làm ra cũng được thị trường hiểu và chấp nhận ngay. Theo tôi, đó là những con người có khả năng xây dựng mục tiêu rõ ràng và luôn theo đuổi mục tiêu đó đến cùng. Ngoài ra, cũng cần chuẩn bị đủ nguồn lực về tài chính, con người, chiến lược, cách thức vận hành…Có thể giai đoạn đầu chưa cần nhiều nhưng để công ty đi nhanh hơn trong tương lai, người sáng lập không thể thiếu những yếu tố đó.
Khi khởi nghiệp, có nên nghĩ đến chuyện tình cảm không?
Tôi cho rằng nhu cầu tâm sinh lý của một con người, nhu cầu về đam mê, khát vọng, tiền bạc, tình cảm là điều hết sức bình thường. Chúng ta nên suy nghĩ theo hướng tích cực cởi mở hơn, cái gì đến sẽ cần phải đến. Tình cảm cũng giống như một cái duyên, khởi nghiệp cũng là duyên, kinh doanh cũng là duyên, hay để mọi thứ thuận theo tự nhiên. Nếu hiện tại bạn thấy cần tập trung kinh doanh, hãy cứ làm việc đó, nhưng còn khi nào tình cảm đến thì không ai trả lời được. Quan điểm của tôi là mọi thứ đều có cơ duyên và lý do của nó.
Các câu chuyện khởi nghiệp trên báo chí, và ngay của bản thân anh, có vẻ như đều màu hồng. Nhưng với anh, phía sau hào quang trên là gì?
Tôi hãy chia sẻ điều tích cực về công ty, về bản thân trên Facebook. Tôi thấy với bất kỳ công ty khởi nghiệp nào, đặc biệt các công ty khởi nghiệp công nghệ, sẽ có muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên tôi quan điểm bạn làm nghĩa là bạn đã chấp nhận dấn thân; bạn hiểu khó khăn chắc chắn sẽ xảy ra và cần tìm mọi cách vượt qua để đi về phía trước. Câu chuyện là mình không nên đặt nặng hay suy nghĩ nhiều về khó khăn, mà hãy tìm ra cách giải quyết. Những gì tôi trải qua không hoàn toàn màu hồng nhưng tôi cho rằng, nếu xây dựng tâm thế khác, coi khó khăn là một trải nghiệm cần vượt qua thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều.
Với những startup đã thất bại, chúng ta nên có thái độ nhìn nhận thế nào?
Báo chí hay nói 99% startup thất bại, có người nay làm tốt mà mai đã thất bại rồi, tôi cho đó là câu chuyện bình thường, không có gì nghiêm trọng. Như ở Silicon Valley, người ta nói về thất bại như một điều tự nhiên, còn Việt Nam, có thể mọi người chưa quen lắm và ngại bị lời ra tiếng vào.
Tôi cho rằng một người khi dám khởi nghiệp, dám dấn thân tới cùng thì dù thành công hay thất bại, họ đều đáng được trân trọng. Họ đã dám làm những điều khác biệt so với số đông. Thất bại hôm nay không có nghĩa họ sẽ tiếp tục thất bại trong tương lai, mà tôi tin trải nghiệm trên hành trình ấy sẽ là cơ sở để họ trưởng thành. Đôi khi trải nghiệm trên hành trình khởi nghiệp còn giá trị hơn kết quả cuối cùng.
Nhiều CEO làm việc 16-18 tiếng/ngày, không biết anh thì sao?
Mọi người hay hỏi ngày làm 8,10 hay 12 tiếng là đủ? Bản thân tôi không quá chú trọng một ngày làm bao nhiêu giờ, một năm, một tháng làm bao nhiêu giờ. Với tôi đó là hành trình của trải nghiệm. Tôi sẽ phải trả lời thế nào khi nhiều lúc đang ăn cũng nghĩ gì đó về công việc, về sản phẩm, về vấn đề của công ty. Thậm chí đang đi chơi cũng vẫn suy nghĩ. Tôi cho rằng cần có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố trong cuộc sống, nhưng luôn cần sự quyết liệt trong công việc để đem lại hiệu quả tốt.
Với người bận rộn việc cân bằng quả thực không dễ. Có khi nào anh rơi vào tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Ai cũng hướng đến sự cân bằng trong cuộc sống. Tôi cho rằng yếu tố cân bằng rất quan trọng nhưng cân bằng không thể hiểu đơn giản là làm ra làm chơi ra chơi, hay làm nhiều hơn chơi. Cân bằng nên là cách thức tinh thần bạn tự cân đối và biết rằng thời điểm nào nên đẩy mạnh cái gì hoặc cắt giảm cái gì một cách linh hoạt, đó mới là điều quan trọng. Dĩ nhiên trong kinh doanh có nhiều lúc rất đau đầu, stress, nhiều khi muốn cân bằng nhưng chưa chắc làm được điều đó. Tôi nghĩ đã làm kinh doanh thì nên chấp nhận và hiểu đó là một phần tất yếu cần trải qua.
