Trong tối 1 và 2/1/2020, nhiều tài xế ở Hà Nội tỏ ra bất ngờ, thậm chí bất hợp tác khi bị lực lượng CSGT ra quân xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được ban hành thay thế nghị định số 46/2016/NĐ-CP, có hiệu lực đúng vào ngày Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực (1/1/2020). Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Ở Hà Nội, theo ghi nhận của Tuổi trẻ online, tài xế Nguyễn Văn D. (trú tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) lái xe máy chở "bạn nhậu", tỏ ra bất ngờ khi CSGT kiểm tra. Với kết quả đo nồng độ cồn có mức vi phạm 0,489mg/lít khí thở, ông D. bị xử phạt 7 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng.
Còn tài xế xe gắn máy BKS 29Y5 dù thừa nhận có nồng độ cồn, nhưng phản ứng dữ dội bằng cách dọa "tao vứt xe đây", "tôi biết ngành luật, tôi làm ở Bộ Giáo dục -đào tạo , tôi dạy học sinh, sinh viên…". Tài xế lớn tiếng dọa đập máy quay của phóng viên, giơ điện thoại nói "gọi luôn bộ trưởng đây này".
Tối 1/1, tài xế xe ô tô BSK 29C-45... tên Lê Khắc T. đã bị CSGT xử phạt 35 triệu đồng căn cứ theo Nghị định số 100, khi có nồng độ cồn của người này là 0,719 ml/l khí thở. Ông T. bị xử phạt tại Km 188+300 trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình.
Mức xử phạt các lỗi vi phạm giao thông cơ bản theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Theo Vietnamnet, một tài xế vừa bị phạt 40 triệu, tước giấy phép lái xe gần 2 năm thắc mắc: "Tôi uống từ trưa mà tới chiều vẫn còn nồng độ cồn. Vậy không biết tới bao giờ thì mới hết để không bị phạt?".
Rất nhiều người điều khiển phương tiện giao thông có chung câu hỏi như trên, trước quy định về mức xử phạt nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ trên Vietnamnet, để quy định cụ thể định lượng rượu bia tương ứng với thời gian nồng độ cồn trở về bằng 0 sẽ rất khó, vì còn phụ thuộc vào cơ địa và khả năng đào thải của mỗi người.
"Thực tế có người cơ địa đào thải tốt, chỉ 12h là không còn nồng độ cồn, nhưng có người sau 24h vẫn còn.
Do vậy đưa ra khuyến cáo để người dân định lượng tham khảo chung, quan trọng nhất vẫn là cảm nhận của cơ thể mỗi người", ông Minh nói, đồng thời cho rằng, nhà chức trách nên có hướng dẫn quy định theo dạng khuyến cáo định lượng như uống một cốc bia thời gian bao nhiêu sẽ hết nồng độ cồn để người dân định lượng.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh thì cho rằng người uống rượu bia phải biết được thời điểm mình tỉnh táo hoàn toàn và có thể điều khiển phương tiện đảm bảo an toàn.
Cũng theo Vietnamnet, một chuyên gia giao thông nêu ý kiến, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cần yêu cầu Bộ Y tế (phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới) và Bộ GTVT cung cấp chỉ số định lượng rượu bia đối với nam và nữ thông thường trong thời gian bao lâu sẽ hết nồng độ cồn để người dân biết để thực hiện.
Về câu hỏi "sau uống rượu, bia bao lâu thì được phép lái xe mà không vi phạm?", Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai trả lời trên An ninh Thủ đô, rất khó để trả lời chính xác.
Bác sĩ Nguyên phân tích, thời gian từ lúc uống rượu đến khi kiểm tra để ra được xét nghiệm âm tính (trong máu không còn nồng độ cồn) phụ thuộc rất nhiều yếu tố như nồng độ rượu, lượng rượu, sức khỏe. Ngoài ra, cùng một loại rượu và một người uống, nhưng thời điểm uống khác nhau như vào lúc đói, lúc no thì sự hấp thụ rượu của cơ thể cũng khác.
"Chúng ta phải cẩn thận, vì có những người uống rượu tối hôm trước mà tối hôm sau vẫn còn dương tính trong máu và hơi thở. Cách tốt nhất là hạn chế tối đa số lần uống rượu, hạn chế tối đa lượng rượu chúng ta uống, để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người", An ninh Thủ đô dẫn lời Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đăng Đức, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ với tờ Lao động, rượu là chất độc cho cơ thể và chúng ta đã lạm dụng hàng nghìn năm nay. Người trẻ khi sử dụng rượu sẽ làm ức chế thần kinh, dễ dẫn đến biến chứng do bị ngộ độc rượu cấp tính, nều uốn nhiều thì não bị tổn thương. Theo ông, chúng ta nên hạn chế sử dụng rượu càng sớm càng tốt.
(Tổng hợp)