Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên, do Tập đoàn Sun Group và Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin Việt Nam nghiên cứu.
Phạm vi nghiên cứu dự án có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao QL 5 kéo dài, có tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4,84 km. Năm nút giao trên tuyến gồm: Nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao quốc lộ 5 kéo dài.
Theo quy hoạch, cầu Tứ Liên đi qua khu vòng xuyến Đông Ngàn - Xuân Trạch và Xuân Canh. Cây cầu nối liền khu Đông Anh ngoại thành vốn xa xôi với khu Tây Hồ ngay chính giữa trung tâm thành phố.
Điều này đem lại rất nhiều thuận lợi cho cư dân xung quanh khu vực này cũng như góp phần tạo thuận lợi về giao thông đi lại cũng như thông thương, buôn bán và du lịch giữa khu vực Đông Anh với các vùng lân cận, đặc biệt là nội thành Hà Nội.
Điểm đầu cầu Tứ Liên là đường Âu Cơ, điểm cuối là điểm nối với QL3 hiện tại tại địa phận thị trấn huyện Đông Anh. (Ảnh phối cảnh của đơn vị tư vấn thiết kế).
Đặc biệt, cùng với Cầu Tứ Liên, Đông Anh cũng đón nhận được hàng loạt quy hoạch lớn như việc xây dựng thành phố thông minh BRG, trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia, khu đô thị Vinhomes Cổ Loa, Khu đô thị Kosy...
Cầu Tứ Liên cùng nhiều dự án quy hoạch lớn là lý do thời gian gần đây đất khu vực Cổ Loa, Nguyên Khê, Xuân Nộn, Dục Tú...khu vực chân cầu Tứ Liên các thông tin mua bán nhà đất lại diễn ra tấp nập.
Theo anh Toàn, giám đốc sàn BĐS thổ cư Đông Anh cho biết sau thời gian bị trầm xuống bởi đợt giãn cách xã hội hồi đầu năm thì thời điểm hiện tại giao dịch nhà đất xung quanh khu vực Đông Anh đã sôi động trở lại.
"Sản phẩm chủ yếu là các ô đất thuộc dự án tái định cư, giãn dân, đất đấu giá và đất xen kẹt khu dân cư. Người mua chủ yếu là mua đầu tư dài hạn và người có nhu cầu thực", anh Toàn cho biết.
Trao đổi về tốc độ tăng giá khu vực các xã: Đông Hội, Xuân Canh, Vĩnh Ngọc lên đến Tiên Nội, Vân Trì sau khi có thông tin Cầu Tứ Liên sắp xây dựng anh Toàn khẳng định giá chỉ nhúc nhích lên một chút nhưng không đáng kể.
"Ví dụ, ô 54m2 tại Lực Canh - Xuân Canh - Đông Anh đường 6m cuối năm 2019 có giá 36 triệu đồng/m2 thì đến thời điểm hiện tại tăng lên 37,5 triệu đồng/m2. Giá chỉ giao động đôi chút, hoàn toàn không có chuyện thổi giá ồ ạt", anh Toàn cho biết.
Những xã xa trung tâm như Cổ Loa, Nguyên Khê, Xuân Nộn, Dục Tú…chủ yếu là đất trong dân, đất nông thôn thị trường chuyển động chậm hơn, chủ yếu là người tiêu dùng có nhu cầu thực mua với giá trung bình từ 15 - 20 triệu đồng/m2.
Bất động sản Đông Anh vẫn có cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn.
Trao đổi với một số nhà đầu tư địa ốc kỳ cựu được biết thị trường đất nền trong dân ở Đông Anh phải chia làm hai loại, loại ven các dự án lớn giá đã tăng ở mức khá cao từ 1-2 năm trước và loại đất nền sổ đỏ ở các trục đường liên xã, liên huyện vẫn có thể tìm kiếm để đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải xác định đầu tư dài hạn, khó có chuyện lướt sóng.
Đánh giá về cơ hội đầu tư nhà đất Đông Anh, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết hiện tại nhà đầu tư mua đất ở Đông Anh vẫn còn cơ hội sinh lời khi hạ tầng địa phương này sẽ sớm có những thay đổi lớn.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cần xác định đầu tư dài hạn 3-5 năm và cẩn trọng với những lô đất đã tăng giá mạnh. Những sản phẩm có giá từ 50 triệu đồng/m2 trở lên cần phải cân nhắc kỹ, vì giá đã được thổi lên khá cao.
"Mặc dù thị trường đang có những tín hiệu tích cực, nhưng nhà đầu tư cũng không nên chủ quan. Cần cẩn thận, xem xét kỹ về thị trường, giá cả, hồ sơ pháp lý lô đất trước khi xuống tiền, tránh tình trạng mua bán bằng giấy viết tay. Tốt nhất là cần tham khảo thông tin từ các cơ quan quản lý đất đai địa phương", ông Đính nhận định.