Kết quả của vụ va chạm này là một chiếc cầu vũ trụ khác thường, chứa đầy khí hydrogen được thành lập, qua đó vật chất lưu chuyển đến tận ngày nay.
Các quan sát gần đây cho thấy, cây cầu vũ trụ này bị các hạt trong không gian liên thiên hà bắn phá dữ dội. Quỹ đạo các hạt này bị một lỗ đen siêu khổng lồ bẻ cong. Đối với các nhà thiên văn học, sự kiện khác thường này mở ra cách nhìn mới về tiến hóa các chòm thiên hà.
Các nhà khoa học đã quan sát cây cầu khác thường dựa vào Kính viễn vọng điện từ Giant Metrewave ở Ấn Độ, Đài Thiên văn vũ trụ tia X Chandra của NASA và Đài Quan sát XMM-Newton của ESA. Nguyên nhân tạo ra cây cầu này là một lỗ đen siêu khổng lồ trong thiên hà ở vùng ngoài cụm thiên hà phía Nam. Lỗ đen này đã phát ra hai luồng hạt chuyển động theo hai hướng ngược nhau. Trong đó, một luồng hướng vào cầu vũ trụ.
Cầu vũ trụ trải dài trên khoảng cách hơn 3 triệu năm ánh sáng và có khối lượng bằng khoảng 6 nghìn tỷ lần khối lượng Mặt trời của chúng ta, tức là nặng gấp 4 lần Dải Ngân hà. Luồng hạt từ lỗ đen kéo dài khoảng 1,2 triệu năm ánh sáng.
Các loại tương tác khác nhau diễn ra khá thường xuyên giữa các thiên thể. Các thiên hà và các cụm thiên hà liên tục kết nối với nhau. Các nhà thiên văn học gọi hiện tượng đó là “đàn accordion vũ trụ” – các thiên hà, cụm thiên hà di chuyển qua nhau, nối dài hệ thống rồi sau đó lại quay trở về dạng ban đầu.
Hiện tượng các chòm thiên hà va chạm vào nhau không nhất thiết phải là va chạm hủy diệt. Hiện tượng này thường giống như 2 đàn chim kết hợp vào làm một, chứ không phải là sự kiện các ô tô va chạm đối đầu.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là từng thiên hà riêng lẻ không bị suy suyển. Các quan sát đối với hệ thống Abell 2384 cho thấy, trong nhiều thiên hà xoắn thuộc chòm thiên hà không còn xảy ra các quá trình tạo sao. Đó là vì sau tương tác, các thiên hà xoắn bị mất các loại khí hiếm (khí trơ) – nhiên liệu cho quá trình tạo sao mới.