“Cậu ơi, mình thân nhau như thế nào vậy?” - Câu hỏi gây nhức nhối với người trong cuộc mà khoa học lại... trả lời gọn ơ

Đạt Lê |

Câu hỏi này cũng tương tự như chỉ cách chạy xe đạp vậy. Mọi người sẽ nói: "Nào, để chân lên bàn đạp, rồi ĐẠP ĐI! Có cảm giác gì chưa?"

Bạn có đang nghĩ đến ai không? Cô bạn vừa mới giận dỗi hay cậu chàng hứa đi ăn chung mà cứ thất hẹn mãi hay có khi là cả hội bạn "xa là nhớ, gặp nhau cãi om sòm". Dù gì, thật may mắn là có bạn thân!

Còn nếu không, hi vọng những chia sẻ dưới đây của khoa học sẽ giúp bạn tìm thấy tình bạn chí cốt của đời mình vì nó quan trọng lắm.

Nhưng như thế nào là bạn thân?

Câu hỏi này cũng tương tự như chỉ cách chạy xe đạp vậy. Mọi người sẽ nói: "Nào, để chân lên bàn đạp, rồi ĐẠP ĐI! Có cảm giác gì chưa?"

Thực tế có lẽ còn khắc nghiệt và lắm gào thét hơn. Nhưng cơ bản là thế, ai học đạp xe mà chẳng phải thử đi thử lại. Ngã, đau, có khi khóc, lại trèo lên, rồi ngã. Sau ít lâu, khi luyện "nhừ mình" và tay chân bắt đầu thấy quen quen thì vòng xe sẽ tự quay mà thôi.

“Cậu ơi, mình thân nhau như thế nào vậy?” - Câu hỏi gây nhức nhối với người trong cuộc mà khoa học lại... trả lời gọn ơ - Ảnh 1.

Vòng quay tình bạn cũng vậy, chúng ta cần đủ thời gian, trải nghiệm và sự cố gắng để "cảm nhận" về nhau. Chẳng có gì là tự nhiên cả. Và cũng chẳng có một định nghĩa duy nhất về bạn thân, bạn nghĩ như thế nào thì bạn thân sẽ là như thế đó.

Nhưng nếu bạn khăng khăng cần một khung tham khảo thì có đây.

Giáo sư Jeffrey A.Hall - giảng dạy môn truyền thông tại ĐH Kansas, Mỹ - vừa đưa ra những thống kê thú vị về tình bạn thân dựa trên nhiều khảo sát khác nhau.

Mình thân nhau ra sao à? Mình đã ở bên nhau lâu thật lâu

Thời gian là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào tình bạn. Thậm chí giáo sư Hall còn thực hiện 2 cuộc khảo sát để tính thời gian trung bình mà chúng ta biến "người lạ ơi" thành bạn bè chí cốt.

Khảo sát đầu tiên gồm 335 người trưởng thành mà vừa mới chuyển chỗ ở. Họ sẽ được hỏi những câu như: Ai là người đầu tiên bạn quen ở nơi mới?

Cả hai đã trải qua bao nhiêu thời gian cùng nhau? Mức độ gần gũi giữa hai người. Và bạn xem đối phương là ai - người quen, bạn hay bạn thân?

Khảo sát thứ hai diễn ra với 112 sinh viên năm nhất. Giáo sư Hall yêu cầu mỗi sinh viên chọn ra 2 người mà họ mới làm quen.

Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi các mối quan hệ này trong suốt 9 tuần đầu tiên của năm học. Đồng thời tại các giai đoạn, mỗi người tham gia sẽ cho biết họ dành ra bao nhiêu thời gian cho bạn mới và mức độ thân thiết đến đâu rồi.

“Cậu ơi, mình thân nhau như thế nào vậy?” - Câu hỏi gây nhức nhối với người trong cuộc mà khoa học lại... trả lời gọn ơ - Ảnh 2.

Sau khi khảo sát, Hall đưa ra kết luận: Bạn sẽ cần 50 giờ để biến một người lạ thành người quen, 90 giờ để biến người quen thành bạn, và 200 giờ đồng hồ cùng nhau để trở thành bạn thân.

Nói tóm lại, theo những người được khảo sát, họ đánh giá mối quan hệ gọi là "thân" khi đã cùng nhau trải qua 340 giờ đồng hồ. Nghĩa là khoảng 15 ngày đêm bên nhau liên tục.

Hay một trường hợp khác có thể diễn ra như thế này. Nếu mỗi ngày bạn gặp ai đó 1 tiếng đồng hồ thì mất hơn 11 tháng để hai người trở nên thân thiết với nhau. Nhưng mọi thứ không đơn giản như thế, không phải cứ gặp nhau thường xuyên là có thể làm bạn.

Mình làm gì và nói gì khi gặp nhau?

Thực tế từ nhiều cuộc khảo sát, Hall nhận ra rằng đơn thuần cùng học tập hay làm việc sẽ ít cho ta khoảng không để phát triển tình bạn. Ngược lại, đi chơi, cùng xem ti vi hay một trò chơi nào đó sẽ dễ khiến con người trở nên thân thiết hơn.

Vậy mới hiểu vì sao lúc làm bài thì cãi nhau như chó với mèo, nhưng chỉ cần một buổi trực nhật cùng về trễ hay một giờ nghỉ tiết phá banh thôi là cảm thấy như đã thân nhau lắm!

“Cậu ơi, mình thân nhau như thế nào vậy?” - Câu hỏi gây nhức nhối với người trong cuộc mà khoa học lại... trả lời gọn ơ - Ảnh 3.

Ngoài việc "làm gì" thì nội dung của các cuộc trò chuyện cũng là một vấn đề sống còn. Nếu chúng ta chỉ hỏi thăm qua loa, chuyện trò xã giao thì chẳng thể thân nhau được.

Giáo sư Hall mô tả những cuộc chuyện trò dẫn tới một tình bạn keo son có đặc điểm chung như: quan tâm, hỏi han về tình hình của nhau; cười đùa và chuyện trò có ý nghĩa.

Để minh họa cho ý kiến của giáo sư Hall, có một trích dẫn về các cuộc tâm sự như thế này:

- Mình ghét những cuộc trò chuyện ngắn tủn.

- Mình muốn nói về nguyên tử, cái chết, người ngoài hành tinh, sex, phép thuật, và ý nghĩa cuộc sống, những thứ xa xôi như vì sao, những lời nói dối của cậu, điểm yếu của cậu, mùi hương mà cậu thích, hồi nhỏ cậu như thế nào, cái gì làm cậu sợ không ngủ được, khi nào cậu cảm thấy bất an nhất...

- Mình thích nói chuyện thật sâu, đầy cảm xúc và vặn vẹo nhau nữa.

- Mình phát ngán những kiểu "Dạo này thế nào"quá rồi.

“Cậu ơi, mình thân nhau như thế nào vậy?” - Câu hỏi gây nhức nhối với người trong cuộc mà khoa học lại... trả lời gọn ơ - Ảnh 4.

Là thế đấy, cuộc trò chuyện ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận đối phương nhiều lắm. Bạn có từng nghe về 36 câu hỏi khiến nảy sinh tình yêu không?

Chuyên gia nghiên cứu tâm lý Arthur Aron đã liệt kê ra các câu hỏi như vậy. Ông nghĩ rằng nó sẽ giúp gắn kết 2 cá thể với nhau vì nội dung câu hỏi đề cập đến những chia sẻ bên trong của chúng ta.

Tình bạn cũng như vậy, chỉ khi hiểu biết một người đến mức nào đó thì chúng ta mới dám nhận là "thân".

Nghiên cứu của giáo sư Hall và nhiều nguồn khác còn cho thấy: Sự cởi mở của bản thân mỗi người trong giai đoạn đầu của tình bạn rất quan trọng. Càng chia sẻ chi tiết (một cách chậm rãi và có ý tứ) về bản thân mình cho nhau nghe thì sợi dây tình bạn sẽ càng thêm bền chặt.

Một điều đáng chú ý khác: trong một vài trường hợp chúng ta sẽ cảm thấy dễ kết bạn hơn. Đó là khi cả hai đều hợp ý, cởi mởi, thoải mái với những trải nghiệm khác nhau của đối phương và biết quan tâm đến người kia. Khi đó, chất hóa học mang tên tình bạn sẽ phản ứng tưng bừng.

Bạn-đã-từng-thân

Hành trình của tình bạn nhiều khi không bằng phẳng mà có những ngã rẽ bất ngờ. Giáo sư Hall giải thích: "Nhiều khi chúng ta nghĩ ai đó là bạn. Nhưng nghĩ kĩ lại, chúng ta thấy họ chỉ là người quen mà thôi. Với suy nghĩ đó mối quan hệ lại ngày càng xa cách thêm".

“Cậu ơi, mình thân nhau như thế nào vậy?” - Câu hỏi gây nhức nhối với người trong cuộc mà khoa học lại... trả lời gọn ơ - Ảnh 5.

Điều đó cũng đúng với những người bạn thân trở thành bạn bè bình thường. Nhưng cụ thể mất bao lâu thì Hall lại không thể hiện trong nghiên cứu.

Thay vào đó, ông cho rằng mạng xã hội đã giúp con người rất nhiều trong việc liên lạc với người bạn ở xa nhằm duy trì mối quan hệ mà ít tốn công sức nhất.

Ông cho biết: "Thời gian là hữu hạn. Chúng ta dành thời gian của mỗi một ngày cho những người mình quan tâm nhất. Tôi không nghĩ là con người thật sự mệt mỏi với những tình bạn cũ, họ chỉ không ưu tiên cho nó mà thôi".

Tạm kết

Kết luận của giáo sư Hall thật buồn vì ông chỉ rõ ra đôi khi chúng ta không còn (có thể) dành quá nhiều thời gian cho người bạn cũ nữa. Nhưng đồng thời, nó cũng cho thấy niềm lạc quan rằng ngọn lửa tình bạn sẽ luôn là một đốm sáng, khi ngọn gió thổi đúng lúc lại bùng cháy lên.

Bạn thân – tìm được nhau khó thế nào! Trải qua bao nhiêu thời gian, cùng chơi đùa, cùng nói chuyện đêm khuya thật "sâu"... Vậy nên hãy giữ cho tình bạn luôn trong sáng để dù nó có qua đi, chúng ta vẫn có thể mỉm cười khi nghĩ về kỉ niệm đẹp từng ở bên nhau nhé!

Nguồn: Business Insider, Daily Mail

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại