Câu đố Tiếng Việt: Vì sao người lái xe được gọi là "tài xế"?

Ứng Hà Chi |

Nếu bạn đoán được kiến thức này chứng tỏ bạn là người cực kỳ am hiểu ngôn ngữ.

Nhiều từ/cụm từ được sử dụng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày có nguồn gốc rất thú vị nhưng ít người biết đến. Chúng có thể là những từ mượn nước ngoài, từ gần âm,… được biến tấu sử dụng trong đời sống. Lâu dần, trở thành "lời ăn tiếng nói" thân thuộc của người dân. Chắc phải là người yêu thích, đam mê ngôn ngữ Việt mới có thể dành nhiều thời gian, công sức khám phá, tìm tòi ngữ nghĩa.

Trong số các từ có nguồn gốc đặc biệt, nếu bỏ qua từ "tài xế" thì quả thật là điều thiếu sót. Chúng ta không còn xa lạ gì với từ này. Nhưng có bao giờ bạn thắc mắc vì sao người lái xe được gọi là "tài xế" không?

Câu đố Tiếng Việt: Vì sao người lái xe được gọi là tài xế? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trả lời câu hỏi này, học giả Nguyễn Ngọc San cho rằng, "tài xế" tương đương với một từ Hán Việt là "tải xa". Tuy nhiên, trong Tiếng Trung, hai từ này không được dùng như một từ riêng rẽ mà chỉ xuất hiện trong các tổ hợp như "bát tải xa" (một loại xe chở hàng vào thời Tống), "bố luân kỉ sanh vận tải xa" (một loại xe của quân Anh trong thế chiến thứ hai),… Đây cũng không phải cách người Trung Quốc dùng để chỉ tài xế.

Trong Tiếng Trung, người lái xe được gọi là "tư cơ", âm Bắc Kinh là "siji", còn âm Quảng Đông là "xi géi". Và từ này không hề liên quan với từ "tài xế".

Vậy từ "tài xế" bắt nguồn từ đâu? Thật ra, "tài xế" vốn là phiên âm của từ "đại xa" theo tiếng Quảng Đông, đọc là "dai cé", rất gần với từ "tài xế". Từ này cũng không có nghĩa là "xe to".

Mathew's Chinese English Dictionary dịch "đại xa" là "chief engineer", tức là "trưởng máy". Đương đại Hán ngữ từ điển cả nhóm Lý Quốc Viêm cũng giảng (học giả An Chi dịch) "đại xa" là "tiếng tôn xưng đối với người lái tàu hỏa hoặc người phụ trách việc quản lý máy móc trên tàu chạy bằng hơi nước". Như vậy, cả về âm và nghĩa, "đại xa" đều có liên hệ gần gũi với "tài xế". Chúng ta hoàn toàn có cơ sở khẳng định từ trước là xuất xứ của từ sau.

Nói đến "tài xế" thì không thể không nhắc đến "tài công", tức là người lái thuyền. Huỳnh Tịnh Của có chú thích, "tài công" còn được gọi là "đà công". Từ điển Tiếng Trung cũng ghi nhận "tài công" là "từ chỉ người lái thuyền nói chung". Vậy rõ ràng "tài công" vốn bắt nguồn từ "đà công" trong tiếng Hán. Tuy nhiên, không có một cơ sở ngữ âm học nào để "đà" có thể chuyển thành "tài" được. Việc "đà công" chuyển thành "tài công" như vậy hẳn là do sự lẫn lộn với "tài xế" mà ra.

Cũng nói thêm, chữ "xế" trong "tài xế" tương đương với từ "xa", tức là "xe" trong Tiếng Hán. Đó cũng là lý do vì sao người ta gọi xe hơi là "xế hộp", gọi những kẻ đua xe lạng lách là "quái xế".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại