Đại diện tập đoàn cho biết, giá cổ phiếu HAG diễn biến không thuận lợi, nên việc phát hành thêm sẽ làm tăng nguồn cung và không mang lại lợi ích cho cổ đông, do đó đề nghị hoãn việc chia cổ tức.
Cuối buổi họp, một cổ đông bất ngờ đứng lên nói: “Là cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai, năm vừa rồi tôi luôn bị sốc, xin hỏi lãnh đạo tập đoàn, từ giờ đến cuối năm Hoàng Anh Gia Lai còn gì để bán?”.
Đề cập thẳng vào các vấn đề khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai trong thời điểm hiện tại, tuy nhiên, câu hỏi này đã không nhận được câu trả lời, và đại hội kết thúc chóng vánh ngay sau khi lãnh đạo tập đoàn trình bày các kế hoạch kinh doanh, phát triển của doanh nghiệp.
Đây là điều khá bất ngờ với giới đầu tư, cổ đông tham dự đại hội, trong bối cảnh năm vừa qua và 6 tháng đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai xảy ra khá nhiều biến cố.
Trong thời gian qua, Hoàng Anh Gia Lai đã bán thanh lý một lượng lớn tài sản, trong đó có những khoản đầu tư bất động sản không hiệu quả, gây thua lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Tập đoàn cũng đang dự định và đàm phán với đối tác bán một số nhà máy thuỷ điện, mía đường. Thậm chí, nếu như không được tái cơ cấu nợ, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức dự tính sẽ bán thêm 20.000 ha cao su tại Lào để trả nợ vay.
Cũng tại đại hội này, Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai, ông Võ Trường Sơn cho biết, năm 2016 tập đoàn có doanh thu 5.838 tỷ, lỗ 1.191 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến cuối năm, tập đoàn không được phép xảy ra thua lỗ.
Trong năm nay, tập đoàn tiếp tục phát triển ngành trồng trọt là mía đường, cao su, trồng bắp. Chăn nuôi bò thịt sẽ đóng vai trò chính là cứu cánh trong lúc khó khăn.
Đặc biệt, với bò sữa, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến cung cấp 24 triệu lít sữa tươi, mang lại doanh thu 302 tỷ đồng, song mục tiêu là lợi nhuận bằng 0.
Với dự án bất động sản tại Myanmar, Hoàng Anh Gia Lai phấn đấu đạt tỷ lệ cho thuê của cao ốc văn phòng là 80%, trung tâm thương mại tăng lên gần 100%, và công suất phòng khách sạn 5 sao đạt 70%, dự kiến góp phần mang lại doanh thu khoảng 950 tỷ đồng.
Ngoài ra, tập đoàn còn đẩy mạnh việc phát triển bệnh viện, khách sạn, trồng cây ăn trái tại Việt Nam, Lào, Campuchia.
Theo đề án tái cấu trúc Hoàng Anh Gia Lai từ năm 2016-2026, tập đoàn sẽ thực hiện 3 bước tái cấu trúc, gồm: tư duy lại, nghĩ lại về thị trường, về con đường đi của công ty; thiết kế lại con đường đi trong 10 năm tới; xây dựng lại cấu trúc.
Nội dung đề án sẽ tập trung vào 4 mảng chính là xây dựng chiến lược, tái cấu trúc về mặt tổ chức, tái cấu trúc mô hình quản trị và tái cấu trúc về tài chính.
Trong đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tập trung vào cơ cấu nợ sao cho đến năm 2019 sẽ đi vào trạng thái cân bằng, tạo ra dòng tiền đủ bù đắp chi phí.