Nhiều người trẻ hiện nay đang dồn toàn lực để phát triển sự nghiệp, thậm chí có phần "bán mạng". Anh nghĩ sao về điều này?
Tôi nghĩ tùy quan điểm từng người. Thế hệ trẻ ngày nay, đặc biệt là Gen Z, có khá nhiều thay đổi khi các bạn ấy muốn tìm đến sự cân bằng, làm ra làm, chơi ra chơi, khác hẳn với thế hệ 8x, 9x đời đầu. Tôi cho rằng sự thành công hay kết quả tốt không tự nhiên mà đến, tất cả cần có quá trình phấn đấu và cần sự đánh đổi. Bạn thông minh, xuất sắc không đồng nghĩa là bạn sẽ làm tốt công việc. Quan trọng là bạn phải chăm chỉ, quyết liệt và có một mục tiêu theo đuổi đến cùng.
Trong một quá trình đi làm, chúng ta cũng nên linh hoạt theo từng giai đoạn. Có thời điểm sinh viên, tôi một ngày chỉ ngủ 2-3 giờ còn lại tập trung cho công việc. Bởi lúc ấy tôi có sức khỏe, có tuổi trẻ. Nhưng sang đến 30, 40 tuổi, không phải ai cũng đủ sức làm như vậy. Câu chuyện là chúng ta nên nghĩ thời điểm nào cần dồn toàn lực, cố gắng phấn đấu hết sức mình để hy vọng có kết quả tốt đẹp. Nếu chỉ bỏ thời gian ra như những người khác thì cơ sở thành công rất ít và rất khó, vì sự xuất sắc và thành công vốn không dành cho số đông
Ở vị trí CEO một đơn vị chuyên về tuyển dụng, anh đánh giá cao ứng viên biết cân bằng hay ứng viên sẵn sàng cống hiến hết mình cho công việc?
Tôi muốn tìm thấy những ứng viên thông minh. Thông minh ở đây không có nghĩa là IQ rất cao, mà thông minh trong việc hiểu được thời điểm nào nên làm gì. Có thời điểm các bạn có thể thư giãn được nhiều hơn nhưng cũng có thời điểm các bạn cần cố gắng làm việc để đạt hiệu quả cao nhất. Tôi và nhiều doanh nghiệp cần những nhân sự cháy hết mình trong công việc, còn đi làm chỉ để cân bằng với cuộc sống có lẽ là chưa đủ với các doanh nghiệp.
Tất nhiên với một công ty có nhiều nhóm nhân sự khác nhau, không thể đòi hỏi 100% mọi nhân sự đều như vậy. Nhưng về tinh thần, tôi cho rằng các bạn trẻ nên cố gắng sức và theo đuổi đến cùng tại bất kỳ môi trường nào mà mình đang gắn bó. Như vậy các bạn sẽ có sự phát triển vượt bậc trong tương lai.
Trong giai đọan Covid-19 tác động mạnh tới thị trường tuyển dụng, ứng viên cần chuẩn bị những gì để tăng khả năng tìm được việc làm?
Covid-19 gây ra tác động mạnh mẽ khiến mọi thứ thay đổi, nhiều doanh nghiệp cũng phải thay đổi, thậm chí có những cách làm truyền thống giờ không thể áp dụng được nữa. Với các bạn ứng viên, các bạn cần xác định tâm thế là mọi thứ thay đổi rất nhanh. Thời buổi bây giờ, các bạn cần cập nhật công nghệ, sử dụng các công cụ không chỉ là tin học văn phòng như Word, Excel, Power Point mà còn có thể là những công nghệ liên quan đến phân tích dữ liệu, xử lý số liệu,…rồi còn rất nhiều kỹ năng mới. Đương nhiên không thể thiếu tiếng Anh và các kỹ năng về giao tiếp. Những kỹ năng này nên được trau dồi ngay khi còn đi học, hoặc bạn nào đang đi làm cũng nên bổ sung ngay.
Trong thời đại mới này, người lao động nên xác định tư duy sẵn sàng thay đổi, thích ứng, học hỏi, áp dụng công nghệ vào giải quyết công việc. Tôi cho rằng đó là điểm rất cần chú ý cho những ai tìm kiếm cơ hội việc làm trong tương lai.