Cày nát cả đất nước để khai thác quặng, người dân Nauru biến món quà của thượng đế trở thành thảm họa quốc gia

Minh Phương |

Được trời ban cho nguồn tài nguyên có thể mang lại sự thịnh vượng, quốc gia này đã chọn cách sống tận hưởng cho đến cạn kiệt những gì mình có.

Nauru nhỏ đến mức nào? Đất nước này chỉ rộng vỏn vẹn 21 km2 và trở thành quốc gia nhỏ thứ ba trên thế giới tính theo diện tích đất liền. Nauru chỉ xếp sau Thành phố Vatican và Monaco trong bảng xếp hạng quốc gia nhỏ nhất, và cả hai tiểu quốc gia đó đều là chế độ quân chủ. Do đó, Nauru là nước cộng hòa độc lập nhỏ nhất trên thế giới tính theo diện tích đất đai.

Nauru cũng là quốc gia nhỏ thứ ba trên thế giới về dân số, chỉ sau Vatican và Tuvalu gần đó. Quốc gia này chỉ có khoảng 11.000 người.

Nauru vốn là quốc đảo Thái Bình Dương ít được du khách đến thăm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đất nước chỉ cần 3 tiếng 15 phút để "lượn" hết vòng quanh này đã nổi tiếng theo cách rất riêng của mình.

Giàu lên nhờ phân chim

Đến năm 1980, Nauru đã trở thành quốc gia giàu có nhất hành tinh, tính theo thu nhập bình quân đầu người. Cách làm giàu của Nauru đến từ một nguồn tài nguyên độc đáo: phân chim.

Phân chim tích tụ từ nhiều thế kỷ trên hòn đảo này và tạo ra những quặng phốt phát có thể sản xuất phân bón mang lợi nhuận cao. Phốt phát là một thành phần quan trọng trong phân bón và có nhu cầu rất lớn trong ngành nông nghiệp. Bởi vậy mà Nauru đã trở nên giàu có trong thời gian ngắn và vươn lên dẫn đầu toàn cầu về GDP bình quân đầu người.

Khai thác phốt phát là nguồn thu nhập chính của Nauru trong những năm 1970-1980. Với giá phốt phát cao trong những năm 1970, nhà kinh tế học Helen Hughes ước tính rằng GDP bình quân đầu người của Nauru vào năm 1975 là 50.000 USD, chỉ đứng sau Ả Rập Xê-út.

Thế nhưng, tài nguyên là hữu hạn. Nguồn cung cấp phốt phát đã trở nên cạn kiệt. Những gì còn lại chỉ là các mỏ phốt phát đang bị phân huỷ và vùng đất cằn cỗi đã bị xói mòn cực kỳ nghiêm trọng.

Trong thời gian Nauru kiếm được bộn tiền từ việc khai thác phốt phát, đất nước này đã không có cách chi tiêu hợp lý. Số tiền kiếm được chủ yếu được dùng để tiêu dùng và hỗ trợ mức lương công cao thay vì đầu tư. Thậm chí những khoản đầu tư của họ cũng không mang lại được lợi nhuận.

Cuộc sống mỗi ngày đều như một bữa tiệc

Đối với một đất nước nhỏ bé, Nauru có rất nhiều ô tô, hoặc đã từng có rất nhiều ô tô. Vào thời kỳ hoàng kim của lưu lượng phương tiện trên đảo, mỗi người có khoảng 4 chiếc xe. Giờ thì số lượng đã ít hơn đáng kể và hàng loạt xe cũ nằm trong bãi phế liệu ở giữa đảo.

Nhiều cư dân đã nghỉ việc và chi tiêu mạnh tay, bao gồm cả các chuyến đi nghỉ mát và mua sắm đắt tiền, nhập khẩu xe hơi thể thao, như những chiếc Lamborghini chẳng hạn.

Một cựu tổng thống giấu tên của Nauru nhớ lại: "Không nhiều người quan tâm đến việc các khoản đầu tư của mình có sinh lời hay không, những tờ tiền USD thậm chí còn được dùng làm giấy vệ sinh và cuộc sống mỗi ngày đều giống như một bữa tiệc vậy."

Nhưng bữa tiệc nào rồi cũng tàn. Khi các nguồn tài nguyên cạn kiệt và các nhà đầu tư rút lui, Nauru phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nặng nề và không có nguồn thu lớn. Ngành thuỷ sản và nông nghiệp bị bỏ bê với hệ sinh thái bị tàn phá không thể cứu vãn được trong khi mọi người vẫn còn đang quen với cuộc sống chỉ việc ăn chơi tiêu xài phung phí.

Một Nauru từng được mệnh danh là "Đảo dễ chịu" với thảm thực vật trù phú nay đã không còn. Giáo sư John Connell, người đứng đầu Trường Khoa học Địa chất tại Đại học Sydney, nói với ABC: "Các tác động của việc khai thác rất đặc biệt, bởi vì phốt phát phát triển trong các đỉnh san hô, vì vậy bạn phải xúc phốt phát ra từ bên trong các đỉnh tháp đó. Nó để lại những cái cột với hình dáng kỳ lạ nhưng hoàn toàn vô dụng khi phốt phát đã không còn."

"Tôi ước gì chúng tôi chưa bao giờ phát hiện ra loại phốt phát đó", Mục sư James Aingimea, 84 tuổi, người đứng đầu của Nhà thờ Nauru Congregational nói với New York Times vào thời điểm đó. "Tôi ước gì Nauru có thể được như trước đây. Khi tôi còn là một cậu bé, nó thật đẹp. Có cây cối. Màu xanh bao phủ nơi đây, chúng tôi có thể ăn dừa tươi và bánh mì. Bây giờ, khi nhìn thấy những gì đã xảy ra ở đây, tôi chỉ muốn khóc."

Thay vì tìm cách phát triển kinh tế, Nauru phẫn nộ khởi kiện ở một toà án quốc tế, đòi các công ty nước ngoài phải bồi thường cho việc gây ô nhiễm tại quốc gia này. Nauru đã thành công khi Úc đồng ý trả 2,6 triệu USD/năm trong 20 năm. Tuy nhiên, con số này không đủ đối với một đất nước chẳng còn gì ngoài sự ô nhiễm.

Tuổi thọ giảm, vòng eo tăng

Chìm trong sự giàu có, người dân địa phương từ bỏ lối sống truyền thống của họ và chuyển sang thực phẩm rẻ tiền nhưng nhiều chất béo cùng rượu và thuốc lá. Không lâu sau, một cuộc khủng hoảng sức khỏe ập đến mạnh mẽ. Tuổi thọ của người Nauru giảm xuống chỉ còn 50, trong khi tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim, các bệnh mãn tính khác và cả vòng eo của họ đều tăng vọt.

Từng là quốc gia được biết đến với sự giàu có, giờ đây Nauru lại được biết đến với sự thiếu thốn về sức khoẻ. Theo bảng xếp hạng do Tổ chức Y tế Thế giới công bố năm 2017, Nauru là quốc gia béo phì nhất thế giới với tỷ lệ béo phì 61%. Trước đây, người ta thấy rằng gần 95% cư dân của Nauru bị thừa cân.

Nước này có tỷ lệ bệnh tiểu đường nằm trong top đầu trên thế giới và trước đó còn được cho là có tỷ lệ bệnh cao nhất. Một phần nguyên nhân gây ra căn bệnh này xuất phát từ vấn đề béo phì. Chỉ cần đi bộ quanh hòn đảo cũng có thể thấy mọi người thừa cân và có sức khỏe kém như thế nào.

Việc khai thác phốt phát đã khiến phần lớn hòn đảo trở nên không thể sử dụng được. Bởi vậy, Nauru cần nhập khẩu nhiều thực phẩm được chế biến sẵn. Họ tìm kiếm những thực phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Úc hoặc New Zealand chứa nhiều chất béo và đường. Và mỗi người đều có đến vài chiếc ô tô.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại