Nếu muốn rèn luyện trí thông minh, khả năng tư duy logic thì không gì hữu ích hơn việc chơi các trò giải câu đố. Với trẻ nhỏ, chơi giải đố có thể giúp các em học được cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều phương diện, từ đó áp dụng kĩ năng này trong cuộc sống. Giải đố cũng có nhiều dạng, từ các trò giải đố ô chữ, sudoku, nên những câu đố mẹo về những sự vật, sự việc bình dị trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu tự tin vào khả năng suy luận của mình, thì bạn hãy thử sức với một câu đố ngay dưới đây:
"Thứ gì rõ khôn, nhưng ai cũng ghét"
Đố bạn "Thứ gì rõ khôn, nhưng ai cũng ghét" - Ảnh minh họa.
Ai cũng biết, "khôn" là một tính từ chỉ khả năng suy xét để xử sự một cách có lợi nhất, tránh được những việc làm và thái độ không nên có. Người "khôn" thường có được cuộc sống dễ thở, thuận lợi hơn. Động vật nuôi trong nhà mà "khôn" cũng được chủ nhân yêu quý. Vậy "khôn" đâu có xấu, chỉ trừ khi "khôn vặt" quá mức mà thôi. Vậy thì thứ gì nghe "khôn" mà lại oái oăm, khiến người ta phải ghét?
Với câu đố này, chúng tôi khuyên bạn không nên suy nghĩ theo hướng thông thường, mà hãy nghĩ, liên tưởng đến các sự vật, sự việc khác theo hướng gợi mở hơn nhé. Hãy nhớ rằng, đây là câu đố mẹo, và nếu giữ suy nghĩ bó buộc thì còn lâu mới ra đáp án.
Tuy nhiên nếu nghĩ mãi chưa ra, thì chúng tôi sẽ gợi ý cho bạn đáp án, nghe là phải bật cười. Thứ "khôn" nhưng khiến ai cũng sợ ở đây, chính là: RĂNG KHÔN!
Răng khôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, từng khiến nhiều người đau nhức, sốt lên sốt xuống khi mọc răng.
Cho những ai chưa biết, mỗi người trưởng thành thường có 32 răng, chia thành 4 nhóm răng cửa (8 chiếc), răng nanh (4 chiếc), răng tiền hàm (8 chiếc), răng hàm (12 chiếc).
Răng khôn (hay còn gọi là răng số 8) được gọi để chỉ những chiếc răng hàm mọc cuối cùng của mỗi bên hàm, phía trước có răng số 7 và các răng vĩnh viễn khác, phía sau là cành xương hàm dưới. Cũng giống như các răng hàm khác, răng khôn có mặt nhai rộng, phân thành các múi, thân phình to, có nhiều chân. Thế nhưng, vì nằm quá sâu trong cung hàm nên răng khôn gần như không có chức năng ăn nhai.
Răng khôn gây ra nhiều tranh cãi khác nhau do chức năng của nó không rõ ràng mà lại gây nhiều phiền toái. Do vị trí mọc đặc biệt nên răng khôn có thể mọc ngược về phía xương hàm, đâm thẳng về phía răng hàm lớn thứ hai ngay bên cạnh hoặc có thể mọc bình thường, nhú được lên khỏi lợi được một phần thì tắc và ngừng mọc vĩnh viễn.
Răng khôn khi mọc sẽ đi kèm những dấu hiệu như: đau nhức vùng quanh lợi, sưng lợi, bị sốt và đau nhức đầu, xuất hiện tình trạng chán ăn,... Răng khôn khi mọc lệch cũng có thể gây ra nhiều biến chứng như: viêm lợi trùm răng khôn, viêm nha chu, răng mọc chen chúc, sâu răng, viêm mô tế bào, u nang xương hàm,... Răng khôn hàm dưới mọc ngầm còn có thể chèn ép vào dây thần kinh, gây tê môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm.
Càng để lâu không xử lý, chúng ta càng đau đớn, gặp nhiều bất tiện trong ăn uống nói riêng và sinh hoạt cuộc sống nói chung.
Tóm lại, chỉ cần nhắc đến răng khôn là đã thấy đau đớn, phiền phức, không muốn nghĩ tới rồi! Vậy cái răng này đáng ghét như thế, thì sao người ta lại gọi nó là "khôn" nhỉ? "Khôn" ở chỗ nào khi khiến chúng ta phải đau đớn quằn quại?
Theo một số lý giải thì: Răng khôn là răng mọc cuối cùng, thường ở độ tuổi từ 17 - 25 tuổi, là lứa tuổi trưởng thành về mặt trí tuệ nên được gọi là răng khôn chứ không phải nhờ răng này mà chúng ta khôn hơn, thông minh hơn đâu nhé!