"Cầu thủ này là con... đồng chí nào?"

AQ |

“Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, tư trí tuệ”. "Đồng chí này là con đồng chí nào?"...

Những điệp khúc quen thuộc ấy cứ lởn vởn trong dư luận còn nhiều hơn cả việc các CĐV Liverpool ngân nga ca khúc nổi tiếng của họ.

Bài hát truyền thống của Liverpool có tiêu đề "You'll never walk alone". Có người vui tính đã dịch thành "Bạn sẽ không bao giờ phải... thăng tiến một mình". Nghe vừa nhảm nhí lại vừa chí lý. Vì ngay từ kỷ nguyên của các bộ lạc mông muội việc cha truyền con nối đã xuất hiện. Sang thời phong kiến, vẫn là "Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa".

Ở thời điểm hiện tại, một đất nước tại châu Á tiếp tục duy trì chính sách chủ tịch cha sẽ sinh ra chủ tịch con trong sự đồng thuận tuyệt đối của dân chúng.

Đừng nói là ở tầm địa danh rộng lớn, ngay trong những đơn vị nhỏ có nhân lực cỡ một đội bóng đá cũng có thể nghe thấy một báo cáo đại loại là "Thưa đồng chí bố, đồng chí cậu nhậu say không thể dậy đi họp, đồng chí chú đang bận đưa vợ đi siêu thị, còn đồng chí bác vừa đi hầu đồng về mệt quá cũng xin vắng mặt".

Cầu thủ này là con... đồng chí nào? - Ảnh 1.

Thành Cát Tư Hãn chẳng có được cho mình người nối dõi xứng đáng.

Trong khi đại đa số không đồng tình với hiện tượng chọn người nhà thay vì người tài, cũng có ý kiến cho rằng không nên phán xét chuyện "con ông cháu cha" bằng lăng kính quá tiêu cực. Đó là ý kiến đáng được lắng nghe. Bởi nếu người nhà tài hơn người ngoài, không trọng dụng thì có khác nào tự tay bóp... má.

Chỉ hiềm một nỗi, "hổ phụ sinh hổ tử" - ở đây chỉ bàn về tài năng chứ không phải chức tước - lại không phải là điều thường xuyên xảy ra trong lịch sử nhân loại. Ví dụ Mozart con kém cha, Van Gogh con thua bố, con Thành Cát Tư Hãn không bằng cụ thân sinh... Có cả những vĩ nhân mà con cái không bao giờ được nhắc đến.

Đấy quả thực là một nỗi buồn không hề nhẹ. Cứ thử hình dung, nếu con Leonardo da Vinci giỏi hơn bố thì loài người có thể đã được đi máy bay từ thế kỷ 15 chứ không phải đợi tới mãi sau này. Vậy nên, "con ông cháu cha" không hẳn là xấu. Tất cả xấu đẹp hoàn toàn là do cách chúng ta định nghĩa, đánh giá và đối xử với hiện tượng này mà thôi.

Một trong những lĩnh vực ít ỏi luôn có cái nhìn cởi mở, thậm chí khuyến khích, dành cho vấn đề "con ông cháu cha", ấy là bóng đá. Nếu một chính khách có thể không vui khi nhiều người thân làm quan, thì ngược lại, một cầu thủ sẽ vô cùng tự hào trong trường hợp con cháu có khả năng nối nghiệp.

Hãy nhìn vào mắt cựu thủ môn Man United là Peter Schmeichel, ta sẽ thấy niềm hạnh phúc vô bờ khi quý tử Kasper Schmeichel cùng Leicester đăng quang tại Premier League mùa trước.

Cầu thủ này là con... đồng chí nào? - Ảnh 2.

Kasper Schmeichel giờ đã có thể ngẩng cao đầu khi nhắc đến tên "ông cụ thân sinh".

Về phần mình, cậu chàng Kasper giờ đây đi đâu cũng có thể hiên ngang khoe rằng: "Tôi là con đồng chí Peter" thay vì cố gắng che đậy nguồn gốc như nhiều thanh niên "tuổi trẻ tài cao" ở các ngành nghề khác. Nhà Schmeichel có quyền ngẩng cao đầu, bởi lịch sử bóng đá không sản sinh ra nhiều cặp cha con "hoành tráng" như thế.

Pele được mệnh danh là Vua bóng đá, nhưng con trai ông là Edinho chỉ là một thủ môn hạng xoàng, giải nghệ sớm trong im lặng rồi cách đây không lâu bị bắt vì liên quan đến tội phạm ma túy.

Hoàng đế Franz Beckenbauer có 3 còn trai, song không ai làm gợi nhớ về quá khứ lẫy lừng trên sân cỏ của đấng sinh thành. Con trai Thánh Johan Cruyff là Jordi cũng không thoát ra khỏi cái bóng khổng lồ của ông bố.

Goolge mãi, rốt cuộc chỉ được vài cặp bố con cùng thuộc diện thành danh như Cesar và Paolo Maldini, Danny và Daley Blind hay Miguel và Pepe Reina.

Năm 1996, nhà Gudjohnsen cũng gây xôn xao khi cậu con trai Eidur vào sân thay chính bố đẻ Arnor trong một trận đấu của đội tuyển Iceland. Tại Việt Nam, hình như có mỗi cặp Đỗ Cẩu và Đỗ Văn Khải là được xem là ngang tài ngang sức.

Cầu thủ này là con... đồng chí nào? - Ảnh 3.

Rồi đây, cậu nhóc Kai sẽ phải tìm vinh quang cho mình bằng chính đôi chân nhỏ ngày nào, chứ chẳng thể bằng chiếc băng đội trưởng của ông bố.

Mới rồi, người ta thấy cậu nhóc Kai đã được ông bố nổi tiếng Wayne Rooney gửi gắm vào lò đào tạo trẻ Man United. Hy vọng rằng dưới sự dìu dắt tận tình của các bác, các chú quen biết với bố Wayne, Kai sau này sẽ trở thành một ngôi sao sân cỏ chói sáng.

Tất nhiên, quan hệ chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là Kai phải có khát vọng, tài năng và quan trọng nhất là phải nghiêm túc phấn đấu. Chứ động tí lại lôi smartphone ra "gọi điện cho người thân" là sẽ chẳng thể làm được gì cho đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại