Câu hỏi day dứt vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: 'Bố học dốt chưa được về hả mẹ?'

Bùi Yên |

Một trong những loạt bài trên Báo PLVN thu hút nhiều sự chú ý của dư luận năm 2019, là vụ án nguyên Bí thư Bến Cát (Bình Dương) Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967) có dấu hiệu bị kết tội oan sai.

Vụ án hiện vẫn đang được điều tra xem xét lại. Vụ án khiến nhiều người quan tâm không chỉ vì tình tiết pháp lý oái oăm vì mua đất mà bị đi tù; mà còn vì những góc khuất khác như tiền đâu mà vị Bí thư thị xã mua đất; vì ông Khanh một mực kêu oan có mâu thuẫn với một số cá nhân khác nên bị hãm hại? Ngày cuối năm, lần đầu tiên vợ ông Khanh trải lòng những câu chuyện này.

Những tháng năm lận đận

Ông Khanh sinh ra lớn lên ở huyện Bến Cát (nay là Thị xã). Năm 2001, ông cưới vợ và chuyển về sống ở quận 3 (TP HCM). Vợ ông là bà Huỳnh Thị Phương Anh, bác sĩ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM. Sau nhiều năm gom góp, vay mượn, vợ chồng mua được 10ha đất trồng cao su ở huyện Dầu Tiếng.

“Năm 2007, con gái đầu lòng chào đời. Anh làm việc ở Bến Cát, ở lại đến cuối tuần mới về nhà. Mỗi ngày, sau giờ làm, anh tranh thủ lên Dầu Tiếng thăm vườn, chăm sóc cao su.

Nhất là đợt cao su được mệnh danh “vàng trắng” thì mình phải có mặt để đốc thúc công nhân cạo mủ, chăm sóc”, bà Phương Anh kể.

Tháng 5/2012, đứa con gái thứ hai chào đời. Bà Phương Anh bị trầm cảm sau sinh, một mình không thể chăm được hai con nhỏ.

Con gái đầu lòng mến bố, cứ sáng đầu tuần bố đi làm là quấn chân khóc lóc. “Vợ chồng tính bán đất ở Dầu Tiếng, mua đất ở Bến Cát để gần chỗ anh làm, chạy đi chạy về sẽ tiện và có bà con nhờ trông coi, chăm sóc giúp. Anh sẽ về nhà hằng ngày để giúp vợ chăm con”.

“Khoảng tháng 8/2012, có người mua 10ha đất và cao su đang thu hoạch ở Dầu Tiếng giá 5,5 tỷ đồng. Lúc đó đất xuống giá khủng khiếp, không ai mua nên phải lo bán trước, chuẩn bị sẵn tiền để ai bán đất thì mình mua; chứ nếu có người bán mà không sẵn tiền thì mất cơ hội”, bà Phương Anh kể.

Giọng chùng xuống, rơi nước mắt vì nghĩ đến chuyện mua đất mà chồng ở tù, tài sản dành dụm cả đời nguy cơ bị mất, bà Phương Anh kể tiếp: “Một hôm, anh về nhà nói: “Anh nghe “cò” nói có người bán đất ở xã An Tây. Mai anh hỏi lại, nếu được giá mình mua”.

Bữa cơm hôm ấy, vợ chồng bàn tính bao nhiêu chuyện. Mua được đất, anh đầu tư trồng cao su. Vợ chồng về hưu sẽ dưỡng già trên mảnh đất đó”.

Thế nhưng tương lai ấy đã bị dập tắt. “Đến bây giờ, tôi vẫn ngày ngày tự đặt câu hỏi, tại sao đến nông nỗi này, tại sao mua đất lại đi tù?”.

Nợ đầm đìa sau thương vụ oan nghiệt

“Nguồn tiền ở đâu mua đất trên Dầu Tiếng? Tiền đó là từ 300 lượng vàng của mẹ tôi. Gia đình tôi có tiệm vàng, mẹ trích ra một khoản dự trữ 300 lượng để các con ai cần đầu tư thì mượn. Năm 2001, tôi cưới chồng, là con đầu nên được mẹ giao giữ số vàng.

Cùng với tiền vợ chồng dành dụm, năm 2007 mới mua được 10ha đất ở Dầu Tiếng. Năm đó chúng tôi mua 6,5 tỷ đồng”.

“Từ 2007 đến 2012, tiền thu được từ mủ cao su, chúng tôi trả góp một căn hộ ở Sài Gòn như một hình thức tiết kiệm. Trả góp xong, chúng tôi bán căn hộ giá 2,4 tỷ đồng.

Đất ở Dầu Tiếng 5,5 tỷ đồng. Như vậy vợ chồng có gần 8 tỷ đồng gửi tiết kiệm ở ngân hàng, chờ có người bán đất thì mua”.

Để có đủ tiền mua đất của cụ Hồ Thị Hiệp, bà Phương Anh phải vay thêm của mẹ và anh em. Đến nay vợ chồng còn nợ 300 lượng vàng và hơn 2 tỷ đồng.

Câu hỏi day dứt vụ cựu Bí thư Bến Cát kêu oan: Bố học dốt chưa được về hả mẹ? - Ảnh 1.

Khu đất oan nghiệt vợ chồng ông Khanh mua phải.

“Lúc ở tòa, VKS bảo tôi biết có bản án giữa cụ Hiệp và BIDV vào ngày 28/12/2012 nhưng vẫn cố tình mua; là một áp lực cho cụ Hiệp bán rẻ. Sự thật thì tôi không biết. Tôi mà biết thì không bao giờ mua.

Ngày 28/12/2012, sổ tiết kiệm chưa đến hạn rút tiền, tôi gọi điện xin cụ Hiệp sang tháng 1/2013 ký hợp đồng, định đến kỳ hạn rút tiền sẽ có thêm vài đồng lãi suất. Nhưng cụ nhất quyết không chịu, buộc tôi phải ký hợp đồng ngày 28/12/2012, nếu không mất tiền cọc.

Tôi bấm bụng rút tiền trước thời hạn. Lúc đó cụ Hiệp không hề nói gì đến bản án. Hôm đó có cả ông Hòa (con cụ Hiệp - NV) đi cùng mẹ đến văn phòng công chứng. Bây giờ cụ chết rồi, người ta đổ hết lên đầu vợ chồng tôi”, bà Phương Anh kể.

Sau khi mua đất, vợ chồng ông Khanh đầu tư trồng cao su. Bao công sức từ 2012 đến 2016. “Hồi cụ Hiệp còn sống, chưa bao giờ có ý kiến gì. Cụ hay lên nhà chơi, vui vẻ, tâm sự chuyện gia đình, con cái. Cụ chết, con cụ lại đi tố cáo.

Chính người này thường đi với cụ trong những lần mua bán, ký hợp đồng với tôi. Anh ấy bị ai xúi giục mà làm như vậy?”.

“Anh Khanh thì tự tin vì bảo không sai. Mà thật sự chúng tôi không sai. Dù lúc đó anh có chức vụ nhưng không hề o ép, gây áp lực cụ Hiệp hay ngân hàng phải bán đất. Thuận mua vừa bán, giá cả rõ ràng, đầy đủ pháp lý đúng quy định.

Mình là người mua, chỉ biết ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp bán, giấy tờ sổ đỏ đàng hoàng thì thực hiện”, bà Phương Anh kể.

“Làm sao để hai con hiểu thế nào là oan sai?”

“Ngày anh bị bắt, chúng tôi biết trước. Họ dẫn giải anh từ Bình Dương về nhà để khám xét là trời vừa chập choạng tối. Tôi lao từ bệnh viện về. Sụp đổ. Sợ hai con thấy cảnh anh bị bắt, bị còng tay, tôi gửi sang nhà mẹ.

Tận đêm họ vẫn còn khám xét. Nhưng không biết ai cố tình tung tin ra ngoài mà lúc đang khám thì một số tờ báo đã đăng tin rằng anh “ép cụ Hiệp bán đất rẻ dẫn đến uất mà chết””.

“Đến tận bây giờ, sau 17 tháng anh bị giam, tôi vẫn giữ bí mật với hai con gái. Mỗi ngày chúng hỏi “bố đâu”, tôi lại nói dối “Bố đi học, ở nơi mà người ta cấm dùng điện thoại. Khi nào có cơ hội thì bố sẽ gọi hai con”.

Hai con rất quý bố, nhất là đứa thứ hai, giống anh như đúc, giống cả tính cách. Tôi sợ hai con bị sang chấn tâm lý, sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển, học tập, sụp đổ về hình tượng người bố mà chúng yêu thương.

Hai con còn nhỏ, chưa đủ hiểu được chuyện bố bị bắt không phải vì có tội mà vì những vấn đề khác. Làm sao để hai con hiểu được thế nào là oan sai.

“Có hôm con gái nhỏ mới 7 tuổi cứ mè nheo đòi bố. Cháu hỏi bố đi lâu quá, sao không gọi điện, không về thăm nhà? Cháu hỏi: “Gần Tết rồi, bố học dốt nên chưa được cho về hả mẹ? Nói bố thôi đừng học nữa, về với con. Con nhớ bố lắm”.

Nghe mà đau thắt cả ruột gan. Tôi không biết giải thích thế nào cho con hiểu. Tôi không biết sẽ giữ bí mật được bao lâu. Tết năm ngoái, hai con nhất quyết đòi đi tìm bố. Tôi vẫn phải nói dối, tìm đủ mọi cách để các con không biết chuyện gì đang xảy ra”.

“Từ ngày anh bị bắt đến nay, một mình tôi lo toan. Công việc ở bệnh viện, chăm con, đi kêu oan cho anh.

Lúc anh mới bị bắt, Công an Bình Dương còn tính đưa cả tôi thành đồng phạm giúp sức vì tôi là người ký hợp đồng mua bán, một mực nói vợ chồng chúng tôi ép cụ Hiệp bán đất.

Họ tung tin cho một số tờ báo vội quy kết “đánh” anh tơi tả, nào là “tài sản 100 tỷ mà mua 10 tỷ, cụ Hiệp vì uất ức mà chết”, các con cụ bị chúng tôi ““cưỡng chế” ra đường”.

Anh là cán bộ nên dư luận sục sôi. Mình biết giải thích thế nào cho mọi người hiểu? Lúc ấy nhiều người gặp tôi, ánh mắt như căm phẫn, mỉa mai. Mãi sau này, mọi người biết chuyện. Nhiều người tin rằng anh vô tội đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều”.

“Nghe ở đâu nhận đơn kêu oan, tôi gửi ngay hoặc đến tận nơi. Nghe nơi nào có thể giãi bày để cơ quan chức năng hiểu, tôi vội xin nghỉ việc để đến gặp.

May mà lãnh đạo bệnh viện hiểu, tạo điều kiện. Mười bảy tháng qua, đêm nào tôi cũng mơ anh về, áo trắng quần đen đi làm như hồi chưa bị vướng vào câu chuyện oan nghiệt này”.

Sắp đến Tết thứ hai kể từ khi chồng bị bắt, người vợ vẫn hi vọng ông Khanh được tại ngoại về với gia đình. Bà bảo phải chi chồng phạm tội, bà sẽ không kêu, sẽ chấp nhận.

Nhưng ông Khanh có dấu hiệu oan sai rất rõ ràng kể từ ngày mua đất đến cả phiên tòa vừa bị trả hồ sơ. Bà vẫn hi vọng, trước Tết, chồng sẽ được tại ngoại, sẽ được về với các con.

“Tôi tin rằng công lý sẽ đến vụ án oan vợ chồng tôi đang vướng phải. Hỏi khắp đất nước này, có ai mua đất mà ở tù, mà nguy cơ mất tất cả như vợ chồng tôi hay không?”, bà Phương Anh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại