1. Không, xin đừng nhạo báng thí sinh vừa tạo nên một cơn sốt khi đi thi "Ai là triệu phú". Vì ngay cái tên của chương trình đã nói hộ rằng, chẳng riêng nữ kỹ sư 24 tuổi kia, mà đa số nhân loại đều quan tâm hơn tất thảy đến việc kiếm tiền.
Được làm tỷ phú như Donald Trump là nhất, nhưng là triệu phú cũng không tệ. Và muốn có một tài khoản bao gồm hơn chục chữ số, liệu công thức nấu canh cua có giúp ích nhiều lắm không?
Chắc chắn nhiều người sẽ rất giận, tuy nhiên vẫn xin nói thẳng là El Nino hay canh cua chẳng liên quan mấy đến mục đích sống của loài người. Ví dụ là một kỹ sư xây dựng, điều quan trọng nhất là phải biết tính chất của xi măng, gạch, ngói. Nếu là một thợ sửa xe máy, thứ bắt buộc phải biết chính là cam, nhông, pít tông.
El Nino là gì, đấy là trách nhiệm của những người nghiên cứu thời tiết, môi trường. Canh cua thì là chuyên môn của đầu bếp hoặc những ai làm công việc nội trợ. Đừng yêu cầu một nữ kỹ sư bận rộn phải biết nấu canh cua, vì cô ấy có thể thuê người nấu hoặc đơn giản là đi ăn tiệm.
Nữ kỹ sư bị chỉ trích vì không biết El Nino là gì.
Kiến thức chuyên môn, trong bất kỳ trường hợp nào, mới là điều kiện không thể thiếu. Còn kiến thức xã hội, nó giống như một dạng gia vị giúp tô điểm cho cuộc sống. Có thì tốt, không có cùng lắm thì bị cười chê.
Không hề nói xạo, có một nhà báo thâm niên cứ nghĩ "Thép đã tôi thế đấy" là một cuốn sách kỹ thuật. Lại có một sinh viên ngành du lịch không thể kể tên nhiều hơn 5 vùng biển được đông đảo du khách viếng thăm tại Việt Nam.
Thậm chí có một thợ trang điểm có tuổi tại TP. HCM từng nói: "Tôi cứ tưởng Lào và Cambodia là một chứ. Lào là phiên âm tiếng Việt, còn Cambodia là đọc đúng theo kiểu nước ngoài". Không biết tí gì về địa lý, nhưng thợ trang điểm nọ lại cực giỏi nghề nên có mức thu nhập khiến khối kẻ phải ngưỡng mộ. Với bà, đời thế là quá đẹp.
Ngược lại, có hàng trăm ngàn trí thức sưu tầm đủ cả bằng cử nhân lẫn thạc sĩ, biết đích xác Ethiopia tiêu tiền gì, có thể giải thích cặn kẽ nội dung của lá phiếu đại cử tri trong cuộc bầu chọn Tổng thống Mỹ và hiểu rõ lý do mặt trăng lúc tròn lúc méo, nhưng giờ đang thất nghiệp hoặc không kiếm đủ tiền nuôi chính bản thân.
Đến giờ ăn mà trong túi chẳng có xu nào, El Nino là gì thì kệ xác nó.
2. Rất không may cho nữ kỹ sư nhận được câu hỏi "khó" về El Nino. Nếu là một cầu thủ bóng đá dự thi "Ai là triệu phú", câu trả lời có lẽ sẽ được đưa ra trong vòng một cái chớp mắt: "Thưa nhà báo Lại Văn Sâm, El Nino là biệt danh của tiền đạo Fernando Torres".
Với các fan bóng đá, đây là El Nino.
Xin đừng trách các ngôi sao sân cỏ nếu họ nói như vậy. Bởi để vươn lên từ một đứa trẻ ngây ngô thành một cầu thủ chuyên nghiệp, thời gian học văn hóa hay bồi dưỡng kiến thức xã hội là rất eo hẹp.
Cách đây hơn chục năm, một cầu thủ từng khoác áo Than Quảng Ninh kể rằng cả đội chỉ có duy nhất một người học hết cấp 3, còn lại toàn giữa cấp 2 là bỏ hoặc chưa học xong cấp 1. Nay, chuyện học vấn, kiến thức xã hội của các cầu thủ tại V-League vẫn là đề tài không được thoải mái khi đề cập.
Đừng nói là ở Việt Nam, ngay cả ở các nước tự cho là tiên tiến như Anh, Pháp hay Đức, cũng không dễ tìm thấy một cầu thủ có bằng cấp đầy đủ, biết canh cua nấu với cái gì. Với họ, việc kiếm được một CLB tươm tất để đầu quân, rồi làm sao để kéo dài hợp đồng, tăng lương mới là đáp án đúng.
Tại giải Premier League, đá bóng 1 tuần bằng người bình thường lao động cả năm, thế nên những Rooney, Mane hay Hazard chẳng hơi đâu mà quan tâm đến mấy câu hỏi hại não kiểu như... "Đây là mũ lưỡi gì?" của chương trình "Ai là triệu phú".
3. Ở vào một thời điểm nhất định, đa số chỉ quan tâm đến chuyện ních đầy túi tiền. Túi khôn thì cứ để đấy, vì ngay lúc ấy nó không có bao nhiêu ích lợi cả. Nhưng dần dà, khi sức lao động vơi đi, nhiều người từng lấy tiền làm đệm bỗng nhiên ớn lạnh.
Một ví dụ chua xót cho nghỉ đá bóng là mất tất cả, đó là ngôi sao tại World Cup 1990 và EURO 1996 - Paul Gascoigne. Do không có sự chuẩn bị cần thiết về kiến thức, văn hóa và tinh thần, Gascoigne đã trở thành một kẻ lông bông, nghèo đói, nát rượu.
Bạn có tin được đây là Paul Gascoine (áo trắng) ở tuổi 49?
Không ai đếm xuể số lần cựu tiền vệ Tottenham và ĐT Anh phải nhập viện trong trạng thái cận kề cái chết. Những lúc như vậy, Gascoigne chắc hẳn vô cùng hối hận vì không biết El Nino là gì. Kể từ ngày mạng internet, truyền hình cáp với smart phone, Facebook ra đời, những người như Gascoigne hay nữ kỹ sư không biết nấu canh cua cứ xuất hiện càng lúc càng nhiều.
Chẳng lẽ, con người nên quay lại thời kỳ mà muốn có thông tin là phải mua tờ báo giấy hoặc mở cuốn sách dày như viên gạch ba banh?