Cây táo dại 'thọ' nhất thế giới

Hoa Vũ/VTC News |

Cây táo với sức sống bền bỉ vẫn đứng vững sau vô số mưa gió suốt hơn 600 năm, được công nhận là "Cây táo dại nhiều tuổi nhất thế giới".

Trên một ngọn núi ở huyện Tân Nguyên thuộc châu Ili Kazakhstan của khu tự trị Tân Cương (Tây Bắc Trung Quốc), có cây táo dại hơn 600 năm tuổi, được đơn vị Kỷ lục Guinesss thế giới ở Thượng Hải công nhận là "Cây táo dại nhiều tuổi nhất thế giới" vào năm 2013.

Cây táo dại 'thọ' nhất thế giới- Ảnh 1.

Cây táo dại được công nhận "nhiều tuổi nhất thế giới" ở Tân Xuyên, Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Chiều cao của cây là 11,8 m, có chu vi 7,38 m và chiều rộng tán 14,5 m. Cây táo cổ thụ này có tới 5 nhánh thân chính với đường kính trung bình thân 73 cm. Hiện tại, cây vẫn đang phát triển tốt và cho trái đều đặn.

Tuy nhiên, quả của táo này rất nhỏ, đường kính chỉ 2 - 3 cm. Vỏ táo đẹp với màu đỏ sẫm. Ruột táo có màu trắng, nhiều rỗ và vị rất chua.

Cây táo dại 'thọ' nhất thế giới- Ảnh 2.

Quả táo nhỏ, có màu đẹp nhưng vị rất chua. (Ảnh: Baidu)

Theo phân tích của chuyên gia, loài táo dại này được xem là nguyên sinh. Nó chưa được trồng trọt hay cải tiến nhân tạo nên vẫn giữ được gen và đặc tính ban đầu. Bên cạnh đó, vì mọc trên núi nên cây bị hạn chế về nước và chất dinh dưỡng, do đó quả phát triển nhỏ và thiếu đường.

Dù cây táo có khả năng chống chọi tốt với sâu bệnh, có thể tồn tại trong môi trường và khí hậu khắc nghiệt nhưng cũng làm mất đi chất lượng và mùi vị của quả.

Tuy nhiên, cũng vì đặc tính nguyên sinh mà cây có nguồn gen phong phú và độc đáo, có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu về nguồn gốc, sự tiến hóa, phân loại và cải tiến của táo. Nó cũng là nguyên liệu quan trọng cho việc nhân giống và cải tiến cây táo, giúp phát triển các giống mới có chất lượng tốt hơn, khả năng thích ứng cao hơn và đa dạng hơn.

Cây táo dại 'thọ' nhất thế giới- Ảnh 3.

Cây táo có tới 5 nhánh thân chính, phải nhiều người lớn vòng tay mới ôm xuể. (Ảnh: Sohu)

Theo truyền thuyết, hơn 600 năm trước, thường có các đoàn lữ hành dẫn ngựa và lạc đà chở đồ qua khu vực núi rừng Tân Nguyên. Trong một chuyến đi, đoàn lữ hành không may gặp phải cơn bão lớn, chỉ còn lại một thanh niên và một cô gái người Kazakhstan sống sót.

Vài ngày sau, lương thực và nước uống cạn kiệt, để cứu người thanh niên, cô gái đã để lại “trái cây” cuối cùng rồi bỏ đi, nhưng không may gặp nạn bỏ mạng. Người thanh niên đau buồn mang theo thi thể cô gái tiếp tục hành trình, nhưng cuối cùng gục ngã trên núi vì đói mệt.

Không biết bao nhiêu năm sau, nơi cả hai yên nghỉ mọc lên cây táo xanh ngát, trở thành điểm nghỉ chân cho các đoàn lữ hành và những người chăn cừu đi qua đây.

Cây táo dại 'thọ' nhất thế giới- Ảnh 4.

Cây táo vẫn sinh trưởng tốt sau hơn 600 năm. (Ảnh: Sohu)

Trải qua nhiều năm, cây táo với sức sống bền bỉ vẫn đứng vững sau vô số mưa gió. Người dân qua đây thường hành xử thành kính, nhã nhặn. Tập tục này dần phát triển thành nghi lễ cầu phúc truyền thống của người dân tộc Kazakhstan ở Tân Cương.

Người dân tộc Kazakhstan cầu nguyện bằng những dải ruy băng có bốn màu: đỏ, trắng, xanh dương và xanh lá, mỗi màu tượng trưng cho những ý nghĩa khác nhau.

Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, nhân hậu và liêm khiết; màu xanh dương tượng trưng cho tự do, cuộc sống và tuổi trẻ; màu xanh lá tượng trưng cho sự sinh sôi và kế thừa cuộc sống; màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, lửa và sức sống vô tận.

Cây táo dại 'thọ' nhất thế giới- Ảnh 5.

Cây táo cũng trở thành biểu tượng văn hóa của người dân tộc Kazakhstan ở Tân Cương, Trung Quốc. (Ảnh: Baidu)

Trong buổi lễ cầu phúc, già làng của tộc sẽ đọc thông điệp chúc mừng và dẫn dắt mọi người cầu nguyện, ước nguyện, cầu chúc quê hương thịnh vượng, người dân hạnh phúc và mùa màng bội thu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại