Một nghiên cứu được công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy rằng có nhiều loại thực vật tạo ra âm thanh siêu âm để truyền đạt sự căng thẳng. Đây là bằng chứng cho thấy thực vật có thể giao tiếp.
Để phản ứng với môi trường, một thực vật đơn lẻ có sự giao tiếp giữa rễ, thân, lá, hoa và quả. Simon Gilroy - giáo sư thực vật học tại Đại học Wisconsin-Madison cho biết thay vì truyền tín hiệu qua hệ thần kinh như con người, mạng lưới truyền thông tin ở thực vật giống hệ thống ống nước hơn. Mỗi bộ phận của thực vật đều có nhiệm vụ riêng trong việc truyền thông tin. Lá phát hiện động vật ăn thịt hoặc sự biến động về ánh sáng và âm thanh, rễ theo dõi các điều kiện bên dưới mặt đất như chất dinh dưỡng, nước …
Courtney Jahn, nhà sinh vật học và giám đốc chương trình NSF giải thích rằng các tín hiệu giao tiếp điện của thực vật truyền qua chuyển động của các chất hóa học trong hệ thống. Ví dụ, rễ phát hiện hạn hán và truyền thông tin để lá hạn chế thoát hơi nước và tiết kiệm nước.
Ngoài ra, một cái cây trong rừng sẽ hình thành mối quan hệ với nhiều loại nấm khác nhau, và một loại nấm sẽ có mối quan hệ với nhiều cây khác nhau - tất cả chúng trở thành một mạng lưới nấm rễ. Cathie Aime - giáo sư tại Đại học Purdue cho biết.
Những “cuộc trò chuyện” thú vị có thể xảy ra khi nấm gặp rễ. Người ta đã quan sát thấy hai bên hoán đổi các đoạn RNA nhỏ, làm thay đổi biểu hiện gen ở sinh vật kia. Nếu nấm là đồng minh, nó sẽ phát ra tín hiệu tương tự như nói: “Bạn có thể tin tôi” và đồng thời giúp cây phát triển. Nếu nấm là kẻ thù, RNA nhỏ từ nấm sẽ tắt các gen phòng thủ của cây, khiến nấm dễ tấn công hơn.
Đây là một nghiên cứu có ứng dụng quan trọng. Hiểu được cách thực vật giao tiếp có thể giúp con người tăng diện tích đất canh tác và thích ứng với sự biến đổi khí hậu.