Cầu Đuống bắc qua sông Đuống, nối phường Đức Giang (Long Biên) với thị trấn Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội. Cầu do thực dân Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, khi thông xe năm 1902 cầu có 5 nhịp, 2 mố và 5 trụ với trụ giữa có thể quay được. Còn cầu sông Hàn khánh thành năm 2.000, là cầu quay duy nhất ở Việt Nam hiện nay.
Cầu Đuống bắc chéo dòng chảy của sông một góc khoảng 45 độ. Các mố và trụ có móng bằng giếng chìm, có khả năng chịu đựng lưu lượng dòng chảy là 4.500m3/s. Nhịp chính giữa là nhịp xoay, nằm trên trụ số 3 là một trụ tròn. Mỗi khi có tàu bè, nhịp này có thể xoay để tàu bè qua lại được dễ dàng.
Trong chiến tranh chống Mỹ, cầu Đuống bị máy bay Mỹ ném bom trúng khiến cây cầu gần như biến mất, chỉ còn lại những mố cầu ở 2 đầu. Hòa bình lập lại, cầu được xây lại ở đúng vị trí cũ, đến năm 1981 thì hoàn thành và thông xe.
Do nhu cầu thực tế, cầu đã được thiết kế khác hoàn toàn cầu cũ. Cầu mới đã giảm từ 5 trụ xuống còn 3 trụ (bỏ trụ số 2 và số 4), để tạo thuận lợi cho tàu bè qua lại. Dầm cầu làm bằng hợp kim thép do Trung Quốc chế tạo riêng. Mặt cầu làm từ các bản bê tông cốt thép.
Cầu Đuống có chiều dài 225 mét, là cây cầu kết hợp cả đường bộ và đường sắt giống như cầu Long Biên. Hai bên là làn đường cho các phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ đi lại, thiết kế ban đầu dành cho xe có tải trọng tối đa 30 tấn.
Năm 2010, cầu được đại tu nhân chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Tuy nhiên trải qua hơn 40 năm đưa vào sử dụng, cầu Đuống hiện nay đã xuống cấp nhiều.
Dầm cầu đã xuất hiện nhiều điểm han gỉ. Hệ thống cọc bị xói mòn làm trơ ra cả phần cốt thép của trụ cầu. Anh Nguyễn Đức Minh (43 tuổi), thường xuyên di chuyển từ Bắc Ninh qua cây cầu này ra Hà Nội chia sẻ: “mỗi khi có các phương tiện trọng tải lớn đi ngang qua là cây cầu lại rung lên bần bật, tôi còn nghe rõ tiếng leng keng phát ra từ lan can cầu”.
Trước tình hình đó, cầu Đuống sẽ được xây dựng lại theo hướng tách riêng cầu đường bộ và cầu đường sắt. Cầu Đuống đường sắt mới sẽ xây dựng về phía thượng lưu sông Đuống, cách cầu hiện nay khoảng 16,5m, trùng vị trí xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 330m, với thiết kế đường sắt khổ ray lồng 1.000mm và 1.435mm.
Cầu Đuống đường bộ mới dự kiến xây dựng cách cầu hiện hữu 100m về phía hạ lưu, cầu mới dài khoảng 472m và chiều rộng cầu 16m. Thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2025. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.877 tỷ đồng. Sau khi 2 cầu mới được xây dựng, cầu Đuống cũ sẽ được tháo dỡ để tàu thuyền qua lại dễ dàng. Trong ảnh là thiết kế của cầu Đuống mới.