Sau đây là những chia sẻ của anh với PV về đự định này:
Do đâu anh có ý tưởng kêu gọi giải thưởng này cho khởi nghiệp ở Việt Nam?
Tôi có ý tưởng này sau khi đọc bài chia sẻ ngắn của Scott, một thành viên cộng đồng khởi nghiệp Launch mà tôi là thành viên Ban quản trị.
Scott có nói rằng “1 công ty thật sự thì phải có doanh thu thật và khách hàng thật” và ở rất nhiều các sự kiện khởi nghiệp thì mục tiêu này chưa được các khởi nghiệp chú trọng. Scott có nói đến 2 khởi nghiệp hoàn thành xuất sắc việc này đó là DesignBold & HotTab.
Tôi ủng hộ quan điểm này của Scott, và tôi nghĩ mục tiêu về doanh thu, khách hàng trả tiền thực sự mới là yếu tố sống còn của một khởi nghiệp, chứ chưa nhất thiết phải nhận được vốn đầu tư triệu đô này, triệu đô kia.
Cũng vì thế, tôi muốn đưa ra một mục tiêu là kêu gọi tổ chức giải thưởng này, để kích thích các công ty khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hướng tới những mục tiêu thực tế đó là khách hàng và doanh thu.
Tôi chọn cái mốc 30.000 USD vì nó là một cái mốc tôi đặt ra cho chính DesignBold về doanh thu/ngày, như một thách thức cho các thành viên trong nhóm. Và con số này sẽ là một sự khuyến khích các công ty khởi nghiệp sáng tạo khác của Việt Nam, để họ có thể làm những điều tương tự.
Nguồn tiền cho giải thưởng anh định huy động từ đâu?
Trước tiên, nguồn tiền cho giải thưởng sẽ lấy từ doanh thu của ngày có doanh số cao nhất mà DesignBold đạt được, tức là số tiền doanh thu ngày cao nhất đó sẽ được đóng góp vào phần thưởng này.
Tôi cũng sẽ kêu gọi thêm sự đóng góp từ các công ty khởi nghiệp sáng tạo khác, cũng như các tổ chức, cá nhân, hoặc ban ngành nhận thấy sự cần thiết của “giải thưởng” này.
Hiện tại có một số doanh nghiệp cũng như các startup đã trưởng thành với lượng người dùng lớn như FPT, HP, Cốc Cốc, MOG, SMCC, Big Cat Entertainment và một số đơn vị khác cho biết họ sẵn sàng tham gia hỗ trợ cùng chúng tôi trong chiến dịch này.
Các cơ quan truyền thông như VTV, ICTnews, DanTri, VNExpress cũng sẽ đồng hành cùng.
Anh nhận xét như thế nào về phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian qua?
Hiện nay tôi thấy khởi nghiệp sáng tạo đang là một phong trào - ai cũng muốn khởi nghiệp, từ các bạn sinh viên còn đang ngồi trên ghế giảng đường tới các bạn nhân viên, tới những người lớn tuổi có đam mê đóng góp cho xã hội.
Ở đây, tôi đang muốn nhấn mạnh tới số lượng. Còn về chất lượng, quả thực vẫn còn rất ít các công ty sáng tạo khởi nghiệp thực sự tạo ra thêm giá trị cho xã hội - từ việc làm, tới tiền bạc và sự sáng tạo, đổi mới, năng suất lao động.
Có những công ty mới thành lập đã “go global”, tạo ra doanh thu, được ghi nhận trên thị trường quốc tế, như Got It, Elsa, v.v… tuy nhiên con số này vẫn còn đếm được trên đầu ngón tay và tôi thấy vẫn còn quá khiêm tốn! Điều này là một điều rất đáng suy nghĩ!
Cá nhân tôi nghĩ đã tới lúc chúng ta biến phong trào khởi nghiệp thành văn hóa khởi nghiệp sáng tạo. Bởi vì phong trào chưa chắc đảm bảo có giá trị, nhưng văn hóa thì sẽ có giá trị.
Các khởi nghiệp Việt Nam muốn thành công theo anh nên đi theo con đường nào trong thời gian tới?
Tôi chưa rõ ý bạn về con đường tức là thị trường hay thế nào, nhưng tôi có một niềm tin vững chắc rằng các công ty khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam, dù tập trung vào thị trường quốc tế hay thị trường nội địa, đều cần có tư tưởng “get real - thực tế” trong từng đường đi nước bước của các bạn.
Các bạn cần xem xét cực kỳ nghiêm khắc và nghiêm túc liệu sản phẩm của các bạn có phải là sự sáng tạo không, sự sáng tạo đó có giải quyết một vấn đề của xã hội không, công ty khởi nghiệp sáng tạo của các bạn có đóng góp cho xã hội chưa, về việc làm, tiền bạc, giá trị cho khách hàng, v.v…
Anh có đề xuất gì cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới hay không?
Đề xuất thì nhiều lắm, tuy nhiên tôi thiết nghĩ cái cần thiết nhất là các bạn làm sáng tạo khởi nghiệp nên mở rộng giao lưu, học hỏi lẫn nhau và cố gắng hợp tác với nhau trong quá trình kinh doanh. Sự hợp tác bao giờ cũng là có lợi.
Mà đã là khởi nghiệp sáng tạo, nhằm tạo giá trị cho cộng đồng, thì phải có người đồng hành, và tìm người đồng hành không gì tốt bằng hợp tác cùng tạo ra doanh số.
Làm được như vậy, công ty sáng tạo khởi nghiệp không chỉ còn là việc đi thuyết trình về ý tưởng nữa, mà là trở nên có thật, giải quyết những vấn đề có thật của xã hội, tạo ra nền sinh thái thật, tạo ra văn hóa khởi nghiệp thật chất.