"Nước sông không phạm nước giếng" là câu nói quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Câu nói dùng để chỉ việc mỗi cá nhân, tổ chức cần làm đúng phận sự, không nên chen vào việc của cá nhân, tổ chức khác. Tuy được sử dụng rộng rãi nhưng không phải ai cũng hiểu rõ xuất xứ của thành ngữ trên. Câu nói có nguồn gốc ra sao, hãy cùng tìm hiểu ngay ở thông tin phía dưới nhé!
Thực tế, "nước sông không phạm nước giếng" được cho là bắt nguồn từ câu "tỉnh thủy bất phạm hà thủ" của Trung Quốc. Theo trang Bách khoa từ điển Baidu, "nước sông" (hà thủy) và nước giếng (tỉnh thủy) ở đây không phải là nước sông và nước giếng trên mặt đất, mà là từ dùng để chỉ các chòm sao.
Ảnh minh họa.
"Nước giếng" chính là chòm sao Tỉnh (hay còn có tên gọi khác là Tỉnh Tú, Đông Tỉnh). Chòm sao này thuộc "nhị thập bát tú", tức là 28 chòm sao trên bầu trời theo cách chia của người Trung Hoa cổ. Chòm sao này tương ứng với chòm sao Song Tử của Tây Phương và nằm gần dải ngân hà. Còn "nước sông" chính là dải ngân hà.
Về phía Bắc và phía Nam của Tỉnh Tú có 2 chòm sao nổi tiếng là Bắc Hà và Nam Hà. Tương truyền đây là 2 chòm sao bảo vệ dải Ngân Hà. Nếu chúng hoặc dải Ngân Hà gặp vấn đề xấu thì thế giới sẽ có biến cố. Người xưa đã dựa trên sự chuyển động hài hòa giữa Tỉnh Tú, Bắc Hà và Nam Hà để đặt ra câu "nước sông không phạm nước giếng" với nghĩa bóng là mỗi cá nhân, tổ chức cần tự lo chuyện của mình, không xen vào chuyện người khác.
Tóm lại, "nước sông không phạm nước giếng" vốn xuất phát từ cách người xưa dự đoán điểm dữ dựa vào thuật chiêm tinh.
Kiến thức tiếng Việt thật phong phú phải không nào? Qua bài viết, chúng ta được mở rộng vốn hiểu biết về thiên văn học, xã hội học.
Ngoài ra, còn nhiều thành ngữ có nguồn gốc thú vị không kém. Chẳng hạn như:
- "Nuôi ong tay áo": Trước kia, người ta vẫn hiểu thành ngữ này theo nghĩa đen nhưng thật ra, không ai dại mà nuôi ong trong tay áo. "Ong tay áo" ở đây chỉ một loài ong đen làm tổ trên cành cây. Loại tổ ong này xệ xuống như ống tay áo. Tay áo ngày xưa thường được may rộng chứ không gọn gàng như bây giờ. Chính vì vậy, người ta nói "nuôi ong tay áo" vì hình dáng cái tổ của chúng giống như tay áo người.
- "Rồng đến nhà tôm": Sở dĩ có yếu tố "rồng" và "tôm" xuất hiện vì thành ngữ này vốn bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian từ xa xưa. Đây là một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn. "Rồng" ở đây chỉ cá chép, sau khi đã đỗ đạt, ở vị thế cao sang nhưng vẫn nhớ tình xưa nghĩa cũ. Còn "tôm" thì không hề tự ti, mặc cảm về xuất thân hay hoàn cảnh mà vẫn trân trọng tình bạn này. Ấy là lối ứng xử văn hóa mang đậm tình người.
- "Nghèo rớt mồng tơi": Ở đây, "tơi" không phải là loại rau mồng tơi như chúng ta vẫn nghĩ. "Tơi" là một loại áo mặc đi mưa vào thời xưa.