Bên cạnh những lời khen chê là rất nhiều tò mò của khán giả liên quan đến quá trình sản xuất bộ phim. Có hay không sự thay đổi cái kết để làm "vừa lòng công chúng" và câu giờ để làm quảng cáo như đồn đại của một số lời đồn đại?
Dưới đây là cuộc trò chuyện của Trí thức trẻ với Tiến sĩ văn hóa Đặng Thiếu Ngân - biên kịch của bộ phim về những vấn đề này.
Không có cái kết ban đầu hay kết sau này
- Cái kết của "Sống chung với mẹ chồng" rất hợp lòng của số đông khán giả. Nhưng đây là cái kết có chỉnh sửa hay là cái kết từ ban đầu, thưa chị?
Trong quá trình thực hiện, ekip vẫn liên tục có những trao đổi cùng nhau, nhưng chỉ có cái kết của phim, khác cái kết của truyện như mọi người vẫn đặt ra câu hỏi thôi chứ không có kết ban đầu hay kết sau này.
- Được biết những tập cuối cùng của bộ phim có quay thêm nhiều cảnh mới, tạo cảm giác hơi "câu giờ" và làm tổng thể của bộ phim kém hấp dẫn hơn. Với tư cách là biên kịch, chị có cảm thấy điều đó làm ảnh hưởng đến chất lượng bộ phim?
Tôi không nghĩ những cảnh mới quay thêm là câu giờ, bởi vì khi viết ra tình huống nào, thì biên kịch đều mong đạo diễn sẽ sử dụng, đưa chi tiết đó lên phim theo cách dàn xếp, nhấn nhá nghệ thuật của đạo diễn.
Phim có sự kết nối, đi từ khía cạnh này tới cảm nhận khác, nên có thể nói những phần khán giả thấy là thêm, thực tế lại là những mảnh ghép để đưa kịch tính, cao trào cũng như kết phim đến điểm thú vị hơn.
Cái kết viên mãn của phim "Sống chung với mẹ chồng"
- Một số khán giả đánh giá cái kết của bộ phim khá giống với "truyện cổ tích"...
Dù nhiều khán giả mong nhân vật này, nhân vật kia phải bị quả báo, nhưng chính mong việc "báo ứng" thế cũng toát lên quan điểm trân trọng việc ở hiền gặp lành, tức là đề cao tính nhân văn.
Ở mỗi giai đoạn, con người ta sẽ có những thay đổi về tâm lý, hành động, ít ai xấu đến tận cùng, bởi dẫu xấu xa, nếu may mắn gặp được người yêu thương cảm hoá, thì người xấu cũng sẽ thay đổi, có thể nhân ái hơn.
Tôi thấy số đông khán giả thích cái kết tròn trịa này, vì người họ yêu được hạnh phúc. Chúng ta sống bao dung, độ lượng, thì khi xem một bộ phim, sự bao dung cũng tự nhiên xuất hiện...
Chẳng có phim này thì nhiều cô dâu hiện đại đã cãi mẹ chem chẻm rồi!
- Có phải là một người trẻ nên chị cũng ưu ái hơn cho những người trẻ trong phim, vì kết thúc cho Minh Vân viên mãn, còn của bà Phương thì ê chề quá?!
Thật ra không có sự phân chia già trẻ nào cả, Vân là cuộc sống sôi nổi viết tiếp, còn bà Phương cũng là cuộc sống êm đềm viết tiếp vì với người già, thi thoảng kêu than 1 chút, giận dỗi 1 chút, gắt gỏng để chồng vỗ về 1 chút chính là biểu hiện khẳng định sự tồn tại và được quan tâm.
Tôi nghĩ, bà Phương cũng là viên mãn, vì nhận ra cuộc sống hiện đại cần bà làm gì, con cái làm gì để qua đó thích nghi và sống vui vẻ hơn.
- Không ít người cho rằng sau bộ phim sẽ có rất nhiều cô con dâu sẵn sàng "cãi mẹ chem chẻm". Chị có nghĩ vậy không?
Chẳng có phim này thì nhiều cô dâu hiện đại đã cãi mẹ chem chẻm rồi. Quá nhiều diễn đàn giúp những cô dâu có thói quen hay học thói quen cãi mẹ đẻ, mẹ chồng hoạt động tích cực, mà ở đó những người không cổ xuý việc cãi lại đủ sức ngăn sự đòi hỏi bình quyền này.
Tôi nghĩ khi chuyển tải lên phim, với chính những hành động, lời nói quen thuộc của nhiều cô gái, sẽ giúp người ta ngộ ra chân lý hơn vì cũng như nhờ có cái gương, con người hàng ngày soi để giúp mình tránh lỗi ăn mặc cẩu thả...
Nên có thể nói, ở góc độ tích cực sẽ là tích cực, còn nhiều khán giả cũng đồng tình, đây là phản ánh, không phải là phê phán nên không gọi là tiêu cực.
- Nhân vật nào khiến chị tâm đắc nhất trong bộ phim này?
Cá nhân tôi thích bà Phương.
NSND Lan Hương thể hiện vô cùng thành công vai diễn mẹ chồng trong phim
- Còn nhân vật Diệp trong phim là vai phản diện nhưng lại không khiến khán giả ghét. Thậm chí nhiều câu nói của Diệp còn nhận được sự ủng hộ. Chị lấy chất liệu của vai diễn này từ đâu vậy?
Từ vô số cô dâu trẻ mà tôi biết. Bạn có theo dõi Facebook của tôi không, hôm rồi có cô gái vào comment nói rõ "chị ơi em thấy mình giống Diệp lắm. Diệp chính là em". Cô ấy lấy chồng đã 7 năm, sinh 3 con rồi.
- Đứng từ góc độ biên kịch, chị thấy bộ phim chuyển tải được thành công kịch bản và những dụng ý của mình hay không?
Rất thành công, tôi nghĩ thành công hơn kịch bản trên giấy rất nhiều.
- Cảm ơn chị về những chia sẻ này!