CEO Aharooms: Chúng tôi sẽ trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất trong 5 năm tới và tự tin cạnh tranh với Oyo, Red Doorz

Khởi Minh |

Trước thực tế khách sạn tầm trung ở Việt Nam chỉ đạt doanh thu từ 40 – 50% doanh thu và chất lượng dịch vụ thấp, Aharooms đã ra đời để giải quyết bài toán này và đặt tham vọng có thể cạnh tranh ngang bằng với những tên tuổi quốc tế.

Tại nhiều nhiều quốc gia trên thế giới, phân khúc khách sạn từ 4 đến 5 sao tương đối ít ỏi, thay vào đó là phân khúc khách sạn từ 1 đến 3 sao. Tuy nhiên, phân khúc này lại chưa khai thác được hết công suất.

Tại Việt Nam, nếu như trước đây, khi nguồn cung còn hạn chế, công suất khách sạn đạt từ 70 – 75%. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, khi mô hình kinh tế chia sẻ ra đời và kéo theo sự phát triển của các nền tảng như Airbnb thì tình hình kinh doanh khách sạn vừa và nhỏ trở nên khó khăn hơn.

Theo ông Ngô Đức Nguyên, CEO kiêm Founder của Aharooms, phân khúc này gặp khó khăn là do không có nguồn nhân lực, không có sales chuyên nghiệp, thiếu sự nổi bật.

Để tham gia vào nền kinh tế chia sẻ với những nền tảng như Airbnb thì cần phải là những khách sạn có quy mô lớn hoặc chất lượng dịch vụ tốt. Trên thực tế, nhiều chủ khách sạn tầm trung chấp nhận con số doanh thu 40 – 50%.

Bà Lương Thị Lệ Thu - Phó Chủ tịch Tripi nhận định: "Việc cạnh tranh đối với thị trường dành cho khách sạn 3 sao trở xuống vẫn rất nóng, thị trường vẫn còn đó, nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức. Nếu muốn phát triển, các doanh nghiệp phải tìm được một phân khúc và định vị tốt cho mình mới có thể cạnh tranh".

Giải quyết những "nỗi đau" từ thực tế

Trước thực tế trên, Aharooms ra đời để giải quyết bài toán về những khách sạn tầm trung ở Việt Nam. Aharooms trở thành đại diện bán hàng cho các doanh nghiệp và trở thành doanh nghiệp nhượng quyền kinh doanh khách sạn.

CEO Aharooms Ngô Đức Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi cung cấp cho các khách sạn những giải pháp về công nghệ, marketing, sales để cải thiện hiệu quả kinh doanh. Đến khi các chủ khách sạn bắt đầu tin mình thì bắt đầu mang đến những giải pháp về đào tạo, quản lý, kiểm soát chất lượng".

Khi hợp tác với Aharooms, các chủ khách sạn sẽ được tư vấn về chính sách giá, nguồn khách hàng. Từ đó, họ có thể tiếp cận được với những nguồn bán hàng đa kênh, công nghệ và chăm sóc khách hàng.

Cũng nhìn thấy tiềm năng từ phân khúc khách sạn tầm trung trên thị trường, những người sáng lập tên tuổi lớn Oyo và Red Doorz cũng đưa ra những mô hình tương tự để giải quyết bài toán trên.

Những nền tảng như Oyo và Red Doorz không đơn giản là kết nối mà còn trực tiếp tham gia vào quá trình đầu tư vật chất và tạo dịch. Tuy nhiên những doanh nghiệp này lại không hề sở hữu một khách sạn nào.

Thay vào đó, họ bắt tay với những khách sạn từ 1 đến 3 sao, đưa những quy chuẩn chất lượng và dịch vụ công nghệ vào. Từ đó, cung cấp cho khách hàng những phòng ngủ bình dân với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Vào Việt Nam từ nửa sau năm 2018, cả hai thương hiệu này đã có độ phủ sóng rộng rãi. Đến thời điểm hiện tại, Red Doorz đã có mặt ở 4 thành phố với hơn 100 khách sạn. Vào sau 3 tháng nhưng Oyo đã chứng minh được vị trí của mình khi có mặt tại 6 thành phố và khiến cho một số chủ sở hữu bất động sản phải tuân theo "cuộc chơi" của họ.

Các doanh nghiệp ngoại đang xâm nhập thị trường Việt Nam một cách mạnh mẽ, nhiều người quan ngại rằng, những doanh nghiệp ngoại "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" sẽ lấn át sự phát triển của doanh nội. Nhất là mới đây, Oyo thông báo sẽ đầu tư 50 triệu USD vào thị trường Việt Nam.

Trước tình hình này, CEO Aharooms lập luận: "Mô hình kinh doanh này không phải là ‘game winner takes all’ (người chiến thắng có tất cả) mà vẫn luôn có nhiều người chơi cùng tham gia vào thị trường. Họ khác biệt nhau dựa trên sản phẩm, đối tượng khách hàng, mục tiêu và những kênh phân phối chiến lược".

Theo CEO Aharooms, chiến lược để doanh nghiệp của anh có thể cạnh tranh với những thương hiệu lớn là Aharooms phát triển đối tượng khách hàng B2B (Business to business: mô hình kinh doanh online giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp). Đồng thời, chiêu mộ khách hàng và cùng họ phát triển.

Dẫu những doanh nghiệp ngoại có nguồn tài chính khủng nhưng với niềm tự hào dân tộc và nhìn vào thị trường mà không thấy một doanh nghiệp Việt nào nên đây chính là động lực giúp Aharooms luôn tìm phương hướng để cạnh tranh ngang bằng với những tên tuổi lớn.

CEO Aharooms: Chúng tôi sẽ trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất trong 5 năm tới và tự tin cạnh tranh với Oyo, Red Doorz - Ảnh 1.

Kết hợp giữa bản sắc và chất lượng dịch vụ

Nhu cầu của khách du lịch ngày càng cao. Họ không đơn thuần chỉ là đi du lịch mà còn mong muốn có những trải nghiệm sâu sắc với văn hóa bản địa. Chính vì thế ngành dịch vụ lưu trú cũng không đơn thuần chỉ là nơi ngủ nghỉ mà còn là nơi trải nghiệm bản sắc địa phương.

Nhiều người cho rằng những thương hiệu lớn như Oyo và Red Doorz đã khá phát triển và họ đang dần thấu hiểu người dùng để tạo giá trị, xây dựng dịch vụ phù hợp với bản địa. Đây là một trong những điểm đáng gờm đối với những doanh nghiệp nội.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Tripi nhận định: "Thành công của Oyo hay Red Doorz cũng là do họ nội địa hóa được một phần. Họ hiểu là phải nội địa hóa nhưng họ không phải người Việt nên những gì họ đầu tư đều dựa trên sự hoạch định từ những con số và dữ liệu".

Vì vậy, những doanh nghiệp nội địa khi tham gia vào thị trường vẫn sẽ có những lợi thế nhất định về tính bản địa.

CEO Aharooms cho biết: "Giá trị không chỉ nằm ở việc bản địa sản phẩm mà còn nằm ở cách chăm sóc khách hàng.

Hiện chúng tôi đang xây dựng một mạng lưới làm việc với những đơn vị cung cấp những sản phẩm du lịch và hợp tác với bên thứ 3 để phục vụ tốt cho những khách hàng có nhu cầu. Hướng đi của chúng tôi là sự kết hợp giữa tính bản địa và chất lượng sản phẩm".

Với chiến lược kết hợp giữa bản chắc và chất lượng dịch vụ, Aharooms ra đời từ năm 2018 và là doanh nghiệp tiên phong trong bán hàng và tăng doanh thu cho các khách sạn 1 đến 3 sao tại Việt Nam. Tính đến nay, doanh nghiệp này có hơn 100 khách sạn thành viên ở nhiều thành phố lớn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại