Câu nói của con khiến 2 bà mẹ hối hận vì cách ứng xử sai lầm

Thúy Nga |

“Mình không biết phải làm thế nào cho các con hiểu rằng ‘Bố mẹ yêu con nhiều lắm’, nhưng thật đau lòng khi bản thân đã khiến con phải nói ra câu: ‘Bố mẹ không yêu con’”.

Xuất hiện trong tập 2 của chương trình “Cha mẹ thay đổi” là câu chuyện của hai gia đình chị Vũ Thị Hường (Hà Nội) và chị Kiều Phương Hảo (Vĩnh Phúc). Điểm chung của cả hai gia đình này đều là việc gặp khó khăn trong kết nối với con cái.

Gia đình chị Hường (34 tuổi) có hai cô con gái là Cún (6 tuổi) và Kén (4 tuổi). Nhận xét về con, chị Hường cho biết: “Con mình có nhiều điểm không thể nào so với con của bạn mình. Ở cùng độ tuổi nhưng con của người bạn ấy có rất nhiều ưu điểm”.

Câu nói của con khiến 2 bà mẹ hối hận vì cách ứng xử sai lầm - Ảnh 1.

Gia đình chị Hường (34 tuổi) có hai cô con gái là Cún (6 tuổi) và Kén (4 tuổi)

Buổi sáng của gia đình chị Hường bắt đầu bằng sư bất lực của người mẹ trước sự nhõng nhẽo và “mít ướt” của hai cô con gái. Bữa sáng thường không mấy vui vẻ do chị Hường hay la mắng và bực tức với con.

Mỗi lần bị mẹ quát, Kén sẽ khóc và chạy ra cầu cứu bố. Người bố mặc dù hiểu tâm trạng của con nhưng cũng không có hành động gì khác. Và trước những đòi hỏi của mình, lúc nào câu trả lời hai chị em nhận lại từ mẹ cũng là “Không!”.

Hay như việc đi trong thang máy, khi Cún đang vui vẻ đùa nghịch thì chị Hường lại tát nhẹ vào má con và mắng: “Im mồm!”. Nghe thấy mẹ quát, cả hai chị em liền im re.

Chị Hường cho rằng: “Hai con đều rất hay khóc và mè nheo. Mình phải kỷ luật và làm cho con sợ, từ đó, con sẽ nghe lời mình”. Vì thế, 100% cuộc hội thoại giữa mẹ và con đều là những yêu cầu, áp đặt, thậm chí là đe dọa.

Chị Hường cho đó là điều bình thường vì xung quanh vẫn có rất nhiều ông bố, bà mẹ làm như thế. Chỉ đến khi chị nhận được một bức thư từ con gái lớn viết: “Mẹ không yêu thương con. Bố cũng không yêu thương con. Cả nhà không yêu thương con”, chỉ khi ấy chị mới giật mình nhận ra cách dạy con sai lầm.

Câu nói của con khiến 2 bà mẹ hối hận vì cách ứng xử sai lầm - Ảnh 2.

Khi Cún đang vui vẻ đùa nghịch thì chị Hường lại tát nhẹ vào má con và mắng: “Im mồm!”.

Trong khi đó, gia đình chị Phương Hảo lại hoàn toàn ngược lại khi người bố nghiêm khắc, kỷ luật còn mẹ luôn nhẹ nhàng.

“Mình luôn muốn dạy con bằng yêu thương và chỉ có phân tích. Nhưng con không nghe lời mình mà chỉ nghe lời bố. Chồng mình cho rằng, chính do mình quá nhu nhược nên con mới bắt nạt lại. Anh nói, dạy con cần nghiêm khắc, đôi khi phải quát mắng, đòn roi”, chị Hảo kể.

Giống như gia đình chị Hường, nhà chị Hảo cũng bắt đầu ngày mới bằng tiếng khóc của Tôm (8 tuổi). Vì được mẹ chiều chuộng từ bé nên Tôm chỉ thích làm theo ý mình.

“Mình luôn muốn nhẹ nhàng với con nhưng có lúc mình nói con không nghe lời. Thật sự mình rất hoang mang, lo lắng”, chị Hảo chia sẻ.

Dù đã sử dụng mọi biện pháp cứng rắn hay mềm mỏng nhưng chị Hảo vẫn không thể kết nối được với con.

Câu nói của con khiến 2 bà mẹ hối hận vì cách ứng xử sai lầm - Ảnh 3.

Gia đình chị Phương Hảo lại hoàn toàn ngược lại khi người bố nghiêm khắc, kỷ luật còn mẹ luôn nhẹ nhàng.

Quan sát câu chuyện của cả hai gia đình, GS. Peck Cho (ĐH Hàn Quốc, Ủy viên Hội đồng cố vấn chính sách – Bộ Giáo dục Hàn Quốc) cho rằng: “Cha mẹ biết nhà là nơi trái tim thuộc về. Họ biết nhưng lại không có phương pháp và kỹ thuật yêu thương”.

Cụ thể trong câu chuyện của chị Hường, GS. Peck Cho nhận xét, lúc nào đứa trẻ cũng nhận được lời nói “không” từ mẹ, thậm chí nhìn cũng không. Cô bé mất hết cảm xúc và trái tim dường như đóng lại. Khi ấy, từ góc độ của đứa trẻ thì người mẹ không hơn một người huấn luyện, người nấu ăn và không có sự chia sẻ”.

Được chuyên gia chỉ ra sai lầm, chị Hường không ít lần bật khóc vì nhận ra mình đã không biết cách thể hiện tình yêu với con và khiến con căng thẳng, cảm thấy bị xa lánh.

Trở về nhà, thay vì luôn áp đặt, quát mắng và nhận lại nỗi ấm ức cùng giọt nước mắt của con, chị Hường dần trở nên kiên nhẫn, chấp nhận những sai lầm và cùng con sửa chữa. Có được sự động viên nhẹ nhàng từ mẹ, Cún trở nên thích thú hơn với việc học.

Không còn những bức thư tủi hờn cho rằng “Bố mẹ không yêu con” nữa, giờ đây, cô bé đã biết nói lời yêu thương với bố mẹ và em.

Câu nói của con khiến 2 bà mẹ hối hận vì cách ứng xử sai lầm - Ảnh 4.

Được chuyên gia chỉ ra sai lầm, chị Hường không ít lần bật khóc vì nhận ra mình đã không biết cách thể hiện tình yêu với con.

Còn đối với gia đình chị Hảo, theo GS. Peck Cho, sai lầm xảy ra từ chính cách giáo dục không đồng nhất giữa hai bố mẹ.

“Cách giáo dục của bố mẹ khác nhau và không chỉ cách giáo dục, cách tiếp cận cũng khác nhau. Khi người mẹ cho phép nhưng bố thì không, điều này đã gây ra những mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cái”.

Giờ đây, cả hai vợ chồng chị Hảo đã lựa chọn cách tôn trọng và lắng nghe con nói. Thay vì muốn con làm theo ý mình, chị sẽ nhẫn nại hỏi con lý do vì sao con không muốn.

“Điều quan trọng nhất là mình phải hiểu con muốn gì và tôn trọng cảm xúc của con. Thay vì đánh giá hành vi của con là hư, không nghe lời, mình sẽ tìm hiểu đằng sau hành vi ấy là mong muốn gì”, chị Hảo tâm sự.

Buông bỏ bớt những kỳ vọng, không đòi hỏi sự hoàn hảo và khắt khe từ con, sẵn sàng khích lệ và dành cho con những lời khen,… nhờ những thay đổi tích cực ấy của mẹ, Tôm dần trở nên vui vẻ và biết thể hiện cảm xúc yêu thương với mọi người.

GS. Peck Cho cho rằng, bố mẹ cứ nghĩ rằng mình thương con thì phải dạy dỗ, đánh con để con có một cuộc sống hạnh phúc, tốt đẹp hơn. Bố mẹ có thể đánh con bất cứ khi nào vì nó tiện và miễn phí. Nhưng đánh con không phải là phương pháp bởi nó không mang tình yêu.

“Cha mẹ không cần thay đổi tính cách, cha mẹ chỉ cần thay đổi cách cư xử với con”, GS. Peck Cho khẳng định.

"Cha mẹ thay đổi" là serie phim tài liệu nằm trong dự án "Thay đổi" do Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục VTV7 khởi xướng trong 3 năm vừa qua như Thầy cô chúng ta đã thay đổi, Hiệu trường thay đổi.

5 tập phim của "Cha mẹ thay đổi" là những hình ảnh chân thực về mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái trong các gia đình, đồng thời là một thông điệp đầy ý nghĩa về việc làm thế nào có thể mang lại hạnh phúc thật sự cho con trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại