Khi con gái lớn của chị Võ Phượng My (tác giả sách "Bỉm sữa cũng có quyền mơ, làm mẹ chưa phải là hết") đang ở giai đoạn mầm non, bé thường hỏi mẹ vào mỗi sáng: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?". Khi nghe câu hỏi này của con, chị My thường trả lời rằng:" Mẹ đi làm để kiếm tiền nuôi con".
Hoặc khi con nhất quyết không để mẹ đi làm, chị thường dỗ ngọt con rằng: "Đồ chơi của Mít ở đâu ra? Sữa Mít uống ai mua cho Mít vậy? Quần áo đẹp làm sao mà có? Do mẹ đi làm mới có tiền mua cho Mít đó". Khi nghe những lời chị nói, con nhìn mẹ với ánh mắt buồn bã nhưng cũng đưa tay cho bà vú bế để mẹ đi làm.
Dù biết là những lời mình nói không hoàn toàn đúng sự thật, rằng chị cũng yêu thích công việc mình làm, yêu thích việc được ra ngoài giao tiếp xã hội và muốn xây dựng sự nghiệp cho bản thân, song song với việc làm mẹ. Nhưng mặt khác, chị lại cho rằng, liệu giải thích cho con nghe tất cả những lời này con có hiểu không? Có thật sự cần thiết không?
Chị Võ Phượng My và các con.
Một ngày, khi bà vú có việc về quê ít hôm, chị ở nhà để trông con. Đến ngày thứ 2, con gái chị lại hỏi thế này: "Mẹ không đi làm lấy sữa đâu con uống? Thôi mẹ đi làm đi!". Lúc này, chị mới cảm thấy sống mũi cay cay. Ở nhà với con được ít hôm con lại muốn "xua đuổi" mẹ thế này. Chị My nhận ra những gì mình nói với con trước đây không đơn thuần chỉ là một lời nói.
Khi trẻ hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?", câu trả lời khác nhau sẽ mở ra góc nhìn khác nhau đối với trẻ
Theo chị My, khi hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?", trẻ thể hiện suy nghĩ đối với thế giới bên ngoài, vì vậy câu trả lời của bố mẹ là vô cùng quan trọng. Câu trả lời khác nhau sẽ mở ra góc nhìn khác nhau đối với trẻ.
Adele Faber, chuyên gia lĩnh vực giao tiếp giữa người lớn và trẻ em, nhà tâm lý học người Mỹ, đồng thời là tác giả 2 quyển sách mà chị rất yêu thích: "Nói sao cho trẻ chịu nghe và Nói sao cho trẻ chịu học", đã nói rằng: "Đừng bao giờ đánh giá thấp tác động của lời nói đến cuộc sống của trẻ".
Câu trả lời: "Bố mẹ đi làm để kiếm tiền nuôi con" có thể nói đúng sự thật về bản chất của việc bố mẹ đi làm nhưng vô hình xây dựng trong trẻ một góc nhìn về việc đi làm của người lớn, rằng đi làm chỉ có kiếm tiền, tiền là quan trọng, thậm chí nhiều trẻ sẽ có suy nghĩ: "Tiền quan trọng hơn mình nên bố mẹ mới bỏ mình đi làm để kiếm tiền".
"Sinh kế và trách nhiệm của bố mẹ trong việc đáp ứng nhu cầu vật chất cho trẻ là không thể phủ nhận. Mình cũng không muốn "tô hồng" cuộc sống và nói dối con về sự thật của việc người lớn ra ngoài kiếm tiền. Tuy nhiên, mình tin rằng bố mẹ hoàn toàn có thể cung cấp cho trẻ một cái nhìn tươi sáng và tích cực hơn về cuộc sống và việc đi làm của người lớn qua những lời nói", chị My nói.
Một vài gợi ý của chị My khi con hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?" là:
- Bố mẹ đi làm vì bố mẹ thích làm việc. Có đồng nghiệp, có khách hàng giống như con đi học có bạn bè có cô giáo.
- Bố mẹ đi làm vì bố mẹ thích học thêm kiến thức, giúp đỡ khách hàng. Và đi làm cũng kiếm được tiền để mua sữa, quần áo và thức ăn ngon cho con.
Chị My có 3 con gái, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tùy theo độ tuổi, khả năng nhận thức và cách con tiếp nhận thông tin, chị chọn nói như sau:
Với con gái lớn, 9 tuổi: "Mẹ đi làm vì mẹ yêu công việc mẹ làm. Cảm giác khi hoàn thành công việc cho mẹ cảm giác như con ăn kẹo ấy. Khi hoàn thành công việc, mẹ được khách hàng trả tiền, và mẹ dùng tiền đó để mua thức ăn cho cả nhà, đóng học phí cho mẹ và cho cả con và dắt các em đi chơi nữa".
Với con gái thứ 2, 6 tuổi: "Mẹ đi làm vì khi đi làm mẹ gặp nhiều đồng nghiệp và khách hàng và rất vui. Giống như con đi học có bạn bè và cô giáo ấy. Mẹ làm việc thì mẹ có tiền để mua sữa cho con (em bé thứ 2 này rất thích uống sữa)".
Khi trẻ nghe bố mẹ trả lời rằng vì yêu công việc nên mới làm, trẻ sẽ dần nhận thức về thế giới bên ngoài theo hướng tích cực là công việc khiến bố mẹ vui. Trẻ sẽ có niềm tin và nỗ lực đối với cuộc sống và sự nghiệp trong tương lai.
Bố mẹ là tấm gương cũng là người đồng hành trên mỗi chặng đường của con
Một trong những người mẹ truyền cảm hứng cho chị My rất nhiều là mẹ của tỷ phú Elon Musk. Bà cho rằng: "Hãy để trẻ trưởng thành trong môi trường làm việc chăm chỉ của bố mẹ, hãy để trẻ biết rằng càng nỗ lực sẽ càng gặt hái được nhiều thành tích và đạt được may mắn".
Với chị, bà Maye Musk là một hình tượng "working mom" (Bà mẹ đi làm) rất đáng ngưỡng mộ, đơn thân nuôi 3 người con đều rất thành công và có một sự nghiệp của riêng mình. Khi nói về mẹ, tỷ phú Elon Musk có lần đã chia sẻ: "Mẹ không bao giờ phàn nàn và luôn mỉm cười trước mọi nghịch cảnh. Thái độ sống của bà chính là của cải quý nhất ban cho anh em chúng tôi".
Một nghiên cứu gần đây trên 50.000 người trưởng thành ở 25 quốc gia cho thấy rằng con gái của những bà mẹ đi làm đã hoàn thành nhiều năm học hơn, có nhiều khả năng được tuyển dụng và ở các vị trí giám sát hơn, đồng thời kiếm được thu nhập cao hơn.
Theo chị My, mục tiêu lớn nhất trên hành trình nuôi dạy con của mình là con có thể trở thành những đứa trẻ độc lập, tự giác và yêu những gì con làm và biết dành công sức để đạt được kết quả. Bố mẹ là người dẫn đường trong cuộc sống của con trẻ. Bố mẹ là tấm gương cũng là người đồng hành trên mỗi chặng đường của con.
"Những lời bố mẹ nói sẽ để lại dấu ấn trên hành trình đó. Vì vậy mỗi khi trẻ hỏi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ đi làm?", bố mẹ hãy nhìn vào mắt con và kiên nhẫn trả lời. Câu trả lời của bố mẹ, thái độ làm việc của bố mẹ sẽ ảnh hưởng rất lớn của trẻ đối cuộc sống sau này trong đó có cả sự nghiệp tương lai của trẻ.
Cho dù bố mẹ có vất vả bên ngoài đến mấy, khi trở về nhà, khi giao tiếp với con, hãy nỗ lực để trẻ hiểu rằng, chẳng có công việc hay tiền bạc nào quan trọng hơn trẻ, cũng chẳng có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của bố mẹ dành cho con", chị nói.