Cây cầu của Ấn Độ có trọng tải 40 tấn, xây tại bang Arunachal Pradesh, nơi thường xảy ra tranh chấp biên giới với láng giềng Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) đưa tin trong năm 2019, xâm nhập biên giới ở khu vực này đã tăng 50%.
Chuyên gia chiến lược Nitin Gokhale tại New Delhi nhận định; “Khu vực biên giới đó luôn luôn có xu hướng là điểm xích mích giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Thiếu tuyến đường đáng tin cậy và sử dụng được trong mọi điều kiện thời tiết chính là điểm yếu. Cây cầu mới và đường được nâng cấp sẽ đảm bảo hậu cần không gián đoạn đối với các binh sĩ”.
Tuyến giao thông này được xây dọc biên giới với Trung Quốc ở thời điểm 2 quốc gia nảy sinh căng thẳng. Trung Quốc cáo buộc Ấn Độ ngáng đường các công ty nước này ở Nam Á sau khi New Delhi thắt chặt luật lệ đối với đầu tư nước ngoài.
Ấn Độ thay đổi luật đầu tư nước ngoài, theo đó yêu cầu công ty từ các quốc gia láng giềng được mua lại công ty địa phương sau khi có sự thông qua của chính phủ. Động thái này nhằm giảm rủi ro lợi dụng dịch COVID-19 để hạ thấp giá trị các công ty Ấn Độ. Ấn Độ hiện có chung đường biên giới với 7 quốc gia khác, bao gồm Trung Quốc.
Cây cầu cũng nằm ở gần cao nguyên Doklam - khu vực năm 2017 xảy ra sự kiện căng thẳng quân sự kéo dài nhiều tháng trời giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới dài 3.862km. Cả hai bên đều cáo buộc nhau từng xâm phạm lãnh thổ. Trong tháng 6/2017, 16 quân nhân Trung Quốc và nhiều công nhân xây dựng đã thi công một con đường qua cao nguyên Doklam nằm tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Sự việc này châm ngòi cho 10 tuần căng thẳng giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ. Hai quốc gia đều cử binh sĩ giám sát chặt chẽ nhau ở biên giới. Đến ngày 28/8/2017, cả hai quốc gia quyết định rút quân sau các cuộc đàm phán bí mật giữa Bắc Kinh và New Delhi dẫn tới kết quả ngừng thi công con đường tại Doklam.
Trong một diễn biến khác, người phát ngôn quân đội Ấn Độ Aman Anand ngày 23/4 nêu rõ: “Ấn Độ và Trung Quốc có quan điểm khác biệt về biên giới”.