Đường Lên Đỉnh Olympia là cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh phổ thông đã có tuổi đời 22 năm. Dù đã đi qua gần 1/4 thế kỷ song chương trình vẫn có sức hút nhất định và người chiến thắng cuối cùng trong trận chung kết năm luôn là tâm điểm của truyền thông.
Trận chung kết Olympia năm thứ 6 là cuộc so tài của 4 chàng trai Lê Vũ Hoàng (THPT số 1 Bố Trạch, Quảng Bình), Thân Nguyên Hậu (Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, Cần Thơ), Dương Phú Thái (THPT Xuân Hòa, Vĩnh Phúc), Nguyễn Hồng Đức (THPT Nhân Chính, Hà Nội).
Người chiến thắng cuối cùng, được nhận giải thưởng 35.000 USD cùng chuyến học bổng toàn phần tại Úc năm đó là Lê Vũ Hoàng. Anh cũng là một trong những Quán quân khiến khán giả chú ý nhất vì sự thành đạt của mình nơi đất khách.
Trận thi chung kết năm đó là màn so kè điểm số gay cấn đến từ 4 thí sinh khi tất cả đều ngang tài ngang sức và chưa ai thực sự vươn lên bứt phá để tạo ra cách biệt lớn đến khi kết thúc phần thi Tăng tốc.
Nhưng bước vào phần Về đích, anh Vũ Hoàng đã khiến khán giả cả nước vỡ òa khi thành công trong lượt thi đầu tiên của mình cùng ngôi sao hy vọng. Câu hỏi này có nội dung liên quan tới kiến thức Địa lý: Tại nơi nào trên Trái Đất, bạn có thể nói lúc ấy là bao nhiêu giờ cũng đúng? Vì sao?
Vũ Hoàng sau 15 giây suy nghĩ đã quyết định đặt ngôi sao hy vọng và đưa ra câu trả lời của mình như sau: Nơi trên Trái Đất, bạn có thể nói lúc ấy là bao nhiêu giờ cũng đúng là Nam Cực và Bắc Cực vì đó là nơi hội tụ của các múi giờ.
Câu trả lời được MC Kiều Anh thông báo là chính xác, cả đầu cầu Quảng Bình dường như vỡ òa trước kết quả này vì nam sinh từ 130 điểm, bằng điểm với 1 thí sinh khác đã vươn lên dẫn đầu đoàn leo núi với 170 điểm. Kết quả này được duy trì đến hết trận thi vì các câu hỏi Về đích khác, các thí sinh không nhiều lần ghi điểm thành công.
Giải thích rõ hơn cho câu hỏi trên, vì tất cả các đường kinh độ hội tụ ở Bắc và Nam. Nam Cực và Bắc Cực về mặt kỹ thuật sẽ có tất cả các múi giờ. Nói cách khác mọi múi giờ đều đồng quy tại cực
Ở hầu hết mọi nơi trên Trái Đất, giờ địa phương hầu như đồng bộ với vị trí của Mặt trời. Nhưng ở Nam Cực và Bắc Cực, nơi Mặt trời luôn chiếu sáng gần như cả ngày trong nhiều tháng thì việc thiết lập một múi giờ ở đây dường như không khả thi.
Không ngoa khi nói câu hỏi trên là bước ngoặt của trận thi đấu, đưa nam sinh đất Quảng Bình có lợi thế về điểm số, cuối cùng giúp Vũ Hoàng đoạt vòng nguyệt quế một cách thuyết phục.
Nam Cực được chiếu sáng suốt nhiều tháng liền
Vô địch Olympia, Lê Vũ Hoàng nhận được phần thưởng là 35.000 USD cùng suất học bổng tại Đại học Kỹ thuật Swinburne, Australia. Năm 2011, anh nhận bằng cử nhân danh dự ngành Điện tử, sau đó năm 2015 anh tốt nghiệp Tiến sĩ nghiên cứu về Quang học lượng tử và laser tử ngoại và bắt đầu gây dựng sự nghiệp.
Đến nay, sau 14 năm sống trên đất Úc, Lê Vũ Hoàng đã có những thành tựu cho riêng mình và điều đó hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực của anh.
Trong lần xuất hiện gần đây nhất trên sóng VTV, Vũ Hoàng đã hé lộ khối tài sản lên đến 1 triệu đô. Căn nhà tại Úc của Vũ Hoàng rất rộng rãi, thoáng đãng, đặc biệt, ngôi nhà được phủ bóng bởi những hàng cây xanh ngắt và những bụi hoa hồng do gia đình anh tự trồng. Trên sóng truyền hình, khán giả vô cùng thích thú trước không gian sống tiện ích của cựu Quán quân Olympia.
Ngoài mua nhà, sắm xe, anh cũng đã kết hôn vào năm 2013. Cuộc sống của hai vợ chồng thêm phần hạnh phúc khi lần lượt đón hai nhóc tỳ ra đời đủ nếp, đủ tẻ.
Ảnh: Sưu tầm