Cây xà cừ số 13 ở Huế và số phận hơn 25.000 cây xanh gãy đổ ở Hà Nội sau bão Yagi

Huy Nguyễn (Thu Hường ghi) |

"Một mái tôn bị bay hay bức tường bị đổ... có thể xây lại trong vài ngày. Nhưng một cây to bị đổ, để trồng lại cần đến 50 năm. 50 năm làm được nhiều thứ nhưng rất khó để trồng và giữ một cái cây".

 - Ảnh 1.

Vietnamplus dẫn nguồn báo cáo mới nhất sáng 9/9 cho biết, bên cạnh thiệt hại về người, tài sản, mất mát rất to lớn mà Thủ đô phải gánh chịu là việc 25.156 cây xanh gãy, đổ, trong đó 24.807 cây đổ, bao gồm cả cây cổ thụ và cây to lâu năm… Đây là con số kỷ lục chưa từng có suốt 30 năm qua.

Sau bão Yagi, một số con đường thơ mộng đầy cây xanh của Hà Nội như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu tan hoang. Nhiều cây cổ thụ biểu tượng của Hà Nội đã nằm xuống sau cơn cuồng phong mạnh nhất nhiều thập kỷ.

Trên facebook cá nhân, chuyên gia thời tiết Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyễn) viết " Nửa thế kỷ có thể làm quá nhiều việc nhưng lại rất khó để trồng và giữ một cái cây ."

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả những trăn trở của anh về số phận những cây xanh - tài sản quý giá của Hà Nội sau bão Yagi.

 - Ảnh 2.

Cây xanh bật gốc trên đường Phan Đình Phùng - Ảnh: Tiền Phong

 - Ảnh 3.

Trước đó, nơi đây nổi tiếng với những hàng cây lâu năm toả bóng xanh mát, đẹp nao lòng.

 - Ảnh 4.

Những mảng xanh ở ven hồ Thiền Quang.

CÂY XÀ CỪ SỐ 13 Ở HUẾ...

Cơn bão số 13 vào tháng 11/2020 đã quật ngã cây xà cừ cổ thụ được đánh số 13 trên đường Lê Duẩn, một vị trí rất đẹp ven sông Hương. Điều lạ là cây xà cừ cổ thụ này trụ vững qua nhiều cơn bão trước đó nhưng lại bị quật ngã bởi bão số 13 chỉ đi ven dọc bờ biển. Đúng là định mệnh!

Khi được tin cái cây này bị đổ, tôi rất tiếc. Cái cây không đơn thuần chỉ góp phần cho những mảng xanh của Huế mà còn là chứng nhân của bao thăng trầm của lịch sử. Việc mất đi một cái cây, vì thế, đáng tiếc thật nhiều. Thời điểm đó tôi cũng được tin là thành phố Huế sẽ cố cứu cái cây bằng cách trồng lại nó ở khuôn viên của công viên bên cạnh. Đó thật sự là một quyết định nhân văn và tử tế. Gặp phải nơi khác có khi thân cây biến thành thớt xà cừ mất rồi.

 - Ảnh 5.

Chuyên gia Huy Nguyễn chụp ảnh cùng cây số 13 tại Huế.

Thú thật là nhìn hệ rễ của cây lúc nó đổ tôi không có mấy hy vọng nó sẽ sống. Nhưng điều may mắn đã đến. Cây đã hồi sinh và đâm chồi nảy lộc sau hơn 1 năm được trồng lại.

Với sự phát triển của đô thị trong những năm gần đây, những cây xanh cổ thụ dần mất đi để nhường cho vỉa hè, mở rộng đường xá và nhà cửa. Nhưng với cách tiếp cận tử tế và nhân văn, chúng ta hoàn toàn có thể tìm được các giải pháp thay thế để giữ lại những cây, những hồ, những mảng xanh vốn dĩ là những nhà máy điều hòa tự nhiên quý giá để bảo vệ sức khỏe con người.

Thành phố xanh phải có cách quản lý xanh và cái tâm tử tế của cư dân, của lãnh đạo thành phố. Huế vẫn xứng đáng là thành phố xanh nhất của Việt Nam.

 - Ảnh 6.

Thành phố Huế nhìn từ bờ Nam qua bờ Bắc sông Hương

... VÀ SỐ PHẬN HÀNG NGHÌN CÂY CỔ THỤ HÀ NỘI

Để cứu một bức tường bị đổ, một mái tôn rơi vỡ... chúng ta có thể chỉ mất một vài ngày. Nhưng để trồng và nuôi lớn một cây cổ thụ phải cần tới 50 năm. Nửa thế kỷ có thể làm quá nhiều việc nhưng lại rất khó để trồng và giữ một cái cây.

Sáng nay (08/09 - PV ), có bạn phóng viên nhắn tin hỏi tôi: Anh nghĩ có cách gì cứu được cây xanh không? Tôi thoáng qua suy nghĩ, nếu không nhanh lên, e rằng nhiều cây sẽ thành củi mất. Và nếu thực là như thế thì rất buồn.

Tôi viết lại câu chuyện ở Huế với mong muốn chính quyền các thành phố, các khu đô thị tìm cách để cứu các cây mới đổ, rồi ươm nuôi và trồng lại. Trừ những vị trí quá hẹp khó ươm nuôi thì mới phải chịu. Nếu cứu được cây, hãy cứu. Dù tưởng như không cứu được cũng nên cố cứu!

Ngày 8/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có văn bản hỏa tốc về việc triển khai các biện pháp khắc phục, giải tỏa cây xanh gãy đổ sau cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, ông Trần Sỹ Thanh lưu ý, đối với các cây xanh cần bảo tồn, các cây quý hiếm, có giá trị bị nghiêng đổ, cần kiểm tra, đánh giá để chống dựng, trồng lại ngay đảm bảo cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển hoặc di chuyển về vườn ươm chăm sóc, trồng lại vào các vị trí phù hợp. Hoàn thành trước ngày 15/9/2024.
Đối với các cây xanh đô thị có đường kính nhỏ dưới 25cm bị gãy đổ cần thực hiện cắt cành, tán, đảm bảo cân đối phù hợp để trồng lại tại chỗ và chăm sóc theo quy định. Hoàn thành trước ngày 20/9/2024.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại