Câu hỏi của bộ lạc da đỏ khiến Beckham "cứng họng" và sự kiện thay đổi lịch sử bóng đá

Linh Đan |

Ngày nay, cầu thủ bóng đá vẫn được biết tới là nghề nghiệp đem lại những khoản thu nhập cao so với mặt bằng xã hội. Tuy nhiên ở thủa sơ khai, mọi thứ lại hoàn toàn trái ngược.

"LÀM SAO CÓ THỂ KIẾM SỐNG CHỈ BẰNG CÁCH CHẠY THEO VÀ ĐÁ VÀO MỘT QUẢ BÓNG?"

Đối với những người hâm mộ bóng đá, David Beckham là cái tên không ai không biết tới. Kỹ năng sút phạt thượng thừa, những pha tạt bóng chuẩn xác, nét điển trai đi cùng năm tháng, sự nổi tiếng bên ngoài sân cỏ với vô số show quảng cáo… Có quá nhiều thứ để người ta có thể cùng nhau kể về sự thành công với nghiệp quần đùi áo số của David Beckham. Chỉ cần xuất hiện ở bất cứ đâu, sự chú ý sẽ lập tức đổ dồn về phía siêu sao người Anh.

Tuy nhiên, hóa ra vẫn còn có những nơi mà người ta chẳng biết David Beckham là ai cả. Số là vào năm 2014, khi thực hiện một bộ phim tài liệu của BBC trước thềm kỳ World Cup tại Brazil, Beckham đã có chuyến đi tới vùng đất của bộ tộc Yanomami ở khu vực rừng Amazon, kéo dài trong 12 ngày để tìm hiểu về cuộc sống tại đây. Và thế là chuyện trớ trêu xảy ra.

Câu hỏi của bộ lạc da đỏ khiến Beckham cứng họng và sự kiện thay đổi lịch sử bóng đá - Ảnh 1.

Cựu tiền vệ MU đã tới được nơi mà người dân chẳng biết bóng đá là gì, David Beckham là ai.

"Đây là lần đầu tiên tôi phải giải thích với người đối diện mình rằng bóng đá là thế nào? Nghề nghiệp của tôi cụ thể ra sao? Và làm thế nào để tôi có thể sống chỉ bằng cách chạy theo và đá vào một quả bóng. Thật khó để nói cho họ hiểu được. Không ai nhận ra tôi cả", Beckham nói về chuyến đi của mình.

Rõ ràng, với những người không biết gì về bóng đá như bộ tộc Yanomami, việc có thu nhập và nuôi sống bản thân chỉ nhờ đá bóng nghe thật khó tin. Nhưng ít ai biết rằng, vào thưở sơ khai của bóng đá thế giới, ai ai cũng đều nghĩ giống như tộc người da đỏ Amazon kia. Việc kiếm được tiền nhờ đá bóng là một điều vô lý, thậm chí là bị cấm.

KHI BÓNG ĐÁ CHỈ DÀNH CHO GIỚI QUÝ TỘC

Ngược dòng thời gian trở về nửa sau thế kỷ 19, khi bóng đá còn ở thủa sơ khai. Tại nước Anh, đây được xem là môn thể thao chỉ dành cho những quý ông giàu có và sinh viên đại học. Đơn giản bởi chỉ họ mới có thời gian thảnh thơi để chơi bóng, thay vì làm việc cả ngày trong những nhà máy như các công nhân.

Nhưng rồi sức hút của bóng đá khiến mọi thứ dần thay đổi. Những ông chủ nhà máy bắt đầu thành lập các đội bóng từ các công nhân của mình, cho họ có 1 ngày trong tuần để chơi bóng và bắt đầu tham dự FA Cup.

Câu hỏi của bộ lạc da đỏ khiến Beckham cứng họng và sự kiện thay đổi lịch sử bóng đá - Ảnh 2.

Trang phục thi đấu bóng đá thủa sơ khai mang đậm chất quý tộc.

Tuy nhiên, so với những quý ông có quỹ thời gian nhiều hơn để tập luyện, không phải nai lưng làm từ sáng đến tối, từ thứ 2 đến thứ 7, các đội bóng công nhân rõ ràng lép vế hơn về đẳng cấp. Cầu thủ cũng không được hưởng lương. Việc trả tiền bị Hiệp hội bóng đá Anh (FA) cấm hoàn toàn.

Cầu thủ đơn thuần là những người công nhân ăn lương của nhà máy. Chân đá bóng, nhưng đầu thì vẫn phải lo về cái nồi cơm ở nhà. Và chức vô địch luôn thuộc về các CLB thuộc tầng lớp quý tộc.

Đá mãi mà không vô địch được thì cũng khó chịu thật. Thế là ông chủ của Darwen FC, một đội bóng ở vùng Lancashire đã đi đến một quyết định táo bạo. Và ông cũng không thể nghĩ rằng, đó chính là điều đã khiến bóng đá thế giới rẽ theo một hướng hoàn toàn mới.

LÉN TRẢ LƯƠNG ĐỂ KÉO CẦU THỦ GIỎI VỀ ĐỘI MÌNH

Theo những tư liệu được ghi chép lại, Fergus Suter được coi là cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới, khi ông được trả lương để chơi bóng.

Chuyện xảy ra vào năm 1878 khi ông chủ Darwen FC thuyết phục được Fergus Suter rời Scotland để đến chơi cho đội bóng của mình. Đồng hành cùng Suter còn có người đồng đội của tại đội Partick, người bạn Jimmy Love.

Câu hỏi của bộ lạc da đỏ khiến Beckham cứng họng và sự kiện thay đổi lịch sử bóng đá - Ảnh 3.

Câu chuyện của Fergus Suter được dựng thành series phim truyền hình ăn khách The English Game được phát hành hồi đầu năm nay. Trong ảnh là tạo hình nhân vật Suter (trái) và người bạn Jimmy Love.

Chẳng cần tới sự ra tay của Sherlock Holmes, việc Fergus Suter được trả tiền để tới chơi cho Darwen FC là điều ai cũng đoán được. Thời điểm đó, đây là việc bị FA cấm nên Suter và Love vẫn vào làm việc ở nhà máy để tạo vỏ bọc. Nhưng khoản tiền "ngoài luồng" cho việc ra sân chơi bóng là điều sau này đã được xác nhận bởi người trong cuộc.

"Khi bàn bạc với đội bóng, tôi đã thống nhất với họ rằng trong 3 tuần đầu tiên coi như thử việc, không có khoản phí nào cả. Sau khi được nhận, họ trả cho tôi 10 bảng mỗi tuần. Hai bên hoàn toàn không gặp khúc mắc nào trong việc đàm phán", Fergus Suter trả lời phỏng vấn trên tờ Lancashire Daily Post vào ngày 13/12/1902.

Cùng với Jimmy Love, Fergus Suter thực sự giúp thay đổi bộ mặt Darwen FC khi giúp CLB trở thành đội bóng phía bắc đầu tiên lọt vào được tới vòng tứ kết của FA Cup vào năm 1879. Họ chỉ chịu dừng bước trước Old Etonians, đội của những quý ông giàu có và lên ngôi vô địch trong năm đó. Dù sao với một đội công nhân, thành tích như thế đã là ấn tượng lắm rồi.

Câu hỏi của bộ lạc da đỏ khiến Beckham cứng họng và sự kiện thay đổi lịch sử bóng đá - Ảnh 4.

Suter chuyển từ Darwen sang Blackburn khi nhận được lời đề nghị về một khoản lót tay hấp dẫn.

Nhưng đâu phải chỉ ông chủ của Darwen FC có tiền. Tên tuổi của Fergus Suter giúp anh lọt vào "mắt xanh" của ông chủ Blackburn. Một lời đề nghị với khoản lót tay trị giá 100 bảng kèm mức lương hấp dẫn hơn được đưa ra, và Suter gật đầu. Tất nhiên mọi chuyện vẫn diễn ra âm thầm để lách luật cấm của FA.

Chính việc dứt áo ra đi của Suter đã khiến những người Darwen nổi giận. Một cuộc bạo loạn đã xảy ra trong trận giao hữu giữa Darwen và Blackburn. FA bắt đầu "đánh hơi" được nguồn cơn sự việc và quyết định ra án phạt loại Blackburn khỏi FA Cup năm đó, dù họ đã vào đến trận chung kết.

Tuy nhiên áp lực từ Hiệp hội bóng đá Lancashire về việc đe dọa sẽ rủ các đội bóng ở các khu vực bỏ giải và thành lập giải đấu riêng từ năm sau khiến FA phải chùn bước. Đây cũng chính là động thái đầu tiên của các CLB công nhân trong việc đoàn kết lại để thay đổi điều luật cấm của FA.

Fergus Suter sau đó vẫn thất bại trước Old Etonians trong trận chung kết FA Cup 1882, nhưng đến năm 1883, họ đã phục thù thành công. Blackburn trở thành đội bóng công nhân đầu tiên vô địch FA Cup. Một thông điệp mạnh mẽ được gửi đi, khi bóng đá không còn là môn thể thao bị thống trị bởi giới quý tộc.

Câu hỏi của bộ lạc da đỏ khiến Beckham cứng họng và sự kiện thay đổi lịch sử bóng đá - Ảnh 5.

Suter và danh hiệu FA Cup đầu tiên giành được cùng Blackburn.

NGƯỜI THAY ĐỔI LỊCH SỬ BÓNG ĐÁ MÃI MÃI

Blackburn liên tiếp vô địch FA Cup 3 năm sau đó với sự xuất sắc của Suter trong đội hình. Càng về sau, cầu thủ người Scotland càng cho rằng chơi bóng đá cũng là làm việc để kiếm tiền giống như những công việc khác và không có nghĩa gì khi cứ phải giả vờ là sự thật không phải như vậy.

Chính những động thái cương quyết của Suter, đội bóng Blackburn, cùng sự ủng hộ của nhiều CLB khác đã dẫn đến việc FA phải hợp pháp hóa công việc của các cầu thủ chuyên nghiệp giống như các công việc khác trong xã hội.

Câu hỏi của bộ lạc da đỏ khiến Beckham cứng họng và sự kiện thay đổi lịch sử bóng đá - Ảnh 6.

Football League, giải bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên được ra đời vào năm 1888, nơi toàn bộ các CLB tham gia đều có những cầu thủ được trả lương để chơi bóng. Khán đài được xây dựng, vé được bán ra, các khoản quảng cáo được thu về. Số tiền này lại được xoay vòng để trả lương cho cầu thủ và xây dựng đội bóng.

Điều này dần dần thúc đẩy các CLB dùng tiền để cạnh tranh nhau, lôi kéo các cầu thủ giỏi. Một kỷ nguyên mới của bóng đá được hình thành. Và không ngạc nhiên khi Fergus Suter được tôn vinh như người tiên phong tạo nên bước ngoặt này.

Làm thế nào để có thể kiếm sống chỉ bằng cách chạy theo và đá vào một quả bóng? Câu trả lời hóa ra đã có từ gần 150 năm trước rồi.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại