Cây “hóa rắn” đáng sợ hóa ra là bảo vật tự nhiên
Ở châu Á, có một giống cây thân thảo thường mọc dại ở ven đường hoặc những vùng đất trống. Thân cây thon dài, ngọn cây có hình dạng giống như rắn hổ mang với một chiếc “lưỡi” đang thè ra, nhìn rất đáng sợ.
Thực chất, đây là một loại thảo dược giá trị trong y học cổ truyền, có tên là “cây bán hạ” (tên khoa học: Typhonium trilobatum Schott). Không chỉ mọc ở Việt Nam, cây bán hạ còn xuất hiện ở một số nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản.
Loại ở Trung Quốc có phần thùy xẻ sâu rõ rệt hơn. Đặc biệt, loại này có độc ở toàn thân. Xưa kia, người dân nước này dùng bán hạ để chữa vết rắn cắn bằng cách nghiền nát cây và bôi lên vết thương.
Ban đầu, một số nông dân Trung Quốc coi bán hạ chỉ là một loài cỏ dại thông thường, vô giá trị. Tuy nhiên từ khoảng 10-20 năm về trước, bán hạ bắt đầu được thu mua nhiều để dùng làm dược liệu. Theo y học cổ truyền, cây bán hạ có tác dụng làm tan đờm, giảm nôn mửa, trị ho suyễn, sưng tấy… Cây bán hạ có vị cay, tính ấm và có độc.
Phần rễ củ hình tròn của bán hạ là bộ phận chứa nhiều độc tính nhất, nhưng cũng là bộ phận chủ yếu được dùng làm dược liệu. Dĩ nhiên trước khi sử dụng, bán hạ cần phải được bào chế theo phương thức đặc biệt để loại bỏ độc tố.
Hiện nay ở Trung Quốc, bán hạ có giá bán rất cao, lên đến 550 NDT (hơn 1,8 triệu đồng)/kg ở các hiệu thuốc. Ở Việt Nam, rễ bán hạ nội địa sấy khô có giá khoảng 390.000đ/kg.
(Theo baijiahao)