Mới đây, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã có một bài đăng thu hút được nhiều sự chú ý trên mạng xã hội. Bài đăng đưa ra nhận định của CEO BKAV về việc các reviewer tại Việt Nam "không đủ trình độ chuyên môn", đánh giá sản phẩm "theo những gì nhà sản xuất đưa cho họ" và "nhận được nhiều tiền, thường xuyên thì có xu hướng nói tốt".
Vụ việc bắt nguồn từ đầu tuần này, khi BKAV mở bán tai nghe AirB và AirB Pro. Một số reviewer công nghệ tại Việt Nam đã mua và đăng tải các bài đánh giá lên Youtube và các mạng xã hội. Hầu hết các reviewer đều đánh giá AirB không có ưu điểm rõ ràng so với các sản phẩm đến từ các thương hiệu khác, khi chiếc tai nghe này có chất âm không có gì nổi trội, trong khi chất lượng hoàn thiện lại không cao và gặp phải một số vấn đề về kết nối.
Những đánh giá này trái ngược hoàn toàn so với những tuyên bố của BKAV và CEO Nguyễn Tử Quảng, khi từng khẳng định rằng AirB "có chất âm tương đương các sản phẩm giá gấp đôi", "thiết kế cao cấp", "hoàn thiện tinh xảo"...
Không đủ trình độ chuyên môn !
Đây là nhận xét của tôi trong tư cách một nhà sản xuất công nghệ, đối với phần lớn những người được gọi là "reviewer" công nghệ hiện nay.
Những người này sống dựa vào các nhà sản xuất công nghệ như Bkav hay Apple, Samsung và các sản phẩm đến từ Trung Quốc. Một cách trực tiếp hay gián tiếp họ nhận tiền để nói về các sản phẩm công nghệ của các nhà sản xuất.
Việc nhận tiền, ở một khía cạnh nào đó là có thể chấp nhận được, coi như trả công làm việc cho họ. Tuy nhiên, như đã nói, phần lớn những người này không có trình độ chuyên môn vì không được làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất, để hiểu các công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất sản phẩm, từ cơ khí, điện tử, phần mềm, đến các quy trình sản xuất công nghiệp.
Do không có trình độ chuyên môn, nên khi đánh giá sản phẩm, họ hầu như sẽ nói theo những gì nhà sản xuất đưa cho họ. Như vậy, họ không giữ được sự khách quan, độc lập của một reviewer đúng nghĩa. Nhận được nhiều tiền, thường xuyên thì có xu hướng nói tốt cho nhà sản xuất tương ứng. Không đưa tiền thì không nói.
Nhận thấy bản chất của nhóm "reviewer" nói trên, với cách làm như vậy không giúp ích gì cho người tiêu dùng, cho thị trường, chúng tôi quyết định kể từ năm nay không làm việc với họ nữa.
Quả nhiên mọi sự thật, góc khuất của giới "reviewer" đã phơi bày rõ ràng hơn bao giờ hết. Các bạn có thể dễ dàng nhận thấy qua sự kiện ra mắt tai nghe True wireless AirB của Bkav vừa qua.
Một anh chàng say sưa về âm thanh tai nghe, với các biểu đồ, đặc tuyến có vẻ như chuyên môn cao, chê AirB tơi bời. Nhưng quả thực anh ta không có những kiến thức tối thiểu về tín hiệu điện tử, âm thanh.
Đơn cử anh này nói AirB không có dải tần từ 5Hz nên âm bass kém, rồi anh ta cùng một "reviewer" khác đùa cợt đến mức lố bịch. Ô hay kiến thức cơ bản, dải tần tai người có thể nghe được là từ 20Hz đến 20KHz. Mọi loa hay tai nghe trên thị trường đều vậy, trừ một số loại có giá tới hàng tỷ VNĐ hỗ trợ đến mức 16Hz là thấp nhất, cho những người có thính lực đặc biệt.
Các bạn Google hộ tôi "Magico M9", sẽ ra một bộ loa có giá đến 17 tỷ VNĐ, được nhấn mạnh là hỗ trợ dải tần SIÊU RỘNG từ 18Hz. Anh bạn "reviewer" nói trên nói AirB không hỗ trợ dải tần từ 5Hz nên bass kém, thì thật là không thể tin nổi.
Anh bạn nói trên còn được giới "reviewer" gọi là giáo sư, chắc vì đưa mấy thứ có vẻ như chuyên môn cao ra làm cho các "reviewer" khác hoa mắt. Vậy thì các bạn thấy, TIN LÀM SAO NỔI những "reviewer" này.
Một "reviewer" khác nghe nói cũng nút vàng nút bạc gì đó, ngay đầu clip đã tự nhận mình TAI TRÂU, ấy vậy mà sau đó cậu ta vẫn vô tư đánh giá và chê chất âm của sản phẩm. Ô hay chắc cậu ta quen nói theo những gì nhà sản xuất đưa cho đến nỗi không nhận ra sự phi lý này, đã tai trâu rồi còn đánh giá âm thanh sao được.
Một kênh có lượng view hàng đầu thì "cho" chất âm 5 điểm bằng nhận xét: "Chất âm thì mình CHƯA CẢM NHẬN ĐƯỢC rõ ràng, chính xác, tuy nhiên đánh giá tổng thể 5/10". Ơ hay CHƯA CẢM NHẬN ĐƯỢC thì cho điểm làm sao được.
Một số khác khỏa lấp sự yếu kém chuyên môn bằng cách đánh giá vỏ hộp, miếng seal là chủ yếu. Ngay cả về "chuyên môn" này họ cũng không có. Chúng tôi chủ ý dán miếng seal to hơn kích thước housing để người dùng DỄ BÓC KHI DÙNG, cũng bị chê xấu và rằng nó phải khít. Ơ hay đây là seal dùng một lần, bóc ra ngay khi mở hộp chứ có phải dùng mãi đâu chứ.
Đến đây thì các bạn đã biết, tại sao chúng tôi không thể chấp nhận để cho những "reviewer" này đánh giá những sản phẩm, những tâm huyết của hàng trăm kỹ sư chuyên môn cao của chúng tôi.
Nói vậy chứ, tôi không cho họ cũng sẽ vẫn ăn theo các sản phẩm của Bkav, vẫn sẽ làm clip vì nó thu hút hơn hẳn các sản phẩm khác. Lượng view luôn gấp vài lần các sản phẩm khác. Ơ mà như vậy thì tội gì tôi phải trả tiền cho họ nhỉ. Họ tự quảng bá cho AirB như vừa qua cũng hiệu quả đấy chứ.
Là người tiên phong thì phải đối diện với một thực tế, sẽ không có nhiều người đủ kiến thức và thấu hiểu quá trình nghiên cứu, sản xuất sản phẩm của mình. Đấy cũng là lý do mà tôi với tư cách CEO tập đoàn, trực tiếp chia sẻ công việc của đội ngũ kỹ sư Bkav. Cũng là dịp phổ biến các kiến thức công nghệ ra xã hội, đặc biệt tới các bạn trẻ đam mê lĩnh vực này.
Dưới phần bình luận, một người dùng mang tên P.T.D đã có góp ý với CEO Nguyễn Tử Quảng, cho rằng một người đứng đầu một tập đoàn tầm cỡ như BKAV không nên đôi co với các reviewer nhỏ lẻ.
"Nếu anh tự tin BKAV là một thương hiệu lớn, một tập đoàn hàng đầu thế giới, luôn đi đầu công nghệ. Anh tin vô sản phẩm của anh thực sự có chất lượng thì anh đừng nên đôi co với những reviewer "bé nhỏ". Sản phẩm BKAV luôn so sánh với Samsung, Apple thì cũng nên học theo phong cách của họ. CEO họ không bao giờ đi chỉ trích reviewer khi bị chê sản phẩm ra mắt", anh D. viết.
CEO BKAV sau đó đã phản hồi bình luận này, cho rằng Apple cũng có chính sách tương tự với các reviewer nước ngoài.
"Bạn Google nhé. Apple cấm cửa reviewer viết bậy đó, họ cũng làm như tôi đang làm thôi".
Đây là một thông tin mang tính chất sai sự thật từ phía CEO BKAV. Apple vốn dĩ luôn kín tiếng về các hoạt động nội bộ của mình, vì vậy công ty này không bao giờ công bố mối quan hệ của mình với các reviewer. Hơn nữa, với quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí tại Mỹ, Apple không có quyền "cấm cửa" bất kỳ ai nói gì về sản phẩm của hãng.
Một trong số những vụ việc hiếm hoi mà Apple công khai có những biện pháp xử lý mạnh tay với một "reviewer" là vào đầu năm 2010. Tháng 4/2010, chiếc iPhone 4 vẫn chưa chính thức ra mắt, nhưng một website công nghệ Mỹ mang tên Gizmodo đã đăng tải bài viết và hình ảnh trên tay chiếc máy này.
Hình ảnh của chiếc iPhone 4 được Gizmodo đăng tải hơn 2 tháng trước ngày ra mắt chính thức
Chiếc iPhone 4 này thực chất thuộc về một nhân viên Apple, và đã bị anh này bỏ quên tại một quán bar. Một người sau đó đã tìm thấy chiếc máy này và bán lại cho Gizmodo với giá 5000 USD.
Sau đó, theo lệnh từ Apple, cảnh sát đã tiến hành lục soát nhà của Jason Chen, cũng là tác giả của bài viết. Chiếc iPhone 4 sau đó bị thu hồi với lý do "tài sản trộm cắp". Mối quan hệ giữa Apple và Gizmodo cũng từ đó trở nên lạnh nhạt, khi đội ngũ của trang này bị "cấm cửa" tại các sự kiện của Apple.
Jason Chen và chiếc iPhone 4 bản thử nghiệm
Tuy vậy, một vài năm sau, khi sự việc đã lắng xuống, Gizmodo đã được Apple mời tham dự trở lại các sự kiện của hãng.