Bạn nghĩ sao khi một ngày nào đó, hệ sinh thái cổ đại bỗng nhiên hồi sinh? Mới đây các nhà khoa học Hy Lạp cho biết họ đã tìm thấy một cây hóa thạch 20 triệu năm trên đảo núi lửa Lesbos trong tình trạng nguyên cành và rễ.
Cây được tìm thấy trong quá trình làm đường gần một khu rừng cổ thụ đã hóa đá hàng chục triệu năm trước trên hòn đảo phía đông Địa Trung Hải sau vụ phun trào núi lửa.
Cây hóa thạch được tìm thấy tại gần Vườn quốc gia Petrified Forest trên đảo Lesbos, Hy Lạp. (Ảnh REUTERS/Elias Marcou)
Dấu ấn từ một chiếc lá hóa thạch còn sót lại trên cây. (Ảnh REUTERS/Elias Marcou)
Cây hóa thạch dài khoảng 19m được bảo quản bởi một lớp tro núi lửa dày. Một số lượng lớn cây cối và xương động vật cũng được tìm thấy ở cùng vị trí, giúp các nhà khoa học hình dung bức tranh sinh thái của khu rừng cổ đại.
Thân cây hóa thạch nhìn từ trên cao khá ấn tượng. (Ảnh REUTERS/Elias Marcou)
"Trong quá trình khai quật, các khu rừng khác nhau tồn tại từ 17 - 20 triệu năm trước tại Lesbos đang được khám phá và chúng tôi có thể tái tạo lại hệ sinh thái tồn tại trong thời kỳ đó. Đó là một phát hiện độc đáo. Nó được bảo quản trong điều kiện tuyệt vời. Chúng tôi sẽ nghiên cứu gỗ hóa thạch để xác định tên loài thực vật", giáo sư Zouros cho biết.
Khu rừng hóa đá Lesbos là một địa điểm được UNESCO bảo vệ, khu vực này được hình thành do kết quả của một vụ phun trào núi lửa cách đây 20 triệu năm, khiến hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới của hòn đảo chìm trong dung nham và hóa đá